Người tu và vấn đề kinh doanh
Thời gian gần đây ta thấy hiện tượng một số người tu cũng có những hoạt động kinh doanh, buôn bán trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này tạo ra những ý kiến khác nhau, có người đồng tình, có người không.
Bài viết nhỏ này, chúng tôi xin có đôi điều bày tỏ, hy vọng có thể góp phần đem lại cái nhìn hợp tình, hợp lý hơn về vấn đề này.
Nếu căn cứ vào Giới luật do Đức Phật chế định thì người tu không được nắm giữ tiền bạc, vật báu và kinh doanh buôn bán. Cụ thể: Trong mười giới của Sa-di, giới thứ 10, Đức Phật dạy không được nắm giữ vàng, bạc, vật quý giá. Trong 250 giới của Tỳ-kheo, thiên Xả đọa (giới thứ 18/19/20), Đức Phật cấm không cất giữ vàng bạc; không đổi chác, mua bán vật báu; không mua bán các thứ.
Trong Phật giáo, có những loại giới trọng khi đã phạm thì không thể sám hối nhưng những loại giới nhẹ thì có thể sám hối cho trong sạch. Hơn nữa, Đức Phật cũng có dạy, đối với những giới nhẹ, nhỏ nhặt thì tùy theo địa phương hay thời đại mà có thể bỏ bớt hoặc linh động uyển chuyển cho phù hợp. Và giới liên quan đến tiền bạc hay kinh doanh, mua bán thì thuộc loại giới nhẹ. Trong thời hiện đại, việc người tu giữ tiền hay kinh doanh mua bán, trong một số hoàn cảnh nào đó, có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, theo tôi, việc người tu mà tham gia kinh doanh mua bán sẽ có những bất cập như sau:
- Việc chính của người tu là tu học và hoằng pháp. Tu để giác ngộ, giải thoát và hoằng pháp để đem lại lợi lạc cho chúng sinh ở phương diện tinh thần, tâm linh. Ta phải dành hết thời gian và tâm sức để làm những việc đó thì ta mới giỏi trong lãnh vực của mình, mới làm tròn bổn phận của mình. Còn nếu ta chạy theo kinh doanh mua bán thì đâu còn thời gian và tâm sức để làm cái công việc chính của mình nữa.
- Một số vị thầy vì không giỏi ở lãnh vực của mình, tức không thông thạo Kinh, Luật, Luận cho nên trong khi thuyết pháp đã giảng sai với Phật pháp. Điều này không chỉ làm cho bản thân họ mất uy tín, mắc quả báo mà còn làm cho người nghe hiểu sai, làm sai. Hơn nữa tạo ra sự mâu thuẫn giữa các giảng sư với nhau, gây hoang mang trong hàng Phật tử và công chúng, rằng họ không biết phải tin ai.
- Nói đến kinh doanh mua bán là nói đến hàng hóa, tiền bạc, lời lỗ. Người tu giữ cái tâm của mình như người chăn trâu lúc nào cũng phải dòm ngó con trâu không rời mắt. Nhưng nếu ta suốt ngày chỉ nghĩ đến chuyện tiền bạc, lời lỗ thì làm sao chăn con trâu tâm của mình?
- Một số người nghĩ rằng mình kinh doanh mua bán để có nhiều tiền có thể giúp người khác được nhiều hơn. Có cái tâm như vậy là tốt nhưng không đúng với Phật pháp. Xuất gia thí pháp, tại gia thí tài. Mà Đức Phật cũng dạy rằng “trong tất cả các loại bố thí thì thí Pháp là hơn hết”. Người xuất gia có thể bố thí tài vật, nhưng chỉ là tùy duyên. Có nghĩa là nếu có thí chủ đóng góp, hỗ trợ thì mình thay mặt họ để chuyển vật phẩm đến người cần. Chứ mình là người xuất gia mà mình làm việc của người tại gia, trong khi bỏ phế bổn phận xuất gia của mình thì không đúng.
- Hình ảnh người xuất gia đầu tròn áo vuông rất khác với người thế gian. Người thế gian lên mạng bán hàng là bình thường, nhưng khi thấy một vị thầy hay sư cô mà lên mạng rao bán hàng, hãy khoan nói đến đúng sai, ta thấy có gì đó không hợp rồi.
Trên đây là một số bất cập hay tác hại của người tu khi họ hoạt động kinh doanh mua bán. Bản chất của con người là tham lam và dính mắc. Sở dĩ người tu phải ở chùa, ở trong môi trường của kinh kệ, giáo lý, tránh xa những hoàn cảnh lợi danh cũng là vì muốn gột rửa cái bản chất ấy. Nếu ta kinh doanh mua bán là ta đã sống trong cái môi trường của danh lợi rồi. Thật lòng mà nói, trên đời này có mấy người được “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Có mấy ai mua bán mà không tính đến lợi nhuận. Trong kinh Đức Phật cũng dạy rằng, việc nắm giữ tiền bạc, vật báu có thể làm cho hàng Sa-môn không sáng suốt, không thanh tịnh, cho đến mất hết oai thần. Cho nên hàng Sa-môn phải lánh xa tiền bạc, vật báu. Nếu còn dính dấp đến tiền bạc, vật báu thì bị ngũ dục sai khiến. Nếu bị ngũ dục sai khiến thì chẳng phải pháp của Sa-môn Thích tử vậy.
Thật ra, người viết bài này cũng hiểu rằng, cuộc sống rất đa dạng và phức tạp mà cuộc đời người tu cũng lắm nhiêu khê chứ không phải chỉ một bề yên ả. Có những người có phước, vào chùa tu được thầy thương bạn mến và vật chất khá đầy đủ. Nhưng cũng có những người không được như vậy, trái lại gặp nhiều gian nan, trắc trở, thiếu thốn đủ điều nhưng vẫn quyết tâm tu hành. Bản thân tôi cũng từng có ý nghĩ rằng mình cần tự kiếm tiền để sống và tu chứ không muốn nhận sự cúng dường của thí chủ. Đó là vì, một là mình không muốn lệ thuộc, hai là không muốn mắc nợ. Rất có thể một số Tăng, Ni tham gia kinh doanh mua bán cũng có cùng những suy nghĩ như vậy, muốn sống bằng chính đồng tiền do mình làm ra.

Về phương diện xã hội, việc người tu kinh doanh mua bán hợp pháp thì không có gì sai, chỉ là bị trái nghề. Chúng ta phải biết rằng xã hội có sự phân công lao động. Thầy thuốc là để trị bệnh, thầy giáo là để dạy học, công nhân và nông dân là để sản xuất… Nếu thầy thuốc mà cũng lo việc sản xuất thì ai trị bệnh. Đối với người tu cũng vậy. Người tu không phải là người trốn đời mà cũng có trách nhiệm với xã hội, theo cái cách của mình. Không cần nói đến những việc làm to tát, những cống hiến lớn lao hay phải tu hành đắc đạo, một người tu giữ chùa bình thường, hàng ngày lo việc hương khói quét dọn chùa để cho bá tánh có nơi đến thể hiện nhu cầu tâm linh của họ, vị đó cũng đã thực hiện phần nào bổn phận của một người tu rồi. Và họ có quyền hưởng những quyền lợi do ngôi chùa mang lại, như các cụ xưa đã nói “thờ Phật thì được ăn oản” vậy.
Trên đời này mỗi người làm mỗi việc, có trách nhiệm và quyền lợi tương xứng. Người ta cúng chùa là vì họ thấy được chùa đã đáp ứng được nhu cầu nào đó của họ, dù đó chỉ là phút giây thanh thản nơi cửa thiền. Nếu tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng chỉ là một kiểu mị dân thì làm sao nó có thể tồn tại hàng ngàn năm một cách bền bỉ và uy nghiêm như thế? Cho nên những người phục vụ tôn giáo, cụ thể ở đây là chư Tăng, Ni cũng là những người đang làm trách nhiệm của mình, đang đóng góp khả năng của mình cho sự hoàn thiện và phát triển của xã hội, như bao nhiêu con người và ngành nghề khác nhau trong xã hội.
Nói như vậy không có nghĩa là đi tu là một cái nghề. Ở đây người viết chỉ muốn nhìn Phật giáo ở một khía cạnh xã hội để muốn nói rằng, chúng ta, những người tu ở chùa, không phải là những người chỉ có thọ nhận sự cúng dường mà thực sự cũng đã đóng góp phần mình trong việc xây dựng xã hội. Cho nên chúng ta không có gì phải hổ thẹn khi nhận bát cơm của đàn-na tín thí. Chúng ta làm tròn bổn phận của mình theo cách của người tu là chúng ta đã sống bằng chính sức lao động của mình rồi.
Có lần, một người nói với tôi rằng các nữ tu bên tôn giáo bạn mở trường mầm non, dạy trẻ để sống và phụng sự, còn bên Phật giáo không làm gì cả. Tôi liền hỏi vị ấy rằng, bạn nghĩ với số tiền dạy trẻ đó các nữ tu có thể phụng sự Giáo hội, có thể xây được những cơ sở tôn giáo hàng triệu đô sao? Các nữ tu ấy dạy trẻ không phải để kiếm sống mà là để truyền đạo, để giáo dục. Từ xưa đến nay, tôn giáo nào cũng thế, cũng nhận sự quyên góp của những người có thiện tâm và tín tâm. Ngược lại, tôn giáo cũng đền đáp lại sự quyên góp ấy theo cái cách riêng của mình.
Tôi xem trên mạng có người nói một cách mỉa mai rằng từ khi có đoàn người ôm nồi cơm điện khất thực thì chùa chiền không ai đi, không ai cúng. Họ nói như vậy là không hiểu gì về người tu cả. Không bàn họ nói đúng hay sai, chỉ xin thưa rằng, đối với người tu chỉ cần có cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, thuốc thang và một số vật dụng thiết yếu, thế là đủ. Người tu có nhận thêm tiền bạc hay phẩm vật thì cũng không phải nhận cho riêng mình mà là để làm Phật sự, phục vụ cộng đồng. Có nhiều thì làm nhiều, có ít thì làm ít, không có thì không làm, vậy thôi! Đối với người tu, việc tu là chính, còn phụng sự chúng sinh chỉ là tùy duyên.
Và cũng trên tinh thần như thế, vậy những người tu có cần kinh doanh mua bán để có tiền làm Phật sự không?
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/nguoi-tu-va-van-de-kinh-doanh-post75651.html