Người 'trả nợ' rừng

Những ngày giáp Tết, khi cơn gió mang hơi thở mùa xuân nhè nhẹ đến, cũng là thời điểm anh Lê Phúc Nhật, ở thôn Phương An 2, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tất bật chuẩn bị cho một vụ trồng rừng mới. Ít ai biết rằng, người cần mẫn gieo những cánh rừng này đã có một thời chặt phá rừng tự nhiên để chiếm đất canh tác và phải trả giá bằng bản án tù treo. Sau khi hết thời gian chấp hành án, anh đã tìm mọi cách để trả lại màu xanh cho những cánh rừng.

Rừng trồng từ giống cây keo lai mô do HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn cung cấp đang sinh trưởng, phát triển tốt - Ảnh: L.T

Rừng trồng từ giống cây keo lai mô do HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn cung cấp đang sinh trưởng, phát triển tốt - Ảnh: L.T

Món nợ với rừng...

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất đỏ ba dan xứ Cùa, anh Nhật phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh từ ruộng vườn và núi rừng. Sau khi lập gia đình, vì điều kiện quá khó khăn, bản thân không có việc làm nên anh cùng người thân canh tác chung trên diện tích hơn 1 ha rừng keo tràm. Tuy nhiên, chừng đó không đủ để có thể lo toan cuộc sống cho cả một gia đình. Trong lúc túng quẫn, năm 2015, anh Nhật đã phát quang, lấn thêm khoảng 0,8 ha rừng tự nhiên ngay cạnh diện tích đất mình đang canh tác để trồng cây keo tràm.

Việc làm của anh Nhật bị cơ quan chức năng phát hiện, đưa ra xét xử với khung hình phạt 15 tháng tù treo, 36 tháng thử thách và số tiền phạt 65 triệu đồng về hành vi hủy hoại rừng tự nhiên. “Lúc đó tôi suy sụp hoàn toàn, phần vì xấu hổ với bản thân, phần lo lắng cho cuộc sống trước mắt của gia đình. Nhưng trong thời gian chấp hành án, tôi nhận ra lỗi lầm của mình và suy nghĩ theo hướng tích cực hơn, đó là sau khi chấp hành xong bản án phải làm gì đó để phát triển kinh tế một cách đàng hoàng, không vi phạm quy định Nhà nước”, anh Nhật kể lại.

Anh Lê Phúc Nhật (đội mũ) hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây keo tràm trồng bằng phương pháp không đốt thực bì - Ảnh: L.T

Anh Lê Phúc Nhật (đội mũ) hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây keo tràm trồng bằng phương pháp không đốt thực bì - Ảnh: L.T

Sau khi chấp hành án xong, từ vốn kiến thức ít ỏi về cây giống lâm nghiệp, anh Nhật bàn bạc với vợ vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây dựng vườn ươm giống keo tràm. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình sống lên nhờ rừng và từng mắc sai lầm khi phá rừng thì giờ phải “trả nợ” cho rừng, cũng là mưu sinh từ rừng. Để làm được điều này, tôi lên mạng tìm tòi, tự học hỏi các kiến thức về ươm cây giống rồi đi thực tế ở các vườn ươm trong và ngoài tỉnh nhằm đúc rút kinh nghiệm”, anh Nhật bộc bạch.

Ban đầu, anh ươm thử nghiệm khoảng 500 ngàn bầu cây keo tràm lai bằng phương pháp giâm hom. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, cây lên xanh tốt và được bà con trong vùng chấp nhận mua trồng. Nhận thấy nhu cầu về loại cây giống này của bà con khá lớn nên anh Nhật mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Vào năm 2020, anh cùng các thành viên trên địa bàn xã thành lập HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn với 11 thành viên ban đầu, nay HTX đã có trên 25 hội viên chính thức cùng 125 hộ gia đình liên kết sản xuất.

Ươm những mầm xanh

Từ ngày đi vào hoạt động đến nay, HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn đã cung cấp hàng triệu cây giống với đủ các chủng loại cho bà con. Anh Nhật chia sẻ, sau khi thành lập, HTX tập trung xây dựng mục tiêu định hướng là cung cấp cây giống lâm nghiệp chất lượng cao, kèm các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn về lâm sinh. Vào năm 2022, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, anh cùng các thành viên HTX liên kết với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình vườn ươm cải tiến để sản xuất cây giống keo lai nuôi cấy mô đầu tiên trên địa bàn nhằm phục vụ các hộ thành viên tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

Người dân tin tưởng sử dụng nguồn cây giống keo lai mô do HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn ươm trồng - Ảnh: L.T

Người dân tin tưởng sử dụng nguồn cây giống keo lai mô do HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn ươm trồng - Ảnh: L.T

Với nhiệm vụ cung cấp vật liệu cây mẹ, mỗi năm HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn cung cấp trên 300 ngàn cây giống đầu vào cho các vườn ươm trong toàn tỉnh và hơn 1 triệu cây giống đáp ứng năng lực trồng mới 400 ha rừng trồng/năm.

Với việc tập trung củng cố, mở rộng quy mô vườn ươm giống ứng dụng công nghệ ươm nuôi mô, đến nay thông qua nhóm dịch vụ hỗ trợ từ cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc, tư vấn chuyển hóa từ gỗ rừng trồng nhỏ sang gỗ lớn có chứng nhận FSC và thu mua bao tiêu sản phẩm, HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn đang đảm nhận 127 ha rừng sản xuất của 22 hộ thành viên và 1.000 ha rừng liên kết với 500 chủ rừng trên địa bàn huyện Cam Lộ.

Theo anh Nhật, quy trình ươm cây giống theo phương pháp nuôi cấy mô đòi hỏi kỹ thuật rất phức tạp và thời gian dài hơn giống truyền thống. Tuy nhiên, nếu sử dụng giống này sẽ ít sâu bệnh và chất lượng gỗ phục vụ nguyên liệu chế biến tốt hơn gấp nhiều lần so với cây giống giâm hom, vì cây phát triển nhanh, có bộ rễ cọc chống chịu tốt, thuận lợi cho mô hình trồng rừng gỗ lớn. Có giống cây phù hợp, năm 2023, anh Nhật mạnh dạn tham vấn cho Hội đồng quản trị HTX mở rộng liên kết với các tổ chức, dự án phi chính phủ về quản lý và bảo vệ rừng bền vững để tiên phong thực hiện phương pháp trồng rừng không đốt thực bì bằng chính giống cây keo lai nuôi cấy mô tự sản xuất được.

Là thành viên HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn, gia đình ông Lê Hải Bình ở thôn Hoàn Cát, xã Cam Nghĩa, tham gia trồng 2 ha gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC từ tháng 8/2023 bằng phương pháp không đốt thực bì sử dụng giống cây keo lai mô. Với sự hỗ trợ hơn 4.000 cây giống của HTX, hiện rừng trồng của gia đình ông Bình sinh trưởng, phát triển tốt với chiều cao cây từ 60-80 cm. Theo ông Bình, việc trồng rừng không san gạt đất, không đốt thực bì sẽ có nhiều lợi ích hơn cách trồng rừng cũ có đốt phát. Bởi lẽ, trồng rừng có thu dọn thực bì sẽ làm phát sinh chi phí; ngược lại đối với rừng trồng không đốt thực bì tốn ít chi phí lại cho năng suất cao hơn tầm 20-30 tấn gỗ và hạn chế phát thải khí nhà kính, điều kiện tiên quyết khi tham gia và duy trì chứng chỉ rừng FSC. Từ đó, giá cả bán ra sẽ cao hơn nhiều so với rừng trồng truyền thống.

Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa Lê Hữu Phương cho biết, từ một người có hành vi phá hoại rừng, anh Lê Phúc Nhật đã vượt lên chính mình để làm lại từ rừng với cơ ngơi như hiện nay. Đây là tấm gương làm kinh tế giỏi được chúng tôi nhân rộng để bà con trong xã noi theo. Vì thế, địa phương luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn hoạt động và mở rộng quy mô như: cho thuê, mượn đất để triển khai các mô hình nhà ươm, vườn cây giống vật liệu mẹ; kết nối để HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ HTX xây dựng Đề án vườn ươm cây giống lâm nghiệp chất lượng cao, thân thiện với môi trường...

Thông qua những dự án, anh Nhật đã tạo thêm nhiều việc làm cho hàng chục người dân địa phương tại 2 vườn ươm cây giống thuộc quản lý của HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn. Sự nỗ lực của anh cùng các thành viên đã đưa HTX Lâm nghiệp bền vững Keo Sơn ngày một phát triển và mở rộng quy mô trong lĩnh vực lâm sinh, lâm nghiệp.

Và cứ thế, hành trình “trả nợ” rừng của anh Nhật vẫn sẽ tiếp tục...

Lê Trường

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nguoi-tra-no-rung/183098.htm