Người trẻ vươn ra biển lớn


Theo đuổi ước mơ xây dựng thương hiệu của riêng mình, sau gần 5 năm khởi nghiệp, chị Trần Thị Ngọc Cẩm (34 tuổi), ở thôn 7, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) đã tạo chỗ đứng trên thị trường cho các sản phẩm chăm sóc tóc từ thiên nhiên mang tên BoBoon.
Sự nỗ lực, kiên trì của cô gái 9X này trên hành trình khởi nghiệp đã lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm để hiện thực hóa ước mơ xây dựng thương hiệu mà cô đã đặt tên là BoBoon. Năm 2014, Cẩm tốt nghiệp ngành kế toán, Trường Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh và có việc làm ổn định. Song, Cẩm đã rẽ sang hướng đi mới mà ai cũng bất ngờ. “Sau khi sinh con, tôi bị rụng tóc. Mẹ và các cô ở gần nhà bảo rằng trái bồ kết có công dụng giảm rụng tóc. Tôi đã tìm hiểu và nấu bồ kết với sả, chanh, vỏ bưởi,... để gội đầu. Thật bất ngờ là chỉ hơn 1 tháng sử dụng, tóc không chỉ giảm rụng mà còn mọc lên dày và sợi tóc chắc khỏe, bóng mượt”, chị Cẩm chia sẻ. Cũng từ đây, chị Cẩm quyết tâm theo đuổi ước mơ thành lập công ty sản xuất các sản phẩm chăm sóc tóc.

Chị Trần Thị Ngọc Cẩm giới thiệu các dòng sản phẩm chăm sóc tóc.
Sau gần 1 năm ấp ủ ý tưởng, nghiên cứu công thức, năm 2020, Công ty TNHH MTV Trịnh Trần Gia ra đời, sản xuất các sản phẩm chăm sóc tóc từ thiên nhiên mang thương hiệu BoBoon. Chị Cẩm cho biết, năm đầu thử nghiệm các công thức, hướng đến việc sản xuất số lượng sản phẩm lớn là giai đoạn khó khăn nhất của hai vợ chồng. Cả hai đều nghỉ việc để tập trung cho việc sản xuất, kinh doanh. Chúng tôi không chỉ khó khăn về vốn, mà còn vấp phải sự phản đối của gia đình, người thân. Mọi người ai cũng khuyên chúng tôi nên dừng lại, chỉ cần làm công ăn lương, có thu nhâp ổn định là được, còn khởi nghiệp thì rất rủi ro. Thế nhưng, chúng tôi luôn tin mình sẽ làm được và quyết tâm theo đuổi ước mơ khởi nghiệp.

Dầu gội bồ kết thảo dược BoBoon được trưng bày tại Lễ ra mắt Hội đồng hương Mộ Đức tại TP.Hồ Chí Minh
Đầu năm 2021, chị Cẩm cho ra mắt dòng sản phẩm đầu tiên mang tên dầu gội bồ kết thảo dược BoBoon. Sản phẩm này được người tiêu dùng đón nhận, phản hồi tích cực. Sau đó, chị Cẩm tiếp tục cho ra mắt các dòng sản phẩm như dầu gội bồ kết thảo dược cô đặc, dầu xả tóc bưởi - dừa, tinh dầu bưởi xịt kích thích mọc tóc,... Tất cả các dòng sản phẩm đều sử dụng nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
Để chủ động nguồn nguyên liệu sạch, chị Cẩm liên kết với 4 hộ dân chuyên sản xuất các cây dược liệu cung cấp cho xưởng. Từ các khâu xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đều được các hộ dân cam kết thực hiện đúng quy trình, sản xuất sạch với sản lượng cung cấp mỗi tháng hơn 200kg. Chị Cẩm cho biết, xưởng sản xuất của tôi hiện sử dụng gần 20 loại thảo dược và mỗi sản phẩm sẽ có công thức, quy trình sản xuất riêng.

Cuối năm 2023, dầu gội bồ kết thảo dược BoBoon đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đầu năm 2024, chị Cẩm mạnh dạn tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi xanh” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đoạt giải Ba. Dự án khởi nghiệp dầu gội bồ kết thảo dược BoBoon của chị Cẩm là 1 trong 2 dự án của phụ nữ trong tỉnh được chọn tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Trải qua nhiều vòng thi, dự án của chị Cẩm xuất sắc đoạt giải Ba tại Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 cấp vùng khu vực miền Trung và giải Khuyến khích toàn quốc.

Bị cuốn hút bởi những đồi chè xanh bạt ngàn nằm ở độ cao hơn 1.000m của vùng đất Hương Trà (Trà Bồng), anh Lê Đình Ái (43 tuổi), ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) quyết định gắn bó với nơi này và đi tìm đầu ra cho sản phẩm chè Trà Nham.
Là người ưa mạo hiểm, dám đương đầu với khó khăn nhưng cũng rất cẩn trọng, anh Ái đã đến những đồi chè trên đỉnh Cà Đam để có những đánh giá chính xác về cây chè và vùng chè nơi đây. Từ đó, anh mới đưa ra định hướng đầu tư phù hợp. Sau những ngày “ăn lán, ngủ rừng”, bám trụ ở vùng đất này, anh Ái nhận định, chè Trà Nham có ưu điểm thơm đậm đà, vị ngọt thanh, mát dịu như các nhà nghiên cứu đã từng nhận định. Diện tích chè khá lớn với khoảng 100ha, đây là lợi thế để phát triển.

.Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Trà Nham (Trà Bồng) Lê Đình Ái vận động người dân gìn giữ và bảo vệ rừng chè.
Tuy nhiên, theo anh Ái, sản lượng búp chè thu hoạch được để chế biến các sản phẩm vẫn còn ít, khi mà mỗi năm cây chè chỉ cho ra búp khoảng 3 đợt. Trong khi đó, vùng chè ở các tỉnh phía bắc cho ra búp trung bình 8 đợt mỗi năm. Một trong những nguyên nhân là cây chè chưa được chăm sóc phù hợp với quy trình sinh trưởng. Về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu chế biến với quy mô lớn, người dân cần có kế hoạch chăm sóc cây chè phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo năng suất và chất lượng.
Tháng 8/2023, anh Ái vận động người dân thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Trà Nham với 17 thành viên, do anh Ái làm giám đốc. Có 12 thành viên HTX là đồng bào dân tộc Cor. Họ đều có diện tích chè trồng sẵn ở địa phương. Từ khi tham gia HTX, người dân đồng hành, cam kết không chặt bỏ cây chè, mở rộng vùng trồng, chú trọng chăm sóc, không để cây chè phát triển phụ thuộc vào tự nhiên.

Sản phẩm bột trà xanh trưng bày tại ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi năm 2024.
Đầu năm 2024, HTX bắt đầu tập trung chế biến các sản phẩm từ cây chè. Bột trà xanh là sản phẩm đầu tiên và cũng là sản phẩm chủ lực của HTX được đưa ra thị trường. Dự án bột trà xanh đoạt giải Ba tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 5 - năm 2024. Theo tính toán, mỗi năm HTX thu mua của người dân khoảng 18 tấn búp và lá chè để chế biến khoảng 5.000kg bột trà xanh; mang lại lợi nhuận gần 900 triệu đồng cho HTX. Cùng với sản phẩm bột trà xanh, trong thời gian đến HTX sẽ cho ra thị trường sản phẩm trà túi lọc, cao trà xanh...

“Sau khi phát triển vùng trồng, mở rộng cơ sở sản xuất để chế biến thêm một số sản phẩm, HTX dự kiến sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 40 lao động. Hành trình phía trước vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thành công bước đầu từ sản phẩm bột trà xanh và sự đồng hành của người dân là động lực để HTX tập trung phát triển sản phẩm từ chè xanh Trà Nham”, anh Ái chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương cho biết, nỗ lực của anh Ái đã và đang thắp lên niềm tin cho đồng bào Cor ở Hương Trà, cùng nhau xây dựng thương hiệu cho vùng chè Trà Nham vươn xa. Huyện đã có kế hoạch mở rộng diện tích chè lên khoảng 200ha vào năm 2030, đáp ứng nguồn nguyên liệu chế biến của HTX, mở hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao nơi đây.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua (Sơn Tây) Lê Thị Ánh (42 tuổi) đã nghiên cứu quy trình sản xuất, nâng cao giá trị cho nông sản chuối, ổi, măng rừng ở huyện Sơn Tây, góp phần mở hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao.
Đưa tay chỉ hai buồng chuối nặng trĩu vừa hái, anh Đinh Văn Phiếu, ở thôn Nước Min, xã Sơn Mùa (Sơn Tây) chia sẻ, HTX thu mua chuối với giá hơn 3.000 đồng/kg. Thay vì chuối chín để rục trên cây như trước vì bán không hết, giờ đây cây chuối giúp tôi thoát nghèo. Chị Ánh chính là người đứng ra đảm bảo đầu ra cho nông sản, nên giờ bà con chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, có cuộc sống ấm no mà không trông chờ ỷ lại Nhà nước. Ở vùng cao Sơn Tây, chị Ánh được xem như “bà đỡ” của dân làng, nhờ có chị mà đời sống nhiều hộ gia đình được cải thiện.

Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua (Sơn Tây) Lê Thị Ánh đang kiểm tra chuối trước khi sản xuất.
Dẫn chúng tôi tham quan cơ ngơi HTX với các máy móc sản xuất hiện đại, chị Ánh giới thiệu các sản phẩm của HTX, gồm có mật chuối, rượu chuối, chuối sấy dẻo, dấm chuối, trà ổi, măng sấy khô, măng dầm tỏi ớt, măng muối chua... Từng làm việc trong cơ quan nhà nước ở huyện Sơn Hà, năm 2020, chị Ánh quyết định nghỉ việc, bắt đầu con đường khởi nghiệp. "Trong quá trình khảo sát, tôi nhận thấy ở huyện Sơn Tây có hai loại cây chuối mốc và chuối rừng có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhưng chưa có đầu ra ổn định. Trong khi đồng bào Ca Dong không biết cách bảo quản, chế biến khi chuối không tiêu thụ hết. Đó cũng là nguyên nhân làm cho cuộc sống của người dân không khá lên được dù được hỗ trợ vật tư sản xuất, cây, con giống rất nhiều. Từ suy nghĩ đó, tôi quyết tâm phải tìm hướng ra cho sản phẩm này", chị Ánh chia sẻ.

Tháng 12/2020, chị Ánh thành lập HTX Sản xuất nông lâm nghiệp và thương mại dịch vụ Sơn Bua với 10 thành viên, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chuối với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, chị Ánh đến từng nhà hướng dẫn người dân cách chăm sóc cây chuối cũng như mở rộng diện tích để có sản phẩm chuối ổn định. Hiện tại, HTX liên kết với hơn 100 hộ nông dân và mở rộng vùng trồng chuối hơn 100ha. Theo chị Ánh, cây chuối cho thu nhập nhanh, ít công chăm sóc nên rất phù hợp để người dân làm kinh tế. Một héc ta có thể trồng gần 1.000 cây chuối, cho thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng, hơn hẳn trồng mì, cau.
Các sản phẩm chuối sấy dẻo, mật chuối và rượu chuối do HTX sản xuất đến nay đã tạo được thương hiệu, không đủ cung cấp cho thị trường trong nước. Thành công từ cây chuối giúp chị Ánh nảy ra nhiều ý tưởng. Hợp tác xã liên kết với người dân mở rộng vùng trồng để sản xuất trà ổi, với quy trình sấy lạnh từ lá và đọt ổi. Sản phẩm trà ổi được người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường hơn 600kg chuối sấy dẻo, hàng trăm kílôgam trà búp ổi... Hợp tác xã đang thực hiện các bước để được cấp chứng nhận OCOP 3 sao đối với các sản phẩm từ chuối, trà ổi và măng.