Người truyền lửa nghề đan lát ở Trà Kót
Đến thôn 1, xã Trà Kót (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) hỏi đến ông Phạm Lâm, bà con dân tộc Cor nơi đây luôn ngợi khen ông là người có uy tín, có nếp sống giản dị, hòa đồng và thân thiện với mọi người. Đặc biệt, nhằm gìn giữ và phát triển nghề đan lát truyền thống của dân tộc mình, ông Lâm đã làm ra các sản phẩm như gùi, rổ, rá… để bán, trao đổi với bà con trong vùng. Nhờ vậy, đã giúp cho ông có thêm nguồn thu nhập và góp phần 'truyền lửa' cho thế hệ trẻ trong thôn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo sự chỉ đường của bà con trong thôn, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Lâm vừa lúc ông từ rẫy về. Trong không gian nhà sàn rộng rãi thoáng mát, nổi bật nhất là góc nhà nơi gia chủ dành để bày biện đủ thứ từ đàn, trống, các loại gùi và nhiều vật dụng đan lát truyền thống do chính tay ông tự chế tác, đến cồng, chiêng, nồi đồng… Chúng tôi cảm giác như đang tham quan một bảo tàng thu nhỏ.
Năm nay, ông Phạm Lâm đã bước sang tuổi 72, nhưng đôi mắt vẫn tinh tường, đôi tay vẫn rắn rỏi, dẻo dai vót từng chiếc nan, lột từng sợi mây, đến khéo léo trong từng nhát dao để chẻ, gọt thân tre lớn thành nhiều nan, sợi lạt nhỏ hơn làm nguyên liệu.
Ông Lâm chia sẻ: Ngày xưa, cuộc sống của người Cor đa phần là tự túc, hầu hết mọi vật dụng dùng trong sinh hoạt, lao động đều phải tự làm. Từ khi còn nhỏ, tôi đã có niềm đam mê đặc biệt với nghề này, nên thường mày mò theo các bậc cao niên trong làng học hỏi các kỹ năng về đan lát. Thế nên, mới 9-10 tuổi, tôi đã biết đan. Lớn thêm nữa thì biết chẻ nan, vót mây để làm ra các sản phẩm đan lát... Rồi cứ thế, tình yêu đan lát “ngấm vào máu” lúc nào không hay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có được một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, sử dụng nhiều loại nguyên vật liệu khác nhau như nứa, tre, lồ ô, mây, gỗ... Đầu tiên là phải kiếm được nguyên liệu.
Ngày xưa, núi rừng Trà My bao la, nên người Cor chỉ việc vào rừng chặt cây mây, cây lồ ô, tre nứa mang về làm. Mây, tre, lồ ô, nứa chặt xong mang về thì tiến hành chẻ nan. Mây cũng vậy, sau khi mang về chẻ sợi, lột ruột, rồi đem phơi nắng cho thật khô, bởi nếu làm tươi, khi khô, sợi nan, mây sẽ ngót lại, vật dụng làm ra không còn chắc chắn, dày dặn.
Tiếp đến là công đoạn đan các sợi nan vào nhau theo những quy tắc nhất định của từng loại vật dụng. Cuối cùng là vấn cạp, bện vành bằng những sợi mây chắc chắn để trở thành những sản phẩm hoàn chỉnh, bắt mắt, có giá trị sử dụng.
Trong tất cả các vật dụng thì đan gùi là khó nhất và mất nhiều công nhất. Gùi được chia thành nhiều loại và dùng vào những công việc khác nhau, đòi hỏi người làm phải khéo léo, có óc thẩm mỹ và sự tỉ mẩn. Đặc biệt, loại gùi dày thường dùng để đựng lúa, gạo có kích thước lớn, độ cao trung bình từ 50-60cm, còn loại gùi 3 ngăn thì dành cho đàn ông dân tộc Cor đi rừng, gọi là xui.
Để làm ra 2 loại gùi này, có khi phải mất cả tuần, thậm chí cả chục ngày mới xong. Ngoài việc chọn lựa nguyên liệu kỹ càng, người đan còn phải biết tạo hoa văn trên thân gùi.
Vì vậy, từ khi làm nan, người đan gùi đã phải lên ý tưởng về họa tiết và tạo cho mỗi thanh nan một màu sắc khác nhau. Khi đan, phải sắp xếp các nan màu cho hợp lý, đúng trật tự để sau khi hoàn thành có sản phẩm đúng dự định ban đầu.
Để các sản phẩm sử dụng được lâu, bền, khi làm xong, cần gác trên giàn bếp. Một thời gian sau, khói bếp làm cho sản phẩm không bị mốc, mối mọt và có màu vàng nâu, dùng được rất lâu.
Nhận thấy nghề đan lát mang lại thu nhập ổn định, khi tham gia Hội Người cao tuổi xã Trà Kót, ông Lâm đứng ra phát động nhiều phong trào liên quan đến bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, vận động các em nhỏ trong làng đi học đan lát. Tranh thủ những ngày nghỉ không lên rẫy, những tháng mùa mưa mà ở nhà cùng với vô số mây, nan truyền dạy nghề cho cả phụ nữ, thanh niên đam mê học đan.
Sau những tháng ngày được ông Phạm Lâm truyền nghề, đến nay, anh Huỳnh Tấn Bường, thôn 1, xã Trà Kót bước đầu đã thành thạo nghề đan lát truyền thống.
Anh Bường chia sẻ: “Nghề đan lát truyền thống của người Cor không khó lắm, nhưng yêu cầu người học và làm từng sản phẩm cần phải tỉ mỉ, cần mẫn và khéo léo. Có những sản phẩm đan rất khó như đan xui (gùi của đàn ông người Cor) vì cần rất nhiều bước, đôi khi phải biết cách tư duy, sắp xếp bố cục thì mới cho ra một sản phẩm chất lượng”.
Bà Phạm Thị Xuân - một phụ nữ dân tộc Cor ở thôn 1, xã Trà Kót cho biết: Được sự chỉ bảo tỉ mỉ của ông Phạm Lâm,tôi đã biết đan lát. Hiện nay, rất nhiều vật dụng bằng nhựa, kim loại bán ở chợ. Thế nhưng, nhiều gia đình đồng bào Cor ở xã Trà Kót vẫn ưa chuộng các vật dụng đan lát truyền thống từ mây, tre, nứa, lồ ô do ông Lâm làm. Không chỉ dùng trong nhà, bà con trong thôn cũng đặt ông Lâm rất nhiều sản phẩm để làm quà tặng.
Ông Phạm Tuấn, Chủ tịch UBND xã Trà Kót cho biết: Thời gian qua, chính quyền xã Trà Kót luôn xác định, việc khôi phục và bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc Cor gắn với phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, chính quyền địa phương đã và đang tập trung tuyên truyền, khuyến khích bà con, mỗi gia đình có một người biết đan lát các vật dụng và sử dụng các vật dụng của đồng bào Cor. Mặc dù có nhiều nỗ lực gìn giữ nét văn hóa truyền thống, nhưng vẫn luôn gặp nhiều khó khăn bởi những người có kinh nghiệm đã lớn tuổi, giới trẻ chưa mặn mà học nghề.
Nghề đan lát truyền thống ở xã Trà Kót không chỉ giúp đồng bào dân tộc Cor giữ được bản sắc dân tộc, mà còn giúp bà con có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Đặc biệt, hiện nay, bà con thường sử dụng những sản phẩm từ nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nhằm hạn chế sử dụng các loại rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-truyen-lua-nghe-dan-lat-o-tra-kot-post454415.html