Người TP.HCM có truyền thống mê sách báo

Các thư viện luôn đông đúc và chật người đến tìm đọc, nghiên cứu. Các tiệm sách được nhiều thành phần, từ giới bình dân đến người có học thức cao, tìm đến xem và mua sách.

 Độc giả tìm mua sách tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần.

Độc giả tìm mua sách tại Đường sách TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần.

Các thư viện luôn đông đúc và chật người đến tìm đọc, nghiên cứu nhưng do quy định về giờ giấc, trật tự nên chỉ phù hợp với một số người. Do đó, các tiệm sách được nhiều thành phần, từ giới bình dân đến người có học thức cao, tìm đến xem và mua sách. Ở tiệm sách cũng luôn có những cô cậu học trò nhỏ lui tới để coi ké truyện tranh. Trong số những cô cậu học trò nhỏ thuở đó, luôn có mặt tôi và một số bè bạn.

Các tiệm sách nổi tiếng thời đó mà nhiều người Sài Gòn hay lui tới là Phúc Thành, Vân Hữu, Vĩnh Bảo, Nguyễn Trung... Riêng nhà sách Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương ở đường Lê Lợi thì hầu như người dân miền Nam và người dân Sài Gòn nào cũng biết. Những người mê đọc sách, tìm mua sách, đều ít nhất một lần ghé Khai Trí, bởi cách thức mua bán, trình bày, giới thiệu sách ở đây luôn khoa học, rõ ràng, thu hút.

Muốn tìm mua sách, báo cũ, giá rẻ, kể cả các loại sách cổ, quý hiếm, những “con mọt sách” lại có thể tìm đến đoạn đường Lê Lợi cắt ngang với đường Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa) và Pasteur, phía tường sau lưng Bộ Công chánh (ngày nay là Sở Giao thông Vận tải TPHCM). Ngoài ra, còn có những sạp sách trên lề đường Tôn Thất Đạm, Nguyễn Huệ hay Phạm Ngũ Lão, Ký Con...

Nhưng thuở đó, người ta đến với các tiệm sách, sạp, quầy sách chủ yếu là để tìm mua sách, đọc sách. Việc gặp gỡ, giao lưu với những tác giả mà mình yêu mến, tôn sùng, nhất là những tác giả ở ngay Sài Gòn, là điều khó thực hiện, kể cả chỉ để xin một chữ ký làm kỷ niệm.

Sau này những “chợ sách”, “đường sách” tự phát cũng bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi. Song có lẽ, “đường sách” Đặng Thị Nhu - khúc nối liền giữa 2 đường Ký Con và Calmette, bày bán đủ loại sách cũ, mới, kể cả sách nhập từ nước ngoài vào - là thu hút nhất với những người “chơi sách”, sưu tầm sách, kể cả người từ miền Trung, miền Bắc vào.

Nhà nghiên cứu văn hóa, học giả Vương Hồng Sển, nhà văn Sơn Nam và nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi khác cũng thường lui tới các quầy, sạp sách ở đây để tìm kiếm và mua các sách báo có giá trị cao về nghiên cứu, học thuật trong và ngoài nước.

(*) Trích từ bài viết Đường sách tôi yêu. Tiêu đề do Tri Thức - Znews đặt.

Trần Vĩnh/Báo Phụ nữ và NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguoi-tphcm-co-truyen-thong-me-sach-bao-post1544585.html