Người tiêu dùng mạnh tay chi cho các sản phẩm bền vững

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại của cả nước trong tháng 9 sôi động hơn so với tháng 8, do có kỳ nghỉ Lễ 2/9 và học sinh bước vào năm học mới. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 524,6 nghìn tỷ đồng và tăng 2,4% so với tháng trước, đồng thời tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính chung 9 tháng, người Việt đã “móc hầu bao” gần đạt 4,6 triệu tỷ đồng cho chi tiêu và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 47,7%.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đạt gần 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó đáng chú ý là nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục có mức tăng cao nhất 12,8% và hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,4%, may mặc tăng 7,8%. Về địa phương, người dân tại Thành phố Hải Phòng mạnh tay chi tiêu nhất và tăng 11,9%. Kế đến là Quảng Ninh tăng 10,9%, Đồng Nai tăng 9,9%, Bình Dương tăng 9,0%. Trong khi đó, 2 đầu tàu kinh tế Hà Nội tăng 4,8% và TPHCM tăng 3,9%.

Đối với ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, tổng mức doanh thu ước đạt 500 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Ngành du lịch lữ hành có mức tăng trưởng vượt bậc, doanh thu ước đạt 26,5 nghìn tỷ đồng và tăng 47,7% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, sở dĩ có sự tăng trưởng này là do nhu cầu du lịch của người dân tăng cao sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thêm vào đó, các địa phương cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu du dịch từ đầu năm đến nay. Điển hình là Đà Nẵng có mức tăng ấn tượng 139,9%, sau là Quảng Ninh tăng 98,8%; TPHCM tăng 91,3% và Hà Nội tăng 67,4%.

Bên cạnh đó, doanh thu từ các loại hình dịch vụ khác đạt 469 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu khảo sát của PwC Việt Nam, 62% người tiêu dùng có xu hướng giảm tiêu thụ các mặt hàng không thiết yếu, thấp hơn so với trung bình toàn cầu (69%). Đồng thời, gia tăng kênh mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Trong đó, hình thức mua sắm trực tuyến vẫn là lựa chọn hàng đầu với 64% khách hàng dự định tăng tần suất mua sắm trên nền tảng này và mong đợi có trải nghiệm mua sắm đa kênh nhiều hơn. Tuy nhiên, việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn được ưu tiên nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và trải nghiệm.

Cùng với đó, xu hướng của các kênh bán lẻ cũng đang thay đổi cách vận hành để phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, ví dụ như chuyển đổi giữa mua sắm thực phẩm nhanh và mua sắm cho cả tuần, hay mua theo kế hoạch và ngẫu hứng. Ví dụ, khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn tại nơi làm việc, họ sẽ ưu tiên đặt hàng thực phẩm online giao tới công ty hoặc lấy hàng trên đường về nhà.

Đáng chú ý, dù người tiêu dùng đang lên kế hoạch giảm chi tiêu và nền kinh tế còn nhiều khó khăn, họ cho biết sẵn lòng trả thêm tiền cho các sản phẩm bền vững. 96% người tiêu dùng tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết họ sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm từ các công ty có uy tín và đạo đức kinh doanh, 95% sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm được đặt riêng theo yêu cầu và 95% trả lời có đối với sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Thanh Xuân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-tieu-dung-manh-tay-chi-cho-cac-san-pham-ben-vung-5739949.html