Người tuyệt đối không nên ăn rau muống

Rau muống rất phổ biến ở nước ta, chứa nhiều chất xơ tốt cho tiêu hóa, thanh nhiệt giải độc. Tuy nhiên, rau muống dễ nhiễm ký sinh trùng, thuốc bảo vệ thực vật.

Tôi nghe nói rau muống ăn nhiều sẽ gây đau dạ dày, nhức xương. Tôi đang uống thuốc điều trị bệnh thoái hóa có phải kiêng rau muống không. Tôi nghe người ta chia sẻ uống thuốc kể cả Đông, Tây y đều không nên ăn rau muống. Chuyên gia tư vấn giúp tôi ai không nên ăn loại rau này. Xin cảm ơn! (Nguyễn Hồng Hạnh - Hà Nội)

Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Giảng viên khoa Y học Cổ truyền trường Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn:

Rau muống là loại "rau quốc dân", vì rất phổ biến và được nhiều người yêu thích. Đây là loại thực phẩm tuyệt vời cho những người cần chế độ ăn giảm cân và giảm cholesterol, nồng độ đường trong máu một cách tự nhiên. Rau muống giàu sắt nên hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, giúp phụ nữ mang thai bổ sung chất sắt, bảo vệ gan khỏi các tổn thương do hóa chất gây ra nhờ các enzyme giải độc.

Rau muống là thực phẩm phổ biến ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Shutterstock

Rau muống là thực phẩm phổ biến ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Shutterstock

Rau muống chứa nhiều chất xơ hỗ trợ cho hoạt động tiêu hóa, hạn chế những rắc rối có liên quan đến đường tiêu hóa, có tác dụng nhuận tràng, tốt cho người đang bị khó tiêu hay táo bón.

Theo y học cổ truyền, rau muống có vị ngọt, tính hơi hàn nhưng khi nấu chín sẽ giảm tính hàn. Rau có tác dụng vào các kinh can, tâm, đại trường, tiểu trường, công dụng thanh nhiệt lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, giải các chất độc xâm nhập vào cơ thể.

Người dân thường ăn rau muống luộc chấm kèm các loại nước mắm, tương. Nước của rau muống vắt chanh, thêm sấu hoặc thanh trà giúp bạn giải cơn khát, hỗ trợ trị say nắng, nóng. Ngoài ra, rau muống giã nát vắt lấy nước uống giúp giải độc say sắn.

Khi uống thuốc Đông y hay Tây y, người dân có quan niệm kiêng rau muống do e ngại tương tác, ức chế tác dụng của thuốc. Tuy nhiên, việc nên ăn hay không còn tùy hướng dẫn của thầy thuốc, không phải dùng thuốc nào cũng cần kiêng rau muống. Một số người đang uống thuốc Đông y được khuyến cáo không ăn rau muống sẽ làm giã thuốc, nhất là khi trong thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc) và sẽ làm giảm hiệu quả điều trị.

Theo khuyến cáo của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rau muống dẫn đầu trong nhóm rau ăn lá có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cao. Nếu ăn rau muống sống, các ký sinh trùng sẽ đi vào hệ tiêu hóa, chui qua thành ruột vào máu và tới tất cả bộ phận trong cơ thể. Sau một thời gian, trứng sẽ nở thành giun sán và gây hại sức khỏe. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp bị bệnh hiểm nghèo do nhiễm giun sán qua đường ăn uống.

Việc sử dụng các loại rau chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng có thể khiến người tiêu dùng bị ngộ độc mạn tính, thậm chí ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

Do có tính nhuận tràng, những người có vấn đề về tiêu hóa như táo bón nên dùng nhiều rau muống. Với một số bệnh về đường tiêu hóa làm giảm khả năng xử lý thức ăn như viêm loét đại tràng chỉ nên ăn phần rau non, mềm, không nên ăn phần rau già, cứng, vì hàm lượng chất xơ cao có thể gây đầy bụng, khó tiêu.

Những người không nên ăn rau muống: Người huyết áp thấp, huyết áp cao, nhịp tim chậm, suy nhược nặng, hư hàn. Người có vết thương, mụn nhọt đang trong quá trình lành, rau muống có thể làm sẹo lồi xấu.

Rau muống tốt nhưng bạn nên ăn đa dạng các loại rau. Khi chế biến rau muống cần rửa sạch từng ngọn, ngâm rau vào nước muối loãng trước khi nấu.

Bạn không nên ăn rau muống sống (rau muống chẻ ngọn). Lựa chọn mua rau rõ nguồn gốc, tránh mua phải rau còn tồn dư hóa chất tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật. Lưu ý, khi chọn mua rau, người dân nên tránh những ngọn rau non bất thường, đọt rau quá dài.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/rau-muong-giup-giam-can-nhieu-tac-dung-cho-suc-khoe-nhung-ai-khong-nen-an-2258969.html