Người 'thổi hồn' cho các pho tượng trong chùa Khmer
Trong giới nghệ nhân về nghệ thuật điêu khắc Khmer ở Sóc Trăng hiện nay, anh Lý Phương được xem là một trong những người có tài 'thổi hồn' cho các pho tượng Đức Phật lớn nhỏ, chư thiên, điêu khắc hoa văn, hội họa thật sống động tại các công trình kiến trúc của chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong những ngày cận lễ Sene Đôn Ta cổ truyền của đồng bào Khmer, chúng tôi tìm đến ngôi chùa Prêk Pinh Tôn, thuộc xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) - nơi nghệ nhân Lý Phương đang miệt mài khắc họa pho tượng Đức Phật ngự thiền dưới sự che chở của rắn thần Naga trong Srắs Machalinda (Ao Machalinda).
Khi tiếp xúc với anh Phương, điều làm cho chúng tôi ngạc nhiên là sự tinh tế, khéo léo từ đôi bàn tay của anh. Với óc sáng tạo, thẩm mỹ, đôi mắt nhìn vào bức tượng của Đức Phật, còn đôi tay thì cứ lấy nhiên liệu đắp lên khuôn mặt để tạo pho tượng trong tư thế ngồi thiền thật sống động. Thấy tôi đang ngắm nhìn tác phẩm của mình, nghệ nhân Lý Phương cho biết: “Tác phẩm pho tượng này, tôi làm gần 1 tháng rồi, có chiều cao 1,5m, ngang 1,2m (không tính phần hoa sen và Naga). Làm nghề này phải có “máu nghề”, tính kiên trì, đam mê với nghệ thuật điêu khắc. Còn ai mà có tính nóng nảy dù có cố gắng “thổi hồn” cho tác phẩm cũng không thể đạt yêu cầu. Những bức tượng tôi đang đắp và khắc họa là làm theo ý tưởng của sư trụ trì. Đảm nhận công trình kiến trúc này, ngoài bản thân tôi là thợ chính còn có thêm những cộng sự có tay nghề thành thục”.
Theo nghệ nhân Lý Phương, sự yêu thích với nghệ thuật hoa văn, điêu khắc của anh được nuôi dưỡng, ấp ủ từ khi còn tu hành tại chùa Hộ Phòng Thmây, huyện Giá Rai (Bạc Liêu). Anh Phương nhớ lại: “Lúc đó, tôi đang tu hành trong chùa thấy nghệ nhân kỳ cựu từ Sóc Trăng được sư trụ trì chùa mời về đây vẽ những bức tranh về câu chuyện của Đức Phật. Thấy vậy, tôi xin nghệ nhân theo học và được thầy chấp nhận chỉ dẫn cách vẽ, bố cục, phối màu... Lúc đầu do chưa am hiểu kỹ thuật nên những tác phẩm đầu tay còn nhiều hạn chế. Thế nhưng, tôi không nản chí mà càng cố gắng tìm tòi, học hỏi từ thầy để đạt ý nguyện của mình”.
Với năng khiếu sẵn có, sau 8 năm tu hành, anh Lý Phương đã hoàn tục về quê Tân Hưng (Long Phú) và được người thầy tiếp tục dẫn đi làm tại một số chùa Khmer từ Sóc Trăng đến các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu… Sau một thời gian theo học, anh bắt đầu dấn thân vào cuộc mưu sinh bằng chính nghề mà mình đã chọn. Với đôi bàn tay khéo léo và niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng, chỉ vài năm hành nghề, anh Lý Phương đã trở thành một nghệ nhân điêu khắc, đắp pho tượng có danh tiếng trong cộng đồng người Khmer. Những tác phẩm nghệ thuật của anh thường đắp các pho tượng, như: Đức Phật, chư thiên, Naga, Krud (chim thần), hoa văn, cổng chào, ngôi tháp… được các vị sư sãi, achar đánh giá cao và mời đi làm khắp nơi. Đôi lúc làm không kịp, có cộng sự gần 20 người tiếp sức cùng làm một công trình.
Nghệ nhân Lý Phương tâm sự: “Đến nay, bản thân không nhớ nổi các tác phẩm của mình đã hoàn thiện được bao nhiêu. Từ vẽ, điêu khắc, đắp các pho tượng theo truyền thuyết Phật Thích Ca trên các công trình ngôi chánh điện, ngôi sala và một số công trình khác tại một số ngôi chùa Khmer. Đó là niềm vui và vinh dự đối với tôi. Trước khi đến đảm nhận công trình Ao Machalinda cho chùa Prêk Pinh Tôn, tôi và cộng sự cũng vừa làm hoàn thiện một số công trình tại các chùa, như: Bâng Kro Chắp Thmây, xã Tân Hưng; Sang Ke, xã Trường Khánh của huyện Long Phú; chùa Pua Pús Tứk, xã Phú Mỹ (Mỹ Tú)… Với tôi, việc làm đẹp cho những ngôi chùa Khmer là niềm tự hào và trách nhiệm. Không chỉ giúp ổn định cuộc sống mà công việc này còn góp phần gìn giữ, tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; do vậy tôi sẽ cố gắng truyền dạy kỹ thuật cho những ai có cùng đam mê với mình. Tương lai tôi sẽ mở cơ sở chuyên sản xuất các pho tượng và hoa văn Khmer”.
Đang trét ximăng trên từng khuôn hoa văn xung quanh Ao Machalinda, chị Lý Thị Hoàng Anh (vợ anh Lý Phương) phấn khởi cho biết: “Lúc mới kết duyên cùng với anh Phương, tôi cũng không biết gì về nghệ thuật điêu khắc. Nhưng với sự đam mê và được ông xã nhiệt tình hướng dẫn từ cách trộn ximăng, vẽ, sơn màu đến cách khắc họa tiết, hoa văn… Giờ khi thực hiện được, tôi cảm thấy rất mừng và hạnh phúc lắm”.
Nhận xét tài năng của gia đình nghệ nhân Lý Phương, đại đức Lâm Nhãn - Trụ trì chùa Prêk Pinh Tôn cho biết: “Qua bàn tay khéo léo của vợ chồng anh Phương, những tác phẩm đang điêu khắc tại công trình kiến trúc Ao Machalinda của chùa, dù chưa phối màu nhưng nhìn vào tài nghệ của anh điêu khắc và đắp pho tượng Đức Phật, các con rồng cũng như hoa văn rất tinh xảo, sư cảm thấy rất hài lòng”.