Người Thổ hạ sơn

Là nơi duy nhất trên địa bàn huyện Thanh Sơn có đông người Thổ sinh sống, khu Quất, xã Yên Lương hiện có 84 hộ với 344 nhân khẩu, trong đó 30 hộ là đồng bào Thổ, hạ sơn từ năm 1960, sau cuộc di cư từ Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Đồng bào Thổ ban đầu cũng ở trên những dốc núi, sườn đồi, phát rẫy, trồng lúa nương, về sau tìm những vùng đất thuận tiện hơn đã chặt bỏ lau sậy, cây cối um tùm để dựng nhà, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Những người phụ nữ Thổ vẫn giữ thói quen thêu thùa trên khăn đội đầu.

Giữ gìn bản sắc văn hóa Thổ

Tự nhận mình có những nét giống người Thái về trang phục, ngôn ngữ tương tự của người Tày, trải qua thời gian, người Thổ nơi đây đã “gạn đục khơi trong”, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và giữ gìn những nét văn hóa truyền thống. Nhà ở của người Thổ hầu hết đều là nhà sàn bởi sống gần rừng, cây cối rậm rạp, ngày xưa chó sói, beo vẫn xuống tận nhà dân vì thế nhà sàn là cách tôt nhất để họ chống thú giữ.

Chúng tôi dừng bước trước ngôi nhà sàn tựa lưng vào núi, mặt hướng ra cánh đồng lúa đang độ chín, gặp được cụ Hà Thị Chòm - người Thổ, năm nay đã 80 tuổi. Mặc dù tuổi cao, lưng còng nhưng cụ Chòm được nhiều người khen là “đẹp lão” với nước da trắng. Thời trẻ cụ từng được coi là “mỹ nhân” số một ở ba bản liền kề: Quất, Náy, Bồ Xồ. Ngồi bên bậu cửa, giã miếng trầu mới, cụ Chòm kể: “Gia đình tôi đến đây khi tôi 20 tuổi, mọi thứ còn rất đỗi hoang sơ, mới chỉ có vài nóc nhà lẩn khuất giữa chốn đại ngàn, đêm nằm nghe được cả tiếng thú dữ gầm rú lúc gần, lúc xa. Nhưng những cô gái Thổ thời đó hầu hết ai cũng biết thêu thùa, dệt vải”.

Những cây thuốc lấy từ rừng về được người dân băm nhỏ, phơi khô.

Ngày xưa đau ốm, vì xa trung tâm nên bà con thường tự chữa bệnh từ cây rừng. Trong y học dân gian của đồng bào dân tộc Thổ có những bài thuốc gia truyền, chữa bệnh cho người dân từ hàng trăm loại cỏ cây, lá rừng..., là nét văn hóa độc đáo được truyền từ đời này sang đời khác.

Trước đây, người thổ còn có tục làm “ma góp” (tổ chức đám ma gộp) và tục ở rể, về sau cảm thấy không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại nên tục lệ này đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, người Thổ vẫn rất coi trọng việc cưới hỏi, khi người con gái đi lấy chồng sẽ được bố mẹ đẻ cho chăn, chiếu, gối, áo tự làm, khăn tự thêu, thậm chí là cả trâu, bò, lợn, gà..., cho bao nhiêu phải mang đi hết bấy nhiêu không được để lại. Ngoài ra, tục hát Ví, hát Đăng (hát đối), múa xòe, dựng cây nêu vẫn được đồng bào Thổ duy trì và trình diễn vào dịp Tết đến, Xuân về.

Bắt nhịp với cuộc sống mới

“Hạ sơn” đó là một quyết định đúng đắn đối với bà con người Thổ. Những người cao tuổi ở đây kể lại: Bản người Thổ trước đây nghèo lắm, chúng tôi toàn vào rừng hái rau rừng, hoa chuối về để ăn. Trong “chế độ dinh dưỡng” của những người đã trải qua gần một thế kỷ sống tại thung lũng này chủ yếu là đồ luộc, là khoai, sắn, ngô nhiều hơn gạo. Đường đi chỉ là những lối mòn ven sườn núi và khe suối, các loài thú dữ thường xuyên về quấy phá bản làng, bắp ngô trên rẫy, cây lúa ngoài ruộng luôn bị lợn rừng và chuột về phá hại, người dân phải thay nhau canh giữ suốt ngày đêm.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để hòa nhập với người dân bản địa, giờ đây, cuộc sống của người Thổ đã khác xưa. Sự thay đổi thể hiện không chỉ trong đời sống văn hóa mà trong cả nhận thức tư duy. Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, từ chỉ biết cấy lúa một vụ, xuống suối bắt cá sống qua ngày, qua 60 năm định cư đã thành thạo trồng lúa nước, trồng các cây lâm nghiệp như: Trẩu, bồ đề; chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhiều hộ còn khá lên nhờ đi lao động ở các tỉnh lân cận. Điện và nước sạch đã vào tận bản, người dân không còn phải chạy lên đỉnh đồi để “hứng sóng” điện thoại. 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường.

Tôi thắc mắc, khi thấy ở nhà chủ yếu là phụ nữ, đang thoăn thoắt chặt những lát cây được gọi là thuốc rừng, ngừng tay bà Sa Thị Phương chia sẻ: “Thời gian này, đa số đàn ông có sức khỏe đều đi ra ngoài làm thuê hết rồi, đến lúc thu hoạch cây trên rừng thì họ lại về. Phải đi làm như thế mới có thêm thu nhập”.

Đường vào bản người Thổ vẫn còn những đoạn đất đá lởm chởm.

Tuy vậy, cuộc sống của đồng bào Thổ vẫn còn đó những khó khăn, vất vả. Anh Đinh Văn Tuấn – Trưởng khu Quất cho biết: “Mặc dù người dân cũng đã chịu khó làm kinh tế tuy nhiên chưa thực sự có sức bật nên đời sống vẫn còn khó khăn, hầu hết vẫn thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo”.

Rời bản người Thổ trong lất phất mưa rơi, từ bản người Thổ ra đến trục đường chính của khu phải mất thêm 1,5km đường đất đá lởm chởm, xóc nảy người, hiện lên trong tôi là hình ảnh những ngôi nhà sàn của người Thổ nằm nép mình bên sườn núi, bên dòng suối Quất chảy róc rách, bản làng người Thổ như một thung lũng nhỏ giữa bốn bề núi rừng, với mùi ngai ngái của cỏ cây, hương rừng khiến tôi thêm lưu luyến. Hy vọng rằng, với những chính sách hỗ trợ người dân cùng Nghị quyết của Đảng ủy xã sẽ bén rễ sâu, giúp đồng bào Thổ khởi sắc trong một ngày không xa.

Thu Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/nguoi-tho-ha-son/187434.htm