Người thương binh 'Tàn nhưng không phế'

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ 'Thương binh tàn nhưng không phế', trở về quê nhà sau chiến tranh, ông Nguyễn Trọng An, thương binh 4/4 ở thôn Cao 2, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn đã vượt lên nỗi đau thương tật, tích cực phát triển kinh tế xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Ông Nguyễn Trọng An chăm sóc đồi quế.

Ông Nguyễn Trọng An chăm sóc đồi quế.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, rộng rãi, ông An hào hứng kể về một thời khói lửa hào hùng. Năm 1978, lúc đó 21 tuổi, ông xung phong lên đường nhập ngũ, được biên chế vào đơn vị C1, Tiểu đoàn 2 Bát Xát, tỉnh Hoàng Liên Sơn. 4 năm tham gia quân ngũ, đến năm 1982, ông bị thương phải lùi về hậu phương điều trị và được xuất ngũ. Trở về quê hương, mang theo trong người những vết thương chiến tranh, năm 1983, ông lập gia đình, tài sản là căn nhà tạm rộng 40 m2 và ít đất đồi cha mẹ cho làm vốn. Sinh ra và lớn lên ở thôn Cao 2, xã Chấn Thịnh, trong gia đình đông anh em và khó khăn nên khi trở về địa phương ông An luôn tâm niệm một điều phải vươn lên để tạo dựng cuộc sống.

Ông An cho biết: "Thời điểm những năm 1983 vô cùng khó khăn, quyết tâm phải vươn lên thoát nghèo vì gia đình và vì đồng đội nên tôi cứ cố gắng làm, hôm nào trái gió trở trời đau ốm thì nghỉ, khỏe lên tôi lại bắt tay khai khẩn ruộng nương để trồng cấy”.

Đến năm 1990, khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng, ông mạnh dạn nhận gần 4 ha đồi rừng để tập trung phát triển kinh tế. Những diện tích đồi gò thấp, ông trồng ngô, sắn lấy lương thực, khu vực trũng thấp ông cải tạo dẫn nước để cấy lúa. Để có đồng vốn phát triển kinh tế, ông nấu rượu, nuôi thêm gà, ba ba, lươn, ốc nhồi. Thêm thắt mỗi thứ một chút, có đồng vốn ông mua đôi lợn nái về nuôi, lúc đầu để bán giống, sau đó ông tập trung nuôi lợn thịt, bình quân mỗi lứa 30 con. Có thêm đồng vốn, ông tập trung trồng rừng và trồng hơn 4.000 m2 chè.

Ông An cho biết thêm: "Tôi cứ làm dần, chỗ nào không làm được thì thuê thêm người làm. Cứ như vậy, đồi cây này đến kỳ khai thác, tôi lại tập trung trồng đồi cây khác. Tận dụng nguồn phân chuồng để trồng cấy, nhờ đó mà đất đai không bị bạc màu”.

Nói thì đơn giản, song thực tế phát triển kinh tế gia đình là cả một vấn đề. Có thời điểm chăn nuôi dịch bệnh, đàn lợn, đàn gà hầu như mất trắng, vốn liếng không có để tiếp tục đầu tư nên ông An phải dừng chăn nuôi cả năm trời để vệ sinh, khử khuẩn khu vực chuồng trại. Mỗi lần thất bại, ông lại đúc rút cho mình kinh nghiệm để phát triển chăn nuôi hiệu quả hơn.

Nhờ vậy mà đàn vật nuôi của gia đình ông đã phát triển tốt, mỗi năm ông xuất bán 2 lứa gà, 2 lứa lợn thịt, trừ chi phí cho thu lãi hơn 100 triệu đồng; vừa bán giống vừa bán ba ba thương phẩm mỗi năm ông thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Mấy năm trở lại đây, nhận thấy cây quế có giá trị kinh tế cao, sau khi khai thác trắng toàn bộ diện tích 4 ha đồi cây lâm nghiệp, ông đã mua quế giống về trồng.

Hiện tại, một số diện tích quế trên 5 năm đã có thể tỉa thưa để bán, những diện tích còn lại cũng hơn 3 năm tuổi. Với mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp trồng rừng, mỗi năm cho gia đình ông có nguồn thu từ 200 - 300 triệu đồng. Không chỉ gương mẫu là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình, giúp đồng đội, năm 2016, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã hiến hơn 2.000 m2 đất ở, vườn đồi để mở rộng lòng lề đường giao thông nông thôn; bản thân ông An luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào chung của thôn, của xã.

Ở tuổi gần 70, sự cần cù, năng động, sáng tạo và ý chí vươn lên thoát đói nghèo đã đưa ông Nguyễn Trọng An trở thành tấm gương sáng về nghị lực của một người thương binh "tàn nhưng không phế”.

Lê Thanh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/210/326192/nguoi-thuong-binh-tan-nhung-khong-phe.aspx