Người trên đường đời…

Đó là những con người đã tạo dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời cầm bút gần 45 năm của nhà báo Hồ Quang Lợi; là những con người với vai trò, sứ mệnh, hoàn cảnh đặc biệt khác nhau, đã tác động mạnh mẽ tới dòng chảy của lịch sử Việt Nam.

“Tôi muốn nhân lên lòng nhân ái”

“Cách đây vài năm, tôi nhận được câu hỏi làm báo mấy chục năm rồi, anh thấy mình có mắc nợ gì không? Tôi chợt sững người. Quả thực, ngẫm về hành trình mấy mươi năm cầm bút, món nợ cụ thể với một ai đó, làm lương tâm mình cắn rứt, do ngòi bút của mình không chính trực thì tôi không có. Nhưng món nợ với cuộc đời nói chung thì tôi và các đồng nghiệp của mình còn đang nợ nhiều lắm” - nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ tại buổi ra mắt ấn phẩm mới Người trên đường đời sáng 12.6.

Khác với các cuốn sách đã xuất bản trước hầu hết thuộc thể loại chính luận về thời cuộc, vốn là sở trường của nhà báo Hồ Quang Lợi, Người trên đường đời dành để viết về những con người đã tạo dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời cầm bút gần 45 năm của ông. Trong đó, nhiều người là lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và của các nước. Có những nhân vật có sắc thái đặc biệt trên nhiều lĩnh vực, cả trong nước và nước ngoài, mà bước đường đầy gian truân, thử thách và cống hiến của họ tựa như ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin về giá trị đích thực trong cuộc sống.

Độc giả chúc mừng nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt ấn phẩm mới. Ảnh: Thái Minh

Độc giả chúc mừng nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt ấn phẩm mới. Ảnh: Thái Minh

Nhà báo Hồ Quang Lợi bộc bạch cảm xúc xuyên suốt các trang viết này là lòng tri ân, là tình yêu thương con người. Bởi lẽ, với ông, một xã hội hoa lệ, phồn vinh đến mấy mà không có tình thương yêu giữa con người với nhau thì cũng không phải là xã hội tốt đẹp. Tiêu đề cuốn sách Người trên đường đời cũng xuất phát từ suy nghĩ như vậy, chứa đựng bao yêu thương, niềm tự hào, trân quý, trăn trở, đau đáu mối quan tâm về con người và vì con người. Bởi vậy, trên mỗi trang viết chân dung, giữa các câu chuyện, lời kể về nhân vật luôn đan xen khắc họa nhân cách, phẩm giá con người.

Như trong bài “Sự kiện bi hùng Hang Tổ 4” về sự kiện ngày 28.4.1966 ở xã Quỳnh Thiện, Quỳnh Lưu, Nghệ An, 32 thanh niên xung phong, công nhân tại “tọa độ lửa” Hoàng Mai hy sinh do một quả tên lửa từ máy bay Mỹ phóng xuống làm sập cửa hang, ông viết: “Bao nhiêu tháng ngày đã qua, trời Hoàng Mai vẫn ngăn ngắt xanh, núi đá như đã liền sẹo và đã xanh lại như tự thuở nào, nhưng những người còn sống sót trong ngày khốc liệt ấy vẫn còn nghe thấy tiếng kêu của đồng đội ứa ra từ ruột núi, lọt qua kẽ đá. Những tiếng gọi tha thiết niềm yêu cuộc sống”…

Hay viết về thủ trưởng, người thầy trong nghề báo của mình là Thiếu tướng Trần Công Mân (nguyên Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân), tác giả không giấu niềm xúc động: “Tôi như vẫn thấy bóng ông khoan thai đi ngang qua đường Lý Nam Đế, mái tóc bạc như mây dưới tán lá xanh rì của những cây sấu già quen thuộc, như vẫn thấy dưới bóng đèn khuya, ngọn bút của ông lao đi gấp gáp như bay trên những trang bản thảo, đuổi bắt cho được những ý tưởng lóe sáng, như vẫn nghe giọng nói ấm áp, trầm tĩnh của ông trong những câu chuyện bình dị về cuộc đời, về nghề nghiệp” (Cuộc dấn thân vì cái mới và chân lý).

Trên hết là lẽ sống, lẽ làm nghề

Lấy con người làm trung tâm nhưng nhà báo Hồ Quang Lợi không ca ngợi cá nhân một cách đơn thuần mà qua những hành động của họ để phóng chiếu lịch sử dân tộc, đất nước mình. Nhiều ý kiến nhận định những gì Hồ Quang Lợi viết chính là những gì ông đã sống, đã trải qua, đã cảm nhận. Điều đó khiến các trang viết của ông một cách tự nhiên đã nói lên cuộc đời ông, luôn thấm đẫm cái nhìn tích cực.

Lý giải lựa chọn viết về những con người cụ thể, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết: “Thực ra, tôi cũng chẳng cần chọn lọc gì đâu vì tất cả những gương mặt đó đều đã ở trong tim tôi. Họ từng sống, làm việc, gắn bó với tôi, có người gắn bó vì nghề nghiệp, có người gắn bó vì tình nghĩa. Họ sống trong tâm trí của tôi, lắng đọng trong tim tôi…”.

Chính những nhân vật được cảm nhận trực tiếp bằng mối giao cảm, thương mến, giữa trái tim với trái tim, giữa trí tuệ với trí tuệ… đã khiến các trang viết trở nên hấp dẫn, riêng biệt. Tác giả cho thấy con người dù là bình thường hay là các yếu nhân đều có vai trò quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của lịch sử, xã hội. Con người ấy, dù đi giữa những buồn vui, cay cực, giữa con tạo xoay vần vẫn lấp lánh giá trị của mình.

Theo nhà thơ Bằng Việt, quan tâm đến con người thực ra là quan tâm đến thế sự, đến xã hội, đến thời đại mà ta đang sống. Là nhà báo, Hồ Quang Lợi may mắn được đi và gặp nhiều người, biên độ sáng tạo trải rộng. Đối với mỗi người khi tiếp xúc, khi viết về, ông đều có tính phát hiện, có những góc nhìn để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người đọc. Đó là kết quả của sự quan sát, chiêm nghiệm, là kết quả của độ tĩnh lặng trong cảm xúc và bút lực ấm áp, giàu tính nhân văn.

Để rồi, tất cả điều đó làm toát lên lẽ sống, lẽ làm nghề, giản dị mà cao quý, như nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ: “Cuộc đời cho tôi một nghề mà ban đầu tôi không chọn. Nhưng đời nghề đã cho tôi được sống trong bầu sinh quyển đầy ắp giá trị, để tôi tận hưởng niềm vui lớn nhất là ngòi bút của mình được tin tưởng, để tôi (và nhiều đồng nghiệp của tôi) dù trong thời đại nào, hoàn cảnh nào vẫn giữ được sự chính trực, phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc mình”.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/nguoi-tren-duong-doi%E2%80%A6-i375398/