Người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, các bạn trẻ có nhiều ý tưởng khởi nghiệp. Trong đó, có ý tưởng đã trở thành dự án thực tế, góp phần giải quyết các vấn đề của cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương và tạo ra những giá trị bền vững.

Mô hình khởi nghiệp Nuôi thủy sản công nghệ cao DKF của Trần Lâm Đăng Khoa (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng)

Mô hình khởi nghiệp Nuôi thủy sản công nghệ cao DKF của Trần Lâm Đăng Khoa (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng)

1. Em Trần Lâm Đăng Khoa (thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) vừa tốt nghiệp THPT nhưng đã có tư duy đổi mới, tinh thần dấn thân và một dự án khởi nghiệp đầy triển vọng là Nuôi thủy sản công nghệ cao DKF.

Ngay từ khi còn là học sinh, Khoa đã thể hiện niềm đam mê đặc biệt với khoa học, công nghệ. Mô hình Nuôi thủy sản công nghệ cao DKF không chỉ giúp Đăng Khoa đoạt giải Nhì (có 2 giải nhì, cuộc thi năm đó không có thí sinh đoạt giải nhất) Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng ở các cấp mà còn đặt nền móng cho chặng đường khởi nghiệp sau này.

Nuôi thủy sản công nghệ cao DKF của Khoa không dừng lại ở nuôi cá thông thường. Từ nguyên mẫu sử dụng 4 công nghệ, Khoa phát triển phiên bản hoàn chỉnh tích hợp 6 công nghệ tiên tiến như tuần hoàn nước, khử khuẩn bằng Ozone và tia UVC, tạo siêu bọt khí, điều hòa nhiệt độ và tự động cho ăn.

Ngoài ra, em còn sáng tạo quy trình sản xuất thức ăn cho cá từ ấu trùng ruồi lính đen và tận dụng chất thải để sản xuất phân hữu cơ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, mô hình còn được tinh gọn với hệ thống điều khiển trung tâm và sử dụng điện mặt trời, giảm đến mức thấp nhất chi phí vận hành.

Với khoản vay 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Khoa bắt đầu triển khai hệ thống nuôi thực nghiệm quy mô 6m³. Trong giai đoạn đầu, cá rô đầu nhím được nuôi thử nghiệm với mật độ cao cho kết quả khả quan. Tỷ lệ hao hụt thấp, thời gian nuôi rút ngắn và hệ số chuyển hóa thức ăn tối ưu.

Hiện nay, em bước sang giai đoạn II với đối tượng cá thác lác cườm nhằm hướng tới phát triển sản phẩm cá chả đóng hộp, phục vụ thị trường tiêu dùng. Dự kiến đến tháng 6/2026, mô hình sẽ được mở rộng lên 36m³, sản lượng ổn định khoảng 120-140kg/tháng.

“Khởi nghiệp luôn đầy thách thức, nhất là với một người trẻ thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Lúc mới triển khai, em gặp nhiều sự cố, phải tự học hỏi để rút kinh nghiệm. Nếu có cơ hội, em sẽ mở rộng quy mô lên gấp 10, thậm chí 20 lần, hoàn thiện quy trình nuôi khép kín, xây dựng thương hiệu cá sạch đạt chuẩn VietGAP, đạt chuẩn OCOP và hướng tới chuỗi sản phẩm chế biến sâu” - Đăng Khoa chia sẻ thêm.

Bí thư Huyện Đoàn Tân Hưng - Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết: “Đăng Khoa là một trong những thanh niên tiêu biểu của huyện. Khi Khoa trình bày ý tưởng phát triển mô hình nuôi thủy sản công nghệ cao, Huyện Đoàn đánh giá rất cao tinh thần dấn thân cũng như tính khả thi của mô hình. Huyện Đoàn định hướng khởi nghiệp, kết nối các nguồn lực và đặc biệt là hướng dẫn Khoa hoàn thiện hồ sơ vay vốn từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội”.

2. Đoạt giải Ba Ý tưởng khởi nghiệp của Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Long An lần thứ V, năm 2024, ý tưởng Kem dưỡng da tay chiết xuất từ dưa leo của em Nguyễn Phạm Uyên Trinh - học sinh Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu (TP.Tân An), cùng những người bạn không chỉ đơn thuần là mỹ phẩm mà còn minh chứng cho tinh thần sáng tạo của thế hệ trẻ hôm nay.

Nhóm của Nguyễn Phạm Uyên Trinh (học sinh Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu (TP.Tân An)) tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Long An lần thứ V, năm 2024

Nhóm của Nguyễn Phạm Uyên Trinh (học sinh Trường THPT Chuyên Trần Văn Giàu (TP.Tân An)) tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Long An lần thứ V, năm 2024

Chia sẻ về ý tưởng này, Uyên Trinh cho biết: “Dưa leo từ lâu được biết đến với nhiều công dụng làm đẹp như làm dịu, dưỡng ẩm và chống lão hóa. Chúng em nhận thấy đây là nguyên liệu dễ tìm và rất giàu dưỡng chất nên quyết định ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm”.

Ban đầu, nhóm của Uyên Trinh không định hướng theo ngành chăm sóc sắc đẹp. Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu kỹ hơn về tính năng của dưa leo, các em chuyển hướng sang thử nghiệm với mục tiêu tạo ra sản phẩm an toàn, tự nhiên và lành tính.

“Một trong những khó khăn lớn nhất là độ đông đặc của kem. Ban đầu, sản phẩm không đạt độ mịn và đặc như mong muốn vì công thức chưa được tính toán kỹ. Chúng em phải điều chỉnh rất nhiều lần, thay đổi tỷ lệ nguyên liệu, thử đi thử lại đến khi đạt kết cấu phù hợp” - Uyên Trinh nói.

Sau thành phẩm, nhóm của Uyên Trinh còn đưa sản phẩm đi kiểm nghiệm, thử trên các loại da khác nhau để bảo đảm tính an toàn và hiệu quả. Chính sự nghiêm túc, chỉn chu trong từng giai đoạn đã giúp dự án nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn.

Uyên Trinh nói thêm: “Sau Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Long An lần thứ V, năm 2024, chúng em được hỗ trợ tư vấn, định hướng phát triển và có cơ hội tham gia các chương trình ươm tạo doanh nghiệp. Nhưng vì học tập, nhóm tạm gác lại việc phát triển sản phẩm. Trong tương lai, nếu có cơ hội, chúng em sẽ cải tiến sản phẩm theo hướng sinh học, tiếp tục phát triển ý tưởng này”.

Giới trẻ hôm nay không ngừng ươm mầm những ý tưởng, hiện thực hóa đam mê qua các dự án khởi nghiệp sáng tạo. Với tinh thần dấn thân, ham học hỏi và khát vọng cống hiến, họ chính là lực lượng tiên phong góp phần thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững cho xã hội./.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-tre-manh-dan-khoi-nghiep-a195055.html