Người 'truyền lửa' - Bài 1: Dấu ấn '4 nhất'

Trước khi viết bài này, tôi cũng như rất nhiều người đều biết ông. Bởi ông là một cán bộ cao cấp với những góc nhìn tâm huyết, sâu sắc về công tác tuyên huấn... Từ chiến sĩ biệt động phát triển thành vị tướng, ông luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội và nhân dân giao phó.

Trở về với đời thường, ông vẫn là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ; vẫn không ngừng đấu tranh, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Tấm gương bình dị mà cao quý ấy là Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Bài 1: Dấu ấn “4 nhất”

Dù thời chiến hay thời bình, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn luôn là người để lại những dấu ấn đậm nét. Thời chiến, ông từ chối cơ hội ra miền Bắc học tập, quyết tâm ở lại quê hương chiến đấu trả thù nhà. Thời bình, ông chấp nhận đối mặt với nhiều thử thách để chung sức xây dựng đơn vị. Những lời ông nói, những việc ông làm đều vì tập thể, vì tổ chức...

Ký ức về một thời đánh giặc

Cơn mưa chiều bất chợt khiến phố biển Đà Nẵng như dịu mát hơn. Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn tiếp tôi trong căn phòng nhỏ trên phố Nguyễn Trác...

Câu chuyện ông kể giúp tôi hiểu sâu hơn về những năm tháng khốc liệt của chiến tranh... Tuổi thơ của ông lớn lên trong nghèo đói và khói lửa đạn bom. Năm 1967, ba, má ông hy sinh. Quyết trả thù nhà, tròn 14 tuổi, Nguyễn Thanh Tuấn đã làm chiến sĩ liên lạc của Tiểu đoàn Đặc công 91 Lam Sơn, có nhiệm vụ chuyển công văn của đơn vị sang Trung đoàn 36 và trinh sát nắm tình hình địch trên địa bàn. Tổ chức biết ông là con liệt sĩ, nhà có 7 người thân hy sinh trong kháng chiến, Mặt trận 44-Quảng Đà không muốn mất một “hạt giống đỏ” nên cho ra Bắc học tập. Thế nhưng ngày ấy ông nhất quyết xin ở lại miền Nam để chiến đấu. Cuối cùng đơn vị đành phải cho ông đi học Trường Đặc công Quân khu 5, rồi giữ lại làm giáo viên đến 3 khóa. Xác định lý tưởng cao đẹp của người thanh niên là trên trận tuyến chống quân thù nên Nguyễn Thanh Tuấn kiên quyết xin được trực tiếp tham gia chiến đấu. Xét thấy nguyện vọng chính đáng nên cấp trên phân công Nguyễn Thanh Tuấn về Hội An (Quảng Nam) nắm tình hình xây dựng lực lượng, một thời gian sau thì chuyển về quận Nhì (Đà Nẵng) tham gia lực lượng biệt động...

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nhớ lại: “Trung tuần tháng 8-1973, tôi đang là mũi trưởng biệt động quận Nhì được phân công về hoạt động tại khu vực B1 Hồng Phước. Để thuận tiện cho nhiệm vụ, tôi ở căn hầm bí mật trong khuôn viên nhà bà Phạm Thị Dĩ để chuẩn bị công tác tham gia huấn luyện, xây dựng lực lượng biệt động của quận. Thời kỳ này, xóm Hồng Phước (nay thuộc quận Liên Chiểu) cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km. Địa bàn hoạt động khá thuận lợi bởi 64 hộ dân trong xóm đều là cơ sở cách mạng. Tuy kẻ địch thường xuyên lùng sục, vây ráp nhưng bà con vẫn mưu trí, tranh thủ ban đêm đào được 46 hầm bí mật dưới lòng đất. Điều khiến kẻ thù không ngờ tới là vùng đất ngay sát nách TP Đà Nẵng với dày đặc mật vụ, thám báo, gián điệp lùng sục, thế nhưng bà con vẫn kiên trung nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích. Đêm đêm bà con vẫn đưa đón hàng trăm cán bộ, chiến sĩ về hoạt động; vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, hàng trăm tấn lương thực, hàng hóa và nhiều công văn, tài liệu cách mạng mà không hề bị lộ.

 Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn kể về những kỷ niệm tại chiến trường Quảng Đà năm xưa.

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn kể về những kỷ niệm tại chiến trường Quảng Đà năm xưa.

Trầm ngâm giây lát, Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn nhỏ nhẹ: “Ngày xưa chiến tranh khốc liệt, gian khổ là thế, hiểm nguy là vậy, nhưng chúng tôi không hề đơn độc, không hề nao núng tinh thần, bởi có lòng dân đùm bọc, chở che. Hình ảnh ngọn đèn của mẹ Dĩ ở Hồng Phước là một minh chứng sống cho sức mạnh toàn dân đánh giặc. Ở mảnh đất này, nhà mẹ Dĩ và một số mẹ đêm đêm thắp sáng ngọn đèn dầu để chỉ lối cho chúng tôi về hoạt động. Cứ thấy ánh đèn le lói trong đêm là chúng tôi thêm ấm lòng, vững dạ. Đó là tín hiệu báo an toàn, để từ đây sẽ có tin từ nội thành ra, gặp cơ sở để nắm tình hình, huấn luyện cấp tốc kỹ thuật cách đánh cho đội viên biệt động, hướng dẫn những vấn đề cần thiết khác. Có thể nói người dân Hồng Phước và nhiều vùng quê khác trên khắp miền Nam đã làm nên những chiến công thầm lặng, nếu không có lòng dân Hồng Phước, lòng dân miền Nam thì không thể có chiến công của lực lượng biệt động và Quân Giải phóng, làm tiền đề cho ngày giải phóng Đà Nẵng 29-3-1975 và ngày 30-4 lịch sử”.

Dấu ấn thời bình

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn quê ở Quảng Nam nên khí chất ngay thẳng, thấy đúng là bảo vệ, thấy sai là đấu tranh, không nể nang, thỏa hiệp. Cấp trên sớm nhận ra ông có tố chất về chính trị nên luôn cân nhắc bố trí những cương vị “đứng mũi chịu sào”.

Trò chuyện cùng các đồng chí cán bộ, cựu chiến binh TP Đà Nẵng, tôi biết thêm nhiều câu chuyện thú vị, hiểu thêm những việc làm để lại dấu ấn đậm nét của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn... Cuối năm 1989, ông được cấp trên điều từ Phòng Tuyên huấn Quân khu 5 sang giữ chức Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Thành đội Đà Nẵng (Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng). Với nhãn quan chính trị sâu sắc và kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong quá trình công tác. Thời gian ở Thành đội Đà Nẵng, ông mạnh dạn đề xuất nhiều chủ trương, biện pháp có tính đột phá, chủ động làm trước, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Dấu ấn đầu tiên là khi ông đề xuất phương án tổ chức giao ban chính trị viên và chính trị viên phó ở cấp phường. Chuyện là thế này, ngày mới về công tác, qua nắm tình hình, đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn nhận thấy mối liên kết giữa cấp phường và Thành đội còn chưa chặt chẽ, thiếu thông tin từ cơ sở. Thế nên, đầu năm 1990, ông đã báo cáo Thành ủy Đà Nẵng đề xuất phương án tổ chức giao ban chính trị viên, chính trị viên phó trên toàn địa bàn, luân phiên định kỳ mỗi tháng một lần. Thành phần tham dự gồm 28 bí thư đảng ủy phường kiêm chính trị viên phường đội, cán bộ lãnh đạo của Thành đội và Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng tham dự với tư cách đại biểu cấp trên. Phương án này được Thành ủy chấp thuận và bắt đầu từ năm 1990, Thành đội tiến hành giao ban chính trị viên và chính trị viên phó. Nhờ vậy, mối quan hệ trên, dưới thông suốt. Theo đó, mọi thông tin từ cơ sở được phản ánh kịp thời, các quy định, chỉ thị, hướng dẫn... của cấp trên được triển khai đồng bộ, chặt chẽ. Thông qua việc giao ban chính trị, sự phối hợp giữa Thành ủy và Thành đội tốt hơn. Hai đơn vị tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhất là trong công tác giáo dục, tuyên truyền...

Dấu ấn thứ hai là ông chủ động “kết nối” với Ban Văn hóa-Thông tin TP Đà Nẵng phối hợp cùng Thành đội Đà Nẵng tổ chức chương trình liên hoan văn nghệ với chủ đề: “Hát về chiến sĩ-chiến sĩ hát”, thiết thực chào mừng Ngày hội Quốc phòng toàn dân và tập hợp quần chúng trong dịp lễ Noel. Được UBND thành phố tán thành, chương trình diễn ra trong không khí sôi nổi, thắm tình quân dân. “Sản phẩm đầu tay” do Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn khởi xướng từ ngày ấy được duy trì cho đến nay và được nhân rộng trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quân khu 5 và phạm vi cả nước.

Vốn một thời là lính biển nên tôi biết Đại tá Phan Văn Cúc (nguyên Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Vùng 3 Hải quân) có mối quan hệ thân thiết với Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn. Khi tôi tìm đến nhà riêng thì được Đại tá Phan Văn Cúc nhắc lại chuyện cũ: “Ngày anh Nguyễn Thanh Tuấn sang Vùng 3 Hải quân đặt vấn đề cử lực lượng tham gia Chương trình “Hát về chiến sĩ-chiến sĩ hát”, ban đầu tôi còn lưỡng lự. Nhưng sau vài phút trao đổi thông tin về ý tưởng và nội dung, tôi đồng ý ngay. Ngày đó, các đơn vị phối hợp tổ chức được một “sân chơi” thu hút đông đảo quần chúng nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đón nhận như vậy là rất ý nghĩa, thiết thực!”.

Dấu ấn thứ ba là khi ông trở thành người đầu tiên đề xuất phương án tổ chức ngày chính trị cơ sở, định kỳ mỗi quý một lần gồm tất cả 28 phường trên địa bàn TP Đà Nẵng. Thành phần tham dự gồm toàn bộ dân quân tự vệ và khu đội do cán bộ được Ban chỉ huy Thành đội phân công chủ trì, bí thư đảng ủy phường dự với tư cách chính trị viên. Với mục đích mở rộng dân chủ ở cơ sở, kịp thời nắm bắt thông tin, nhờ vậy những khúc mắc của cán bộ cơ sở từng bước được tháo gỡ, mối quan hệ đoàn kết trên dưới ngày càng được củng cố.

Dấu ấn thứ tư của đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn đối với công tác xây dựng Đảng chính là triển khai thành lập chi bộ quân sự cấp xã (phường). Ông kể: “Ngày mới về nhận công tác, tôi được nghe báo cáo có đồng chí cán bộ phường đội phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch trong sạch, năng nổ, nhiệt tình, nhưng chi bộ địa phương nơi cứ trú nhất định không làm thủ tục đề nghị kết nạp Đảng. Thấy có vấn đề, tôi trực tiếp xuống địa bàn tìm hiểu nguyên nhân. Đến nơi, đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư trả lời một cách nặng nề, máy móc: “Ông đó sáng mô cũng phì phèo thuốc lá, cà phê. Dân đang nghèo, tiền đâu mà tiêu hoang phí như rứa, kết nạp Đảng răng được!”. Từ câu nói của đồng chí bí thư chi bộ, tôi xuống ngay cơ sở và biết được tình hình đa số đảng viên ở khu dân cư đều lớn tuổi, rất khó tạo nguồn cán bộ cho địa phương. Mặt khác, tôi thấy cấp phường, xã không có tổ chức đảng là một sự khiếm khuyết trong hệ thống lãnh đạo của Đảng ta. Vì vậy, tôi trực tiếp sang Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng trao đổi tình hình và đề xuất phối hợp tổ chức thành lập chi bộ quân sự cấp phường. Kiến nghị của tôi được Thành ủy Đà Nẵng chấp thuận và ra quyết định thành lập hai chi bộ quân sự ở phường Hải Châu 2 và Chi bộ Quân sự phường An Hải Tây làm thí điểm. Sau đó một thời gian ngắn, Thành ủy quyết định thành lập thêm chi bộ quân sự ở phường Chính Gián. Đến đầu năm 1990, các chi bộ quân sự chính thức đi vào hoạt động và phát huy tốt hiệu quả...”.

Nói về những dấu ấn của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, Trung tướng Tạ Nhân, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban kiểm tra Quân ủy Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, tâm sự: “Anh Nguyễn Thanh Tuấn là thủ trưởng cũ của tôi. Anh là người từng trải, từng qua nhiều vị trí công tác. Dù ở cương vị nào, anh cũng đều nhiệt tình và trách nhiệm. Gần anh ấy, tôi học tập từ anh đức tính chân thành, giản dị và ngay thẳng. Những điều anh nói, những việc anh làm đều vì sự thành công của tập thể đơn vị!”.

(còn nữa)

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-truyen-lua-bai-1-dau-an-4-nhat-785678