Người tình hoàn hảo cũng sẽ trở thành nỗi ám ảnh

Bỏ lỡ một người hoàn hảo trong quá khứ có thể trở thành ám ảnh trong tương lai, cản trở bạn bước vào mối quan hệ mới, bởi tâm lý so sánh hình thành, khiến bạn kỳ vọng nhiều hơn.

Ấn tượng tốt về mối tình đầu có thể khiến bạn khó mở lòng với các mối quan hệ mới trong tương lai. Ảnh: tVN.

Ấn tượng tốt về mối tình đầu có thể khiến bạn khó mở lòng với các mối quan hệ mới trong tương lai. Ảnh: tVN.

Gia đình tôi cực kỳ chú trọng vấn đề giáo dục, bố mẹ cho tôi mọi thứ cần thiết mà tôi có thể tưởng tượng, chỉ có điều rất khắt khe trong việc kết giao bạn bè của tôi, luôn nhắc tôi phải cẩn thận, không được yêu đương bừa bãi. Vì vậy, tôi chờ đến khi tốt nghiệp đại học mới bắt đầu hẹn hò với người bạn trai đầu tiên.

Chúng tôi quen biết nhau nhờ công việc, anh ấy tốt nghiệp trường top, có hiểu biết, thấu tình đạt lý, hòa nhã với mọi người. Hơn nữa anh ấy từng đi du học, từng đặt chân đến rất nhiều nơi, nên đối với một cô gái còn chưa ra khỏi “lũy tre làng”, thiếu chính kiến trong cuộc sống như tôi, quả thật anh rất thu hút.

Anh ấy thường giới thiệu văn hóa các địa phương cho tôi, thoải mái chia sẻ quan điểm riêng về nhiều thứ. Anh có thể giải quyết mọi việc một cách điêu luyện, luôn lý giải mọi hiện tượng với góc nhìn độc đáo, khiến tôi chẳng mấy chốc đã si mê. Anh ấy cũng nói rằng chưa từng gặp cô gái nào trong sáng như tôi, nguyện dành cả đời để yêu thương, bảo vệ sự trong sáng và đáng yêu của tôi.

Yêu đương được nửa năm thì tôi đưa anh ấy về ra mắt gia đình. Bố mẹ tôi rất hài lòng, cũng sẵn sàng đầu tư để anh ấy phát triển, nhưng hy vọng sau khi kết hôn chúng tôi có thể ở cùng ông bà. Tuy nhiên, anh ấy kiên quyết phản đối, muốn đến thành phố lớn hơn và tự gầy dựng sự nghiệp.

Khoảng thời gian đó tôi rất khó xử, một mặt không thể cãi lời bố mẹ, một mặt lại không thể thuyết phục anh ấy. Sau vài lần cãi nhau, chúng tôi quyết định chia tay và từ đấy không còn liên lạc nữa.

Sau này tôi đi xem mắt vài lần, cũng quen được vài người bạn khác giới mới, nhưng họ không thể đem lại cho tôi cảm xúc như mối tình đầu, vì thế cũng chẳng đi đến đâu.

Tôi biết không thể tái hợp với mối tình đầu, cũng không thể tìm một người hoàn toàn giống anh ấy. Khổ nỗi tôi không quên được, mỗi lần chuẩn bị bước đến giai đoạn yêu đương, tôi đều vô thức so sánh người mới với anh ấy, cứ so tới so lui rồi không thể tìm được người tốt hơn. Tôi nên làm thế nào đây?

Bạn nói đúng, tôi không nghiên cứu quá nhiều về tình cảm, có lẽ không thể cho bạn lời khuyên từ góc độ tình cảm. Tuy nhiên, cuộc sống luôn có sự kết nối với kinh tế học. Thật ra trong kinh tế học cũng có cách giải thích cho các hiện tượng tương tự trường hợp của bạn. Cứ thử học chút kiến thức kinh tế học nhé, biết đâu bạn lại gỡ được nút thắt trong tim.

[...]

Khi có mối tình đầu rất tuyệt, xác suất cô gái ấy kết hôn muộn tương đối cao. Bởi vì tất cả đánh giá của cô ấy đối với nam giới đều dựa trên bạn trai đầu tiên, mối tình đầu trở thành “mỏ neo” khi cô ấy tìm bạn trai sau này.

Nhiều cô gái so sánh người thứ hai, người thứ ba với người đầu tiên, rồi vướng vào vòng xoáy hối hận khi chưa gặp được ai tốt hơn người đầu tiên. Người đầu tiên đạt 90 điểm còn theo đuổi tôi ác liệt như vậy thì sao tôi phải đồng ý qua lại với người thứ hai 85 điểm hay người thứ ba 80 điểm?

Không ngừng suy nghĩ và lựa chọn, kết quả cuối cùng có lẽ phụ thuộc vào thời điểm cô ấy thoát được mỏ neo ban đầu và tìm ra một mỏ neo mới.

Ví dụ trên thuộc mỏ neo tham chiếu, mỏ neo phân biệt cũng tồn tại như vậy. Một cô gái từng bị tổn thương trong tình cảm rất có thể sẽ xếp tất cả nam giới cùng loại vào danh sách đen, bất kể nguyên nhân gây tổn thương có phải do đối phương hay không.

Chỉ những chàng trai khác biệt hoàn toàn hay thậm chí trái ngược với người yêu cũ (bị cô ấy coi là nguồn cơn của tổn thương) mới có thể lọt vào “mắt xanh” của cô ấy.

Có thể thấy mỗi người đều cần thông qua hiệu ứng mỏ neo để nhận biết cảm xúc, tìm ra đối tượng mình mong muốn và thấu hiểu bản thân.

Ngoài ra, Hiệu ứng Mỏ neo cũng sẽ gây ra rắc rối như bạn đã nói. “Mỏ neo” mối tình đầu khiến bạn kỳ vọng cao hơn vào người tiếp theo. Hay nói cách khác, bạn đánh giá nhận thức của mình ngang hàng với bạn trai đầu tiên, do đó cho rằng mình nên tìm người tương tự như bạn trai cũ.

Thực tế thì sao? Có thể bạn không cùng một kiểu người với bạn trai cũ đâu. Hai bạn khác nhau từ tầm nhìn, trải nghiệm cho đến sự nghiệp và mục tiêu theo đuổi. Bạn không thể lý giải mong muốn rời xa quê hương và khát vọng tự lập phấn đấu của anh ấy.

Đó là lý do bạn lựa chọn chia tay khi đối phương quyết định ra đi. Anh ấy muốn cả hai cùng nhau đương đầu với thử thách, khám phá thế giới; còn bạn muốn hai người cùng an phận ở quê, sống yên ổn trong vòng tay gia đình. Nhìn thì có vẻ hai bạn chia tay vì áp lực gia đình, nhưng thực chất là do sự khác biệt giữa đôi bên.

Nửa năm yêu đương chưa phản ánh được mâu thuẫn và khoảng cách giữa hai bạn, vì vậy bạn đánh giá rất cao mối quan hệ này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục bên nhau thêm hai năm nữa, sự cách biệt đó sẽ ngày càng rõ ràng, suy cho cùng vẻ bên ngoài không giúp hai bạn bên nhau mãi mãi, chỉ có tâm hồn đồng điệu mới làm được điều đó.

Mối tình đầu vốn nên là “mỏ neo phân biệt”, rốt cuộc lại bị bạn coi như “mỏ neo tham chiếu”. Nếu muốn tìm một tình yêu bền vững, bạn cần phá bỏ hiểu lầm về vật neo này, trở về với trái tim của chính mình, đi tìm cuộc sống bạn thật sự mong muốn rồi tìm một người nguyện ý cùng bạn trải qua cuộc sống đó.

Tạ Tôn Bác/ Skybooks & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-tinh-hoan-hao-cung-se-tro-thanh-noi-am-anh-post1543771.html