Người tiêu dùng châu Âu hưởng lợi từ thuế quan của Mỹ?

Thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế quan đối ứng trên diện rộng, với mức cao hơn nhiều so với dự đoán, đã gây ra làn sóng phản đối toàn cầu.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối mặt với mức thuế 20% đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng động thái của Washington có thể không gây khó khăn kinh tế cho người tiêu dùng châu Âu.

Trên thực tế, động thái áp thuế của Mỹ có thể khiến hàng hóa nội khối rẻ hơn, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trọng tâm của vấn đề áp thuế nằm ở thặng dư thương mại lâu nay của châu Âu với Mỹ. Theo Ủy ban châu Âu, EU đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 503,8 tỷ euro sang Mỹ và nhập khẩu 347,2 tỷ euro trong năm 2023, tạo ra thặng dư thương mại 156,6 tỷ euro.

Tình hình thay đổi khi nói đến dịch vụ, với việc châu Âu nhập khẩu 427,3 tỷ euro và xuất khẩu 318,7 tỷ euro. Phần lớn nhập khẩu dịch vụ gắn liền với các tập đoàn công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, EU vẫn duy trì thặng dư thương mại tổng thể với Mỹ.

Nếu Mỹ áp thuế 20% lên hàng hóa của EU, tác động sẽ rơi chủ yếu vào các nhà xuất khẩu châu Âu. Theo đó, sản phẩm châu Âu sẽ đắt hơn 20% tại một trong những thị trường quan trọng nhất và có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh đáng kể.

Ô tô châu Âu có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Với thuế đối với ô tô đã ở mức 25%, mức thuế bổ sung 20% có thể khiến các sản phẩm này mất khả năng cạnh tranh, và thể bị loại khỏi các showroom của Mỹ.

Mỹ chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU, nghĩa là việc thay thế nhu cầu đó ngay lập tức là gần như không thể.

Khi nhu cầu của Mỹ giảm, hàng tồn kho có thể chất đống ở châu Âu và các nơi khác. Điều đó có nghĩa là có nhiều hàng hóa hơn cho thị trường nội địa, từ đó có thể dẫn đến việc giảm giá cho người tiêu dùng châu Âu.

Trong ngắn hạn, tình trạng trên có thể khiến các công ty bán tháo hàng tồn kho dư thừa ở thị trường nội địa, thúc đẩy cạnh tranh về giá.

Đồng thời, thị trường châu Âu có nguy cơ bị tràn ngập hàng hóa chuyển hướng từ các quốc gia xuất khẩu lớn khác, như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, những nước cũng đang phải đối mặt với rào cản thương mại tại Mỹ. Làn sóng cung ứng toàn cầu bổ sung này có thể làm tăng thêm nguồn cung và tăng sức ép giảm giá trên khắp châu lục.

Nói cách khác, cú sốc thương mại làm suy yếu nhu cầu bên ngoài có thể chuyển thành sức ép giảm phát tạm thời tại châu Âu.

Thặng dư thương mại của châu Âu với Mỹ tập trung nhiều vào một số lĩnh vực chính. Dược phẩm dẫn đầu với thặng dư 57 tỷ euro, tiếp theo là xe cộ với 44 tỷ euro.

Ngành đồ uống đóng góp thêm 8 tỷ euro, trong khi tàu thuyền đóng góp 5,4 tỷ euro. Hàng hóa xa xỉ, bao gồm đồ da, may mặc và giày dép, mang lại tổng thặng dư 9 tỷ euro. Nếu nhu cầu từ thị trường Mỹ suy yếu, các lĩnh vực này có nguy cơ tích tụ hàng tồn kho chưa bán được.

Trong ngắn hạn, người tiêu dùng châu Âu có thể được hưởng lợi từ giá dược phẩm, xe cộ, quần áo và thậm chí cả thực phẩm và đồ uống rẻ hơn.

Một trong những yếu tố kích hoạt lạm phát chính đối với châu Âu trong những năm gần đây là chi phí năng lượng, do khối này vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng.

Năm 2024, châu Âu đã nhập khẩu 700 tỷ euro các sản phẩm năng lượng, bao gồm dầu thô, khí đốt tự nhiên và nhiên liệu tinh chế, dẫn đến thâm hụt thương mại 346 tỷ euro trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, phản ứng ban đầu của thị trường đối với thuế quan của ông Trump cho thấy lo ngại lạm phát liên quan đến năng lượng đang giảm bớt, chứ không phải tăng tốc.

Trong phiên giao dịch 3/4, giá dầu giảm mạnh, ghi nhận mức sụt giảm tính theo phần trăm lớn nhất kể từ năm 2022, trong bối cảnh dự đoán nhu cầu toàn cầu chậm lại do hoạt động thương mại giảm.

Trà My (Theo Euronews)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguoi-tieu-dung-chau-au-huong-loi-tu-thue-quan-cua-my/368826.html