Người tiên phong trồng quýt ngọt ở Na Rì

Ông Ngọc Văn Thòn, thôn Pò Cậu, xã Văn Vũ là người tiên phong trồng cây quýt ngọt ở Na Rì. Loại quả vỏ mỏng, vị ngọt thơm, tiêu thụ thuận lợi đã giúp gia đình ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Vườn quýt ngọt của gia đình ông Ngọc Văn Thòn.

Vườn quýt ngọt của gia đình ông Ngọc Văn Thòn.

Vượt quãng đường 5km từ trung tâm thôn Pò Cậu vào khu sản xuất của người dân, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng bởi tận sâu trong vùng này lại có những đồi cây ăn quả xanh mướt trải dài thật đẹp mắt. Đa số vườn cam, quýt ở đây đã thu hoạch xong, chỉ còn duy nhất vườn quýt sai trĩu quả của gia đình ông Ngọc Văn Thòn đang chín rộ, khiến chúng tôi phải tìm hiểu về loại quýt này.

Theo chia sẻ của ông Thòn, ông sang Trung Quốc mua giống quýt này về trồng từ năm 2011, gọi là quýt ngọt. Thời điểm đó, đa số bà con trong huyện đều chọn cây quýt truyền thống để phát triển kinh tế vườn. Ông nhận thấy trồng ồ ạt một loại cây sẽ dẫn đến số lượng nhiều, giá thấp, khó tiêu thụ, nếu trồng giống quýt khác sẽ tạo thương hiệu riêng, lợi nhuận cao hơn. Do đó, ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng quýt ngọt, trong khi địa phương chưa có nhà vườn nào trồng loại quýt này. Đến nay, sau 8 năm cho thu hoạch, vườn quýt ngọt đã "trả công" cho ông một cách xứng đáng.

Ông Thòn cho biết: “Cây quýt ngọt bắt đầu bói quả sau 3 năm trồng, từ năm thứ 4 trở đi cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Loại quýt này có vị ngọt thơm, múi mềm, vỏ mỏng, chín muộn hơn quýt truyền thống, được thị trường ưa chuộng nên tiêu thụ rất thuận lợi. Thời vụ thu hoạch quả từ giữa tháng 11 Dương lịch đến cuối tháng 2 năm sau, bình quân giá bán 35.000 đồng/kg, nhất là dịp Tết Nguyên đán hoặc ngày rằm giá sẽ tăng gấp rưỡi. Năm nay sản lượng quýt cao hơn nhiều so với năm trước, nếu giá cả ổn định như hiện nay gia đình tôi sẽ thu về khoảng 150 triệu đồng”.

Từ 300 cây quýt ban đầu, hiện nay vườn quýt của gia đình ông Thòn đã phát triển lên hơn 600 cây. Ngoài chăm sóc diện tích đang có, từ năm 2020 ông Thòn còn chiết, ghép cây để sản xuất giống cung cấp cho một số hộ dân tại xã Sơn Thành, Kim Lư.

Theo ông Thòn, quýt ngọt rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương. Cây không bị vàng lá, hay rụng quả nhiều như quýt bản địa. Trong quá trình trồng cần chú ý sâu đục thân, sâu cuốn lá để có biện pháp phòng trừ, theo dõi từng giai đoạn phát triển của cây để tưới nước, bón phân hợp lý, tốt nhất là sử dụng phân hữu cơ để cây phát triển tốt, chất lượng quả thơm ngon.

Tại huyện Na Rì, hiện nay người dân chủ yếu trồng quýt bản địa, cam Đường Canh. Quýt ngọt cho thu hoạch ngay sau khi hết vụ hai loại quả này, giá bán cao hơn, tuy nhiên chưa được nhiều người dân biết đến. Nếu có thể nhân rộng mô hình trồng cây quýt ngọt này tại những nơi phù hợp, tin tưởng rằng huyện Na Rì sẽ có thể xây dựng thương hiệu loại quýt ngon tiếp nối vụ quýt truyền thống, giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo./.

Đồng Lai

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202201/nguoi-tien-phong-trong-quyt-ngot-o-na-ri-e9a204f/