Người vén màn bí mật 'nỏ thần' An Dương Vương

'Nỏ thần' An Dương Vương bắn một phát giết chết vạn người tưởng chừng như chỉ có trong truyền thuyết đã được kỹ sư Vũ Đình Thanh giải mã.

Giao Châu ngoại vực ký ghi "nỏ thần, bắn một phát giết chết 300 người" hoặc Thái Bình hoàn vũ ký ghi: "nỏ thần bắn một phát giết chết vạn người, bắn ra ba phát giết đến ba vạn". Đó là sử sách Trung Hoa, còn ai là người Việt Nam đều biết rõ từ truyền thuyết "nỏ thần" của Vua An Dương Vương. Tình tiết tưởng chừng như chỉ có trong truyền thuyết ấy nhưng kỹ sư Vũ Đình Thanh - người được cấp bằng sáng chế “nỏ thần” (loại nỏ bắn cùng lúc nhiều mũi tên đồng Cổ Loa) lại cho đó là sự thật lịch sử.

Khoảng 2300 năm trước, người Việt đã từng sở hữu “siêu vũ khí” một lần bắn giết vạn tên giặc. Theo kỹ sư Thanh anh đã chứng minh bằng thực tế nhưng nhiều người chưa hiểu. Trước thắc mắc của phóng viên, phải chăng ông cha ta đã phóng đại nỏ thần khi cho rằng một lần bắn chết vạn quân địch, kỹ sư Thanh đã thực hiện thêm một lần bắn nỏ thần nữa.

Lần này anh không bắn vào bia mà bắn vổng lên trời thật cao và sau đó chỉ cho phóng viên xem kết quả sau khi bắn. Theo đó, những mũi tên xuyên sâu vào lòng đất hoặc mũi tên nào rơi vào đá thì bị cong lại. “Đây là bằng chứng cho thấy cái nỏ rất nhỏ của anh có thể bắn đồng loạt 11 mũi tên xuyên giáp, một lúc giết chết cả chục tên giặc ở khoảng cách 120m”, kỹ sư Thanh chia sẻ.

Theo kỹ sư Thanh, nguyên lý của việc này hoàn toàn có thể hiểu được qua “công thức tính vận tốc của vật khi chạm đất " hay "cách giải bài toán ném vật theo phương ngang”. Chúng ta đã chứng kiến nỏ thần bắn được xa 120m rồi nhưng đó là khi nỏ bắn ở độ cao bằng 0. Nếu chúng ta bắn ở độ cao 300 m chẳng hạn thì nhờ sức hút của trái đất mà vận tốc lúc tiếp đất có thể đạt 100 m/s hoặc hơn. Với vận tốc này, mũi tên đồng Cổ Loa đủ sức xuyên tất cả các loại giáp thời đó, đủ sức xuyên táo một lúc vài tên giặc đúng như truyền thuyết đã kể.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vận hành mô hình nỏ thần, bên lề Hội thảo "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại".

Kỹ sư Thanh giải thích, với nguyên lý nỏ thần, Vua An Dương Vương có thể làm cái nỏ to gấp 10 lần hoặc 20 lần cái nỏ mà kỹ sư Thanh hiện có, bắn 300 hoặc 500 mũi tên đồng Cổ Loa cùng lúc và đặt trên thành Cổ Loa xây rất cao hoặc đặt trên núi Vũ Ninh. Một phát bắn giết chết một vạn quân, theo kỹ sư Thanh là hoàn toàn có thể.

Sử sách Trung Hoa ghi một phát bắn giết vạn người là đúng vì quân giặc ở khoảng cách 500m thì thấy hàng loạt tên bay đến, quân ta bắn liên tiếp một cơ số tên độ 10.000 mũi tên tức là độ 20 lần bắn nhưng quân giặc từ xa thì chỉ thấy mũi tên bay liên tiếp chứ không biết đó là các loạt tên của 20 lần bắn.

Sau loạt 10.000 mũi tên sẽ thấy khoảng nghỉ lớn hơn để tiếp cơ số “đạn” thứ hai nên giặc nghĩ một phát bắn giết vạn người là hoàn toàn có cơ sở. Ba phát bắn giết ba vạn quân cũng vậy. Quân giặc thời đó biết đâu được đến lực hút của trái đất, chỉ thấy mũi tên lao xuống cực mạnh mà thôi. Kể cả ngày nay, rất nhiều người cười cợt không tin vào “nỏ thần” khi xem video và thông tin về nỏ thần trên báo chí.

Bắn loạt tên từ núi cao, mũi tên đồng Cổ Loa bay xuống sẽ có chuyển động nhanh dần đều, khi tiếp đất sẽ có vận tốc lớn, xuyên mọi loại giáp sắt, xuyên táo cả loạt quân giặc

Bắn loạt tên từ núi cao, mũi tên đồng Cổ Loa bay xuống sẽ có chuyển động nhanh dần đều, khi tiếp đất sẽ có vận tốc lớn, xuyên mọi loại giáp sắt, xuyên táo cả loạt quân giặc

Nếu các bạn muốn kiểm tra uy lực của nỏ thần thì hãy tìm một mũi tên Cổ Loa và thả từ độ cao tầng 35 xuống thì thấy ngay là mũi tên Cổ Loa xuyên qua tấm gỗ dày 20 cm. Bằng thí nghiệm này các bạn cũng tự tìm hiểu vì sao mũi tên Cổ Loa phải làm hoàn toàn bằng đồng. Nếu thả lông chim hoặc tre, gỗ nhẹ thường dùng làm tên từ tầng 35 xuống, các vật liệu này bị sức cản không khí và bay như “lá vàng rơi” chẳng gây nguy hiểm gì.

Kỹ sư Thanh còn khẳng định, bài bắn “chỉ núi núi tan, chỉ ngàn ngàn cháy” trong truyền thuyết xưa là có thể vì 500 mũi tên với vận tốc khi tiếp đất 500 m/s đủ sức làm tan một mỏm núi nhỏ. Với động năng lớn chuyển thành nhiệt năng thì 500 mũi tên đó chắc chắn làm cháy rừng. Kỹ sư Thanh sẽ thực hiện bài bắn “chỉ núi núi tan, chỉ ngàn ngàn cháy” trong các lần bắn sau, tất nhiên là phải bắn từ độ cao lớn như thành Cổ Loa xưa.

Theo hàng loạt cuốn sử sách Trung Hoa thì thành Cổ Loa hình con ốc cao như núi Côn Lôn bên Trung Quốc nên đời Đường gọi là Côn Lôn thành (ý nói thành đó rất cao). Kỹ sư Thanh lý giải là các dữ liệu lịch sử này hoàn toàn phù hợp với đặc tính kỹ thuật của "nỏ thần".

Cổ Loa xưa kia là một tòa thành cao, rộng hình xoắn ốc

Cổ Loa xưa kia là một tòa thành cao, rộng hình xoắn ốc

“Nỏ thần” cần bắn ở trên cao thì mới uy lực như trên đã giải thích, thành phải xây hình con ốc để có một đường xuyên tất cả 9 vòng từ dưới lên cho việc cơ động “nỏ thần” từ dưới lên trên và ở vòng trên cùng “nỏ thần” xoay được tất cả các hướng, bất cứ hướng nào có sự xuất hiện của quân thù.

Kỹ sư Thanh khẳng định, thành Cổ Loa hiện tại không phải là thành của Vua An Dương Vương, không phải là hình con ốc, không cao, nỏ thần có triển khai cũng không phát huy được uy lực khi bắn từ độ cao thấp. Chúng ta đã chứng kiến nỏ thần nhưng chúng ta chưa nhìn thấy thành Cổ Loa, tòa thành hình con ốc cao như núi Côn Lôn mà ca dao ngàn đời còn ghi lại:

“Cổ Loa là đất đế kinh/Trông ra lại thấy tòa thành tiên xây”, hay “Ai về qua huyện Đông Anh/Ghé xem phong cảnh Loa thành Thục Vương/Cổ Loa thành ốc khác thường/Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây”

“Nỏ thần” nếu bắn từ Loa thành hình con ốc cao như núi Côn Lôn như sử sách Trung Hoa ghi lại hay là từ tòa thành tiên xây như ca dao ngàn đời nay thì nhờ lực hút của trái đất, các mũi tên đồng sẽ hủy diệt dễ dàng toàn bộ quân thù, xuyên tất cả các giáp khoảng cách 1.000m.

Hà Anh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nguoi-ven-man-bi-mat-no-than-an-duong-vuong-post104633.html