Người trẻ làm nông nghiệp xanh: Giải pháp bền vững trước biến đổi khí hậu

Sản xuất nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đổi khí hậu. Để phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, nhiều người trẻ tại Bắc Kạn đã tiên phong chuyển đổi sang nông nghiệp thông minh, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu.

Cơn bão số 3 Yagi đã làm 2.199,5ha lúa, ngô, hoa màu và cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng và thiệt hại; 79,9ha ao cá bị lũ tràn qua; 46 con gia súc, 8.320 con gia cầm bị chết do sạt lở đất và lũ cuốn trôi... Trước những diễn biến phức tạp của khí hậu, việc nghiên cứu kỹ thuật mới và cung cấp cho nông dân phương pháp, giống, cây trồng phù hợp với từng vùng, từng loại đất là một trong những nội dung rất quan trọng giúp người dân thích nghi với biến đổi khí hậu và có điều kiện làm kinh tế để thoát nghèo.

 Vùng trồng dong riềng thôn Nà Buốc, xã Quang Phong, huyện Na Rì đạt chứng nhận hữu cơ.

Vùng trồng dong riềng thôn Nà Buốc, xã Quang Phong, huyện Na Rì đạt chứng nhận hữu cơ.

Tại xã Quang Phong, huyện Na Rì, thay vì trồng dong riềng theo cách truyền thống, anh Hoàng Văn Toàn đã mạnh dạn vận động các hộ dân thôn Nà Buốc chuyển sang mô hình trồng dong riềng hữu cơ.

Đây là bước đột phá giúp chất lượng củ dong được tăng lên rõ rệt. Thay vì sử dụng phân bón vô cơ với giá thành cao, bà con đã tận dụng phân chuồng, bã dong riềng ủ làm phân vi sinh để bón cho cây. Cách làm này đã làm giảm chi phí đầu tư, giá bán tăng từ 500-1.000 đồng/kg. Nhờ đổi mới phương thức canh tác, đến nay nhiều diện tích đất trồng dong riềng hữu cơ được cải tạo, tơi xốp. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật lên luống cao nên hạn chế ngập úng, trồng theo đường đồng mức hạn chế xói mòn.

 Người dân xã Yến Dương thu hoạch bí xanh thơm.

Người dân xã Yến Dương thu hoạch bí xanh thơm.

Bí xanh thơm là cây trồng đặc sản của bà con huyện Ba Bể, tuy nhiên trải qua nhiều năm canh tác, một số diện tích có dấu hiệu suy thoái, lai tạp, dẫn đến năng suất và chất lượng không cao. Khắc phục tình trạng này, HTX Nhung Lũy đã đi đầu trồng bí trong nhà màng theo hướng hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả khá.

Chị Đinh Tuyết Nhung, Giám đốc HTX Nhung Lũy cho biết “Làm nông nghiệp xanh thích ứng với biến đổi khí hậu là cách chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, đồng thời mong muốn duy trì giống bí xanh thơm bản địa, HTX đã xây dựng nhà màng để ươm giống. Cách làm này đã giúp đẩy nhanh thời vụ tránh được rét đậm, rét hại, sương giá, nắng gắt, mưa nhiều. Ngoài ra, chúng tôi còn tập huấn kỹ thuật cho các hộ liên kết, sử dụng các loại chế phẩm sinh học, sử dụng đèn, bẫy dẫn dụ côn trùng để giảm thiểu thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu”.

Năm 2017, HTX nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn trồng hơn 1.000m2 dưa lưới. Thời gian đầu khi chưa biết áp dụng kỹ thuật cộng với thời tiết có những thay đổi cực đoan nên vụ dưa coi như mất trắng. Nhờ sự tìm tòi, ham học hỏi HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới, hạn chế được nắng gắt, mưa nhiều, đưa năng suất, chất lượng dưa tăng lên rõ rệt. Sau 7 năm hoạt động, HTX hiện có hơn 3.000m2 nhà lưới trồng dưa. Mỗi năm thu nhập từ 300-500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Bà Đinh Hoài Thu, thành viên HTX chia sẻ: “Việc trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cấp thiết. Đó là cách giúp chúng tôi phát triển và tồn tại, đồng thời đó cũng là cách đi kịp với xu thế của thị trường ngày nay”.

Bà Đinh Hoài Thu, thành viên HTX nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt.

Thực hiện Quyết định số 31/QĐ-UBND ngày 08 tháng 01 năm 2024 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc Phê duyệt Kế hoạch thực hiện hoạt động quản lý, sử dụng đất trồng lúa năm 2024 theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ, năm 2024 Sở NN&PTNT đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng giảm phát thải khí nhà kính đối với các giống lúa có liên kết tiêu thụ sản phẩm, có khả năng tạo thành hàng hóa được thị trường ưa chuộng như: Bao thai Chợ Đồn, Khẩu nua lếch, Khẩu nua lương tại các huyện Ba Bể, Chợ Đồn và Chợ Mới với tổng diện tích là 179ha.

Qua đó, giúp cải tạo và bảo vệ đất lúa, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa. Đồng thời, dần chuyển đổi phương thức canh tác thông thường sang sản xuất lúa hữu cơ, sản phẩm tạo ra đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng theo yêu cầu của các thị trường lớn. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định 1866/QĐ-UBND ngày 05/10/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông, lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có thể thấy, giới trẻ hiện đã và đang tạo ra những chuyển biến về nhận thức trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, mà còn duy trì, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, chuyển từ cách làm truyền thống sang sáng tạo và áp dụng KHCN để làm chủ quy trình sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Triệu Hiển

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/nguoi-tre-lam-nong-nghiep-xanh-giai-phap-ben-vung-truoc-bien-doi-khi-hau-post66583.html