Người tiêu dùng hoang mang trước sữa bột giả: Làm sao phân biệt thật – giả?

Nên ưu tiên mua những nhãn hiệu sữa đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan chức năng và cần cẩn trọng với các sản phẩm sữa bột giả bằng hàng xách tay, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...

Sau vụ phát hiện gần 600 loại sữa bột giả tại Hà Nội và các tỉnh lân cận làm cho nhiều người hoang mang, làm sao chúng tôi, những người tiêu bình thường – có thể phân biệt được sữa thật và sữa giả? Có cách nào dễ nhận biết bằng mắt thường hay cách kiểm tra tại nhà không ạ? (Phương Anh, Đồng Nai)

Trả lời

Sữa bột giả có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tùy theo thành phần và mức độ sử dụng. Đối với người khỏe mạnh, sữa giả có thể gây rối loạn tiêu hóa, dị ứng, hoặc thiếu hụt dinh dưỡng nếu dùng kéo dài.

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, người cao tuổi, người bệnh hoặc phụ nữ mang thai – là những đối tượng dễ tổn thương – hậu quả có thể nghiêm trọng hơn: Suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất, thậm chí là ngộ độc nếu sản phẩm chứa vi sinh vật hoặc hóa chất độc hại có thể nhập viện cấp cứu.

Làm sao phân biệt sữa thật – sữa giả?

Rất khó để xác định sữa thật, sữa giả bằng mắt thường nhưng khi mua sữa, người tiêu dùng nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như: tên sản phẩm; tên công ty và địa chỉ, số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất; đơn vị nhập khẩu và phân phối; hạn sử dụng; bảng thành phần dinh dưỡng của sản phẩm;... Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

• Người dân nên mua sữa từ hệ thống phân phối chính hãng, siêu thị lớn hoặc nhà thuốc uy tín.

• Kiểm tra kỹ bao bì: nhãn mác rõ ràng, hạn sử dụng còn nguyên, có tem chống hàng giả.

• Với trẻ nhỏ và người bệnh, nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại sữa phù hợp.

• Không nên mua sữa xách tay trôi nổi, không có kiểm định an toàn thực phẩm.

• Nếu có nghi ngờ, cần ngưng sử dụng ngay và thông báo với cơ quan chức năng hoặc cơ sở y tế gần nhất.

Không mua, sử dụng các sản phẩm sữa nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét; có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp sữa bị móp méo, nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng…

Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin xem công ty sản xuất loại sữa đó đã có kinh nghiệm lâu năm chưa. Các thương hiệu sữa bột đó có phổ biến hay không.

Nên ưu tiên mua những nhãn hiệu sữa đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan chức năng và cần cẩn trọng với các sản phẩm sữa xách tay, hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng...

Nếu sử dụng phải sữa bột giả, cần làm gì?

Khi sử dụng sữa bột giả hoặc kém chất lượng, người tiêu dùng – đặc biệt là trẻ nhỏ – có thể xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo sớm. Những biểu hiện thường gặp nhất là rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, đầy hơi. Trẻ có thể quấy khóc, bỏ bú, ngủ không yên giấc. Ngoài ra, dị ứng cũng là phản ứng khá phổ biến, với biểu hiện nổi mẩn, ngứa, phát ban, khò khè sau khi uống sữa.

Nếu sữa bị nhiễm khuẩn, người dùng có thể sốt nhẹ, mệt mỏi, hoặc có biểu hiện ngộ độc cấp tính như tiêu chảy dữ dội, mất nước. Ở người lớn tuổi hoặc người bệnh nền, các dấu hiệu có thể nhẹ hơn nhưng kéo dài, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Điều quan trọng là nếu thấy cơ thể có phản ứng bất thường sau khi dùng sữa, đặc biệt là với trẻ em, phụ huynh nên ngưng sử dụng ngay và đưa đến cơ sở y tế để được đánh giá và xử lý kịp thời. Đồng thời, giữ lại sản phẩm nghi ngờ để báo cáo với cơ quan chức năng, góp phần ngăn chặn sữa giả lan rộng trong cộng đồng.

Bác sĩ LÊ ĐÌNH QUỐC

DI LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-tieu-dung-hoang-mang-truoc-sua-bot-gia-lam-sao-phan-biet-that-gia-post844547.html