Người trẻ dựng kịch cách mạng

Kịch về đề tài chiến tranh cách mạng luôn nhận được cảm tình sâu sắc của đông đảo khán giả. Nhiều tác phẩm đã tạo nên dấu ấn đẹp trong hành trình phát triển của sân khấu kịch nói Việt Nam. Tuy nhiên, với thế hệ trẻ làm sân khấu hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa, không phải ai cũng có thể dựng kịch về đề tài chiến tranh cách mạng.

Dấu ấn trẻ trong Đêm khuya về với mẹ

Vở kịch cách mạng Đêm khuya về với mẹ - một tác phẩm của cố soạn giả Ngọc Linh, được sinh viên - đạo diễn Võ Ngọc Tiến dàn dựng tại sân khấu quay Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, đã tạo ấn tượng mạnh với khán giả cả về nội dung cũng như hình thức thể hiện.

Câu chuyện kịch diễn ra bên trong căn nhà quạnh quẽ, nơi bà Năm Diệu sống cùng với cô con dâu trong nỗi nhớ mong về 5 người con đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Và giữa màn đêm, bà đã lần lượt gặp lại con mình trong cơn mộng thực ảo lẫn lộn.

Trong tâm tưởng, từng người con lần lượt kể lại cho bà Năm câu chuyện về sự ra đi của họ, giúp người mẹ thanh thản, tự hào sống an yên tâm tư trong những năm tháng cuối đời.

Vở kịch được Võ Ngọc Tiến dàn dựng công phu, khá mới mẻ, mang màu sắc hiện đại với nhiều màn múa đương đại, trình diễn bay nhảy, đu, leo trèo với cây tre, sử dụng thủ pháp ước lệ, từ sự hồi tưởng của nhân vật chính để thể hiện sự đan xen giữa quá khứ với hiện tại. Sân khấu quay được sử dụng hợp lý để những mấu nối liên kết câu chuyện hư - thực, trước - sau diễn ra hài hòa, liền mạch, có những thời khắc lắng đọng cảm xúc hiệu quả. Tác phẩm thể hiện được sắc màu tươi mới, nhẹ nhàng, gần gũi, hội đủ chất giải trí và chuyển tải tốt tư tưởng của vở kịch đến người xem.

Phát huy tư duy mới, hiện đại

Với nhiều đạo diễn trẻ, những người làm sân khấu còn ít tuổi đời, tuổi nghề thì đề tài về chiến tranh cách mạng là những kịch bản “khó nhằn”. Trước hết, bởi chọn tác phẩm kịch cách mạng mà dựng không khéo thì vở sẽ khô khan, cứng nhắc, tuyên truyền khẩu hiệu, không hấp dẫn. Thứ hai, nếu xử lý không khéo dễ dẫn đến sự xuất hiện những hạt sạn, có khi lại sai lệch quan điểm, tư tưởng, không đạt được tính nghệ thuật, ẩn ý của tác phẩm...

Đạo diễn Võ Ngọc Tiến bộc bạch: “Khi bắt tay làm kịch đề tài chiến tranh cách mạng, tôi cảm thấy rất nhiều áp lực. Tôi e có người nhận định lớp trẻ không sống trong thời chiến tranh sẽ không hiểu và cảm hết được tác phẩm. Tôi cũng sợ bị nói vì năng lực yếu kém nên chọn dựng vở cách mạng để lấy điểm về tư tưởng. Nhưng, khi đã chọn được kịch bản hay, tôi quyết tâm làm việc hết sức mình để có được một tác phẩm hoàn hảo nhất. Những câu chuyện như trong Đêm khuya về với mẹ vẫn tồn tại trong đời sống và tôi muốn nói về nỗi đau của những phận người theo cách nhìn của người trẻ hôm nay. Tôi cũng muốn kể cho khán giả nghe một câu chuyện kịch mang âm hưởng anh hùng ca, đậm chất nhân văn về những người đã hy sinh vì Tổ quốc, họ đã sống hết lòng với cuộc đời. Hơn thế nữa, đó là tấm lòng cao cả của những người mẹ Việt Nam anh hùng với quê hương, đất nước”.

Thực tế cho thấy, việc đầu tư dàn dựng các tác phẩm kịch cách mạng không dễ, nhưng với các đạo diễn trẻ, nếu dám dấn thân, chịu khó tư duy, khai phá cách làm mới, phù hợp, mạnh dạn đầu tư và sử dụng tốt các ứng dụng công nghệ kỹ thuật, quan điểm làm nghề hiện đại vào trong các tác phẩm thì vẫn đủ sức tạo nên những vở kịch cách mạng truyền thống đạt hiệu quả cao về chất lượng trình diễn, phù hợp xu hướng giải trí của khán giả thế hệ mới.

Đạo diễn trẻ Hoàng Tấn của Nhà hát Kịch TPHCM cũng từng gây ấn tượng mạnh với vở kịch cách mạng Cuộc hành trình đi tìm bức chân dung (tác giả: Khánh Hoàng). Tác phẩm có sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu và công nghệ điện ảnh hiện đại, kỹ thuật trình chiếu màn hình LED và Gauze giúp tạo nên một không gian sân khấu 3D mới lạ, có chiều sâu, cảnh chồng cảnh, cảnh và người hòa hợp. Vở được nhà hát đầu tư 200 triệu đồng để dàn dựng, nhưng đạo diễn phải tự bỏ thêm 150 triệu đồng để đạt được hiệu ứng như mong muốn.

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-tre-dung-kich-cach-mang-post702042.html