Người Ukraine phản ứng gay gắt việc Tổng thống Trump chỉ trích ông Zelensky
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18.2 tuyên bố Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có tỷ lệ ủng hộ thấp và cần tổ chức bầu cử.
“Hôm nay tôi nghe: ‘Ồ, họ không được mời’. Nhưng họ đã ở đó ba năm, đáng lẽ họ phải kết thúc xong việc rồi. Họ lẽ ra không bao giờ để cuộc chiến bắt đầu. Họ hoàn toàn có thể đạt một thỏa thuận”, ông Trump nói tại cuộc họp báo ở dinh thự Mar-a-Lago (Florida, Mỹ).
Đây là lần đầu tiên, một tổng thống Mỹ lên tiếng cho rằng chính Ukraine châm ngòi xung đột. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden - người tiền nhiệm của ông Trump - suốt gần ba năm qua luôn khẳng định Nga là bên khởi chiến và nhấn mạnh quyền tự vệ của Ukraine. Về phía Nga, Moscow xem nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine là một trong những lý do dẫn đến hành động quân sự.

Tổng thống Donald Trump phát biểu tại dinh thự Mar-a-Lago hôm 18.2 - Ảnh: Reuters
Sau khi nói Ukraine “gây ra vấn đề”, ông Trump tuyên bố tình hình hẳn đã rất khác nếu ông còn giữ cương vị tổng thống khi Nga phát động tấn công hồi tháng 2.2022. “Tôi có thể đạt được một thỏa thuận giúp Ukraine giữ trọn lãnh thổ, không ai phải thiệt mạng, không thành phố nào bị phá hủy, cũng chẳng có công trình nào đổ sập. Nhưng họ đã chọn đi con đường khác”, ông nói.
“Tôi nghĩ tôi đủ sức mạnh để chấm dứt cuộc xung đột. Và tôi cho rằng mọi thứ đang tiến triển rất tốt”, ông nói về cuộc gặp tại Ả Rập Saudi giữa các quan chức Mỹ và Nga để bàn về chiến sự Ukraine - mà không hề có sự tham gia của Kyiv.
Theo Washington Post, ông Trump cũng đề xuất rằng Ukraine cần tổ chức bầu cử nhắc lại một quan điểm khác của người đồng cấp Nga Vladimir Putin, đồng thời tuyên bố tỷ lệ ủng hộ ông Zelensky “chỉ còn 4%”. Truyền thông phương Tây cho biết, trên thực tế, dù mức ủng hộ ông Zelensky đã sụt giảm sau ba năm xung đột, con số này vẫn xoay quanh 50%. Hiện chưa rõ ông Trump lấy số liệu “4%” từ nguồn nào.
Ông Zelensky nói gì?
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19.2 đã phản pháo trước lời ám chỉ của của Tổng thống Trump rằng Ukraine phải chịu trách nhiệm cho cuộc chiến, nói rằng tổng thống Mỹ đã bị mắc kẹt trong bong bóng thông tin của Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tổ chức họp báo tại Kyiv, Ukraine, vào ngày 19.2 - Ảnh: Reuters
Ông Zelensky cho biết ông muốn nhóm đàm phán của Mỹ có "nhiều sự thật hơn" về Ukraine. Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết lời khẳng định của ông Trump rằng tỷ lệ chấp thuận của ông chỉ là 4% là thông tin từ Nga và bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay thế ông đều sẽ thất bại.
"Chúng tôi có bằng chứng cho thấy những con số này đang được thảo luận giữa Mỹ và Nga. Nghĩa là, Tổng thống Trump... thật không may lại nắm thông tin sai lệch này", ông Zelensky nói với đài truyền hình Ukraine.
Một khảo sát được công bố hôm 18.2 bởi Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv (KIIS) cho thấy khoảng 57% người Ukraine tin tưởng ông Zelensky, tăng 5 điểm so với đợt khảo sát tháng 12. Ông Anton Grushetskyi, Giám đốc điều hành KIIS, cho biết tổ chức quyết định công bố khảo sát sớm hơn dự tính vì các cuộc gặp ở Ả Rập Saudi đang diễn ra.
“Quyết định công bố cuộc thăm dò được đưa ra trước khi xuất hiện tuyên bố về con số 4%, nhưng sau khi có thông tin về đòi hỏi phải tổ chức bầu cử. Chúng tôi muốn chứng minh rằng tổng thống vẫn giữ được lòng tin cao và có tính chính danh”, ông Grushetskyi nói.
Người Ukraine đồng lòng phản bác
Trong khi đó, người Ukraine thuộc nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ Tổng thống Volodymyr Zelensky vào ngày 19.2, bác bỏ phát ngôn của Tổng thống Donald Trump rằng ông Zelensky đang thất bại, không được lòng dân, thiếu tính chính danh và là nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột năm 2022.
“Chúng ta có thể thích Zelensky hay không thích ông ấy. Có thể chỉ trích hay ca ngợi. Nhưng ông ấy là tổng thống của chúng ta. Chẳng có ai dù ở bất cứ đâu, có quyền xúc phạm ông ấy”, Borys Filatov, Thị trưởng thành phố Dnipro ở miền trung-đông Ukraine - người vẫn thường hay chỉ trích ông Zelensky - viết trên Facebook.
Yaroslav Zhelezniak, nghị sĩ thuộc đảng đối lập Holos, viết trên Telegram rằng người Ukraine có thể bất đồng quan điểm với ông Zelensky, “nhưng chỉ người dân Ukraine mới có quyền đánh giá mức ủng hộ dành cho ông ấy”.
Blogger nổi tiếng Anton Hodza viết trên Facebook rằng đây chính là thời khắc để người dân thống nhất ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm. “Với Nga, kết quả bầu cử thế nào cũng không quan trọng bằng sự hỗn loạn ở Ukraine. Họ chắc chắn sẽ tận dụng tình trạng hỗn loạn đó”, ông nói.
“Năm 2022, Nga đã gắn kết chúng ta khi phát động cuộc chiến. Đến năm 2025, để xem Mỹ có gắn kết chúng ta hay không - để cuối cùng ai cũng hiểu rằng: chúng ta chẳng quan trọng với ai cả. Và chính chúng ta phải tự lo cho sự tồn tại của mình”, Anastasiia Blushchyk, nhân viên báo chí của lữ đoàn 47 ở Ukraine, bình luận trên mạng xã hội.
Nhà hoạt động tình nguyện quân sự Maria Berlinska viết với giọng giận dữ rằng Ukraine không nên tổ chức bầu cử chừng nào binh lính Nga chưa rút hoàn toàn, trả tù binh và bồi thường chiến phí, còn các đối tác chưa cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến nước này.
“Họ không khuất phục được chúng ta từ bên ngoài, nên giờ sẽ tìm cách gây bất ổn từ bên trong - bằng bầu cử. Và giờ họ đòi nói cho chúng ta biết khi nào bỏ phiếu ư?”, bà Berlinska nói.
Ông Oleksandr Zinchenko, đạo diễn phim tài liệu kiêm nhà bình luận thường xuyên chỉ trích ông Zelensky, lại viết trên Facebook: “Sau mấy lời ‘tuôn trào’ của Tổng thống Trump, đến ngày mai tỷ lệ ủng hộ ông Zelensky có khi quay lại trên 90% - y hệt hồi 24.2, ba năm trước”.
Điểm đồng thuận hiếm hoi - kể cả từ một số nhân vật vốn trước đây chỉ trích ông Zelensky - xuất hiện trong bối cảnh Keith Kellogg, đặc phái viên của ông Trump về Ukraine và Nga, đến thăm Kyiv. Sự ủng hộ này có thể coi như “phao cứu sinh” về mặt chính trị cho ông Zelensky ở Kyiv, trong thời điểm đất nước đầy bất ổn. Vài ngày trước, chính nhà lãnh đạo Ukraine vừa vấp phải làn sóng chỉ trích vì áp lệnh trừng phạt lên cựu Tổng thống Petro Poroshenko, người được xem như đối thủ chính trị.
Đặc phái viên Mỹ về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg đã dùng ngôn từ nhẹ nhàng hơn khi trao đổi với báo giới tại ga tàu trung tâm Kyiv hôm 18.2. “Chúng tôi hiểu rằng cần có sự bảo đảm an ninh cho Ukraine. Phần việc của tôi là đến và lắng nghe. Để xem các vị quan tâm điều gì, rồi chúng tôi về Mỹ báo cáo với Tổng thống Trump, với Ngoại trưởng Rubio và những người liên quan, đảm bảo chúng tôi giải quyết đúng cách”, ông Kellogg nói.