Người tiên phong đưa giống dê lai về nuôi ở Bộc Bố
Chọn cho mình hướng đi mới trong phát triển kinh tế, ông Phạm Văn Hưng ở thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố (Pác Nặm) đã thành công với mô hình nuôi dê lai Boer vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khu chuồng trại của gia đình ông Phạm Văn Hưng đặt tại khu vực Kha Mu, tách biệt với khu dân cư, gần đường đi lại nên rất thuận tiện. Qua tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhận thấy giống dê Boer lai rất được thị trường ưa chuộng, ít tốn vốn đầu tư, quay vòng nhanh, giá bán khá cao so với các loại vật nuôi khác nên ông Hưng đã cất công đến các mô hình để tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Tháng 8/2021, ông Hưng quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua 60 con dê đực giống về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật đàn dê phát triển thuận lợi, sau 3 tháng mỗi con nặng khoảng 45 - 55kg, bán được giá bình quân 140.000 đồng/kg đem lại thu nhập khá. Với lứa dê đầu tiên, sau khi trừ chi phí gia đình ông Hưng thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Ông Hưng chia sẻ: Giống dê lai Boer có sức đề kháng cao, ít bệnh và tầm vóc cao hơn rất nhiều với giống dê cỏ địa phương. Lựa chọn giống dê đực để vỗ béo nên chọn những con có ngoại hình khỏe mạnh, vạm vỡ, bốn chân vững chắc, nhanh nhẹn, có bộ lông bóng mượt. Đặc biệt, nuôi dê Boer lai chi phí đầu tư không nhiều, lớn rất nhanh, cho sản lượng thịt lớn, năng suất cao nên người nuôi nhanh thu hồi được vốn.
Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả, ông Hưng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng chuồng trại và phòng, chống dịch bệnh cho chúng. Hiện trang trại ông đang nuôi lứa thứ ba với quy mô 80 con dê thương phẩm giống dê Boer lai lấy thịt. Với số lượng dê như vậy, ông tách ra làm 04 chuồng, mỗi chuồng rộng khoảng 40m2, làm bằng gỗ tạp, lợp mái tôn đảm bảo thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Sàn chuồng cách mặt đất từ 1 - 2m, cùng với đó là thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêu độc khử trùng, phòng tránh bệnh cho dê.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê trên địa bàn huyện Pác Nặm và của tỉnh khá thuận lợi khi có nhiều thương lái đến tận hộ chăn nuôi để tìm mua. Đối với giống dê Boer lai, chỉ nuôi vỗ béo khoảng 2 - 3 tháng đã được xuất chuồng. Do đó, ông Hưng đầu tư trồng hơn 2.500m2 cỏ voi, cung cấp thêm thức ăn như thân cây chuối, cám, ngô, mỗi ngày cho dê ăn 3 lần.
Nhờ chịu khó tìm tòi, đến nay ông Phạm Văn Hưng đã nắm được nhiều bí quyết nuôi dê và trở thành người tiên phong phát triển mô hình nuôi dê lai Boer vỗ béo ở địa phương. Thời gian tới, ông dự kiến mở rộng quy mô chuồng trại để chăn nuôi dê thương phẩm và cung cấp giống dê Boer lai cho thị trường. Sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho người dân quanh vùng muốn khởi nghiệp từ mô hình nuôi dê, hướng đến thành lập tổ hợp tác.
Đây là mô hình chăn nuôi tiêu biểu, có triển vọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, cần được quan tâm đầu tư nhân rộng, giúp nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương./.