Người thổi hồn nghệ thuật cho trái cây

'Công việc tạo hình, chạm khắc trái cây đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo và đặt trọn tâm huyết vào từng tác phẩm. Có những hôm tôi mất ngủ chỉ để nghĩ hướng khai thác mới. Mỗi lần thực hiện được tác phẩm ưng ý, mang lại giá trị nghệ thuật cao, tôi lại cảm thấy vui sướng' là những lời tâm sự của chị Trần Thị Bắc (SN 1987, ngụ ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An).

Chị Trần Thị Bắc (ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) gọt cốt xốp để chuẩn bị thực hiện cổng cưới long phụng

Chị Trần Thị Bắc (ấp Vinh, xã Mỹ Thạnh Tây, huyện Đức Huệ) gọt cốt xốp để chuẩn bị thực hiện cổng cưới long phụng

Hàng ngày, từ tờ mờ sớm, hình ảnh chị Bắc tỉ mẩn gọt xốp, thiết kế bản vẽ cổng cưới và tạo hình, chạm khắc trái cây đã trở nên quen thuộc với người dân ấp Vinh. Nhắc đến cơ duyên theo đuổi công việc này, chị Bắc cho biết: “Tôi đam mê bộ môn này từ bé. Mỗi lần trong xóm có đám cưới, tôi lại trầm trồ khi thấy những cổng cưới long phụng, mâm cúng gia tiên tươm tất,... Nhưng mãi đến năm 2019, tôi mới quyết định từ bỏ công việc thợ may để theo đuổi ước mơ”.

Thời gian đầu, chị gặp không ít thử thách khi phải tự mày mò, học tập theo các video trên YouTube, đặc biệt là những tác phẩm đòi hỏi tính chính xác, tỉ mỉ cao. Đến khi thạo nghề, chị lại gặp khó khăn trong khâu tìm kiếm các loại hoa quả trái mùa. Chia sẻ về nghệ thuật tạo hình bằng trái cây, chị Bắc chia làm 4 công đoạn chính: Thiết kế bản vẽ; gọt cốt xốp, dựng khung sườn (thường được làm từ sắt), cố định xốp lên khung; tạo hình và xếp trái cây vào. Bên cạnh sử dụng những loại trái cây phổ biến như cau, dưa leo, chanh, ớt, chị còn tận dụng nhiều trái lạ như cóc kèn, si rô,...

Để mở rộng quy mô kinh doanh, chị đăng tải nhiều video làm cổng cưới, mâm cúng gia tiên trên các nền tảng mạng xã hội, trong đó kênh TikTok bactran1987 của chị thu hút 53.000 lượt theo dõi. Nhờ vậy, lượng khách ngoài tỉnh ngày càng đông, chủ yếu là các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Đồng Tháp,... Hiện tại, mức thu nhập của chị từ công việc này dao động từ 20-30 triệu đồng/tháng. Đồng thời, chị còn tạo việc làm cho người dân trong ấp Vinh, hỗ trợ dạy nghề miễn phí, giúp những hoàn cảnh khó khăn tại vùng biên giới có kế sinh nhai. Mỗi lần có đơn đặt hàng, chị Bắc đều gọi mọi người sang phụ giúp và trả công xứng đáng, dao động từ 300.000-500.000 đồng/ngày.

Bén duyên với nghề chỉ khoảng 5 năm nhưng chị gặt hái nhiều thành công. Năm 2022, chị Bắc là 1 trong 2 người tạo hình trái cây thực hiện cổng song long tại Ấn Độ nhân dịp Đại lễ Trùng tụng Tam tạng Thánh điển Tipitaka. Trong Hội thi nghệ thuật tạo hình bằng trái cây Nam Bộ 2024, chị mang đến tác phẩm Hồ Chí Minh sáng mãi tên người (chiều ngang 5m, chiều cao 4,5m). Chia sẻ về ý tưởng thực hiện, chị Bắc nói: “Để chuẩn bị cho hội thi, tôi lên ý tưởng rất lâu và mất gần 2 tháng để hoàn thành tác phẩm. Có những hôm, tôi ngủ muộn và dậy sớm để hoàn tất các khâu lắp ráp khung sườn, tạo hình trái cây,...”.

Tác phẩm Hồ Chí Minh sáng mãi tên người đoạt Huy chương Bạc bảng A tại Hội thi nghệ thuật tạo hình bằng trái cây Nam Bộ 2024

Tác phẩm Hồ Chí Minh sáng mãi tên người đoạt Huy chương Bạc bảng A tại Hội thi nghệ thuật tạo hình bằng trái cây Nam Bộ 2024

Đặc trưng nổi bật của tác phẩm nằm ở tượng Bác Hồ, được chị tạo hình từ xốp giòn và phủ nhiều lớp keo sữa nhằm tạo độ chắc chắn. Với chi tiết áo, chị phủ nhiều tầng gạo nếp, chi tiết da làm từ mè trắng,... Ngoài ra, đầu rồng cũng do chị tự tay lên bản vẽ và thực hiện. Về phần tạo hình trái cây và đính vào đầu rồng, khung sườn xung quanh tượng Bác, chị tận dụng nhiều loại hoa quả có màu sắc bắt mắt, thu hút người xem. Nhờ những nỗ lực không ngừng, kết quả chung cuộc, chị Bắc xuất sắc đoạt Huy chương Bạc bảng A với giá trị giải thưởng 30 triệu đồng. Tâm sự về dự định sắp tới, chị Bắc cho biết: “Tôi tiếp tục nỗ lực, trui rèn chuyên môn để tạo ra nhiều tác phẩm ấn tượng hơn nữa. Đồng thời, tôi cũng cố gắng tạo điều kiện hỗ trợ việc làm cho nhiều người trên địa bàn ấp, xã”.

Nghệ thuật tạo hình, chạm khắc trái cây không chỉ đơn thuần là trang trí mâm cỗ ngày tết hay các sự kiện quan trọng mà còn là loại hình độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Dưới bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của chị Bắc, những loại trái cây bình dị trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động, mang giá trị thẩm mỹ cao./.

Ngọc Hân

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-thoi-hon-nghe-thuat-cho-trai-cay-a178362.html