Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã chuyển sang một giai đoạn mới “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”. Đã có nhiều thương hiệu Việt “cất cánh”, giành được niềm tin của người tiêu dùng, trở thành sự lựa chọn hàng đầu và cũng là niềm tự hào của người Việt. Qua đó, góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người dân, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Dạo một vòng quanh các cửa hàng bán lẻ, siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Giang, có thể dễ dàng nhận thấy các mặt hàng sản xuất trong nước được bày bán đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã. Theo quản lý siêu thị WinMart tại tổ 16, phường Minh Khai (TPHG), cửa hàng đã ưu tiên nhập các sản phẩm hàng Việt, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, rau, củ, quả. Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm khô, bơ sữa, bánh kẹo, đồ uống, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng cũng chủ yếu được sản xuất trong nước. Tỷ trọng các mặt hàng có nguồn gốc nội địa chiếm đến 85% cơ cấu hàng hóa, nhằm cung cấp cho khách hàng những sản phẩm Việt phù hợp nhất với chất lượng tốt nhất.
Chị Hoàng Minh Loan, tổ 6, phường Minh Khai (TPHG) cho biết: Tôi thấy hàng Việt Nam có nhiều ưu điểm như nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đa dạng về mẫu mã, chủng loại, chất lượng tốt, giá thành hợp lý nên những năm gần đây tôi thường xuyên mua sắm, tiêu dùng các mặt hàng sản xuất trong nước, từ các loại lương thực, thực phẩm, quần áo, đến đồ điện tử, điện lạnh như quạt điện, nồi cơm điện, tủ lạnh, bình nước nóng... Bên cạnh đó, tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng Việt, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo nên nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng của người Việt.
Là một trong số ít hợp tác xã (HTX) của tỉnh gây dựng thành công thương hiệu từ cây chè Shan tuyết cổ thụ địa phương, Fìn Hò trà của HTX Chế biến chè Phìn Hồ (Hoàng Su Phì) giờ đây đã vươn ra các thị trường trong nước và quốc tế, trở thành niềm tự hào của những người yêu chè cổ thụ Hà Giang. Hiện nay, HTX có 5 dòng chè đó là: Trà xanh, Hồng trà, Trà đen, Bạch trà, Trà Tiên. Mỗi loại sản phẩm đều có hương và vị khác nhau, với giá bán từ 300 nghìn đồng đến 12 triệu đồng/kg. Với chất lượng thơm, ngon, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm chè của HTX đã chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng. Để tiếp cận với khách hàng tại các tỉnh, thành, HTX đã xây dựng 6 nhà phân phối với trên 200 điểm bán hàng trong cả nước; đặc biệt liên kết đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị Winmart và chuỗi cửa hàng Sài Gòn Co.opmart. Ngoài ra, các sản phẩm của HTX đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Nga, Đức… nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng. Giám đốc HTX, Lý Mùi Mương cho biết: Thời gian tới, HTX tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, đảm bảo phát triển bền vững thương hiệu Fìn Hò trà. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hái, sơ chế chè cho nông dân, đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ để giữ vững chất lượng sản phẩm, xứng đáng với niềm tin của người tiêu dùng, góp phần khẳng định vị trí của thương hiệu Việt.
Những năm qua, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Công tác tuyên truyền về nội dung, mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động được triển khai sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức. Qua đó, làm thay đổi nhận thức, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân. Hiện nay, đa số người dân đã tự xác định tâm thế khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nhiều sản phẩm sản xuất trong nước ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, mua sắm nhiều hơn, đặc biệt là các sản phẩm dệt may, nông sản, rau quả, thực phẩm; sản phẩm da, giày dép; đồ gia dụng...
Cùng với các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong cả nước; các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã đồng hành cùng Cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực như: Chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường thông tin, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng; phát triển hệ thống mạng lưới đại lý bán buôn, bán lẻ tới tận các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Thường xuyên thực hiện các chương trình khuyến mãi; coi trọng chế độ bảo hành sản phẩm và cam kết với người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm... Qua đó, giúp hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin và tình cảm của người tiêu dùng.