Người viết trẻ với văn học Tây Nguyên

Vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Gia Lai và hội VHNT tỉnh Kon Tum đã tổ chức buổi tọa đàm 'Văn học trẻ - Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên - những điều cần suy ngẫm' tại thành phố Plei Ku.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà văn Cao Duy Sơn, Phó Chủ tịch Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam đã nhấn mạnh, Tây Nguyên là một vùng đất có nhiều nền văn hóa đặc trưng nhưng ngoại trừ những tác phẩm viết về kháng chiến, viết về cách mạng khiến độc giả cả nước phải chú ý, thì hiện nay thiếu vắng hẳn các tác phẩm đồ sộ. Tây Nguyên đang đổi mới, phát triển từng ngày, vậy nên cần có những tác phẩm phản ánh đời sống mới trong chính cộng đồng người dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, đội ngũ người viết cần phải thay đổi góc nhìn và văn học ở Tây Nguyên không chỉ dành cho người dân tộc thiểu số viết, mà dành cho tất cả những người viết chung trên cả nước có thể sống hoặc không sống ở vùng đất Tây Nguyên, nhưng có tình cảm với mảnh đất, với con người nơi đây.

Buổi tọa đàm "Văn học trẻ - Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên - những điều cần suy ngẫm".

Buổi tọa đàm "Văn học trẻ - Văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên - những điều cần suy ngẫm".

Buổi tọa đàm đã lắng nghe các trao đổi của người viết trẻ để nắm bắt những khó khăn trong việc tiếp cận đề tài sáng tác về người dân tộc thiểu số để có những giải pháp.

Tổng kết buổi tọa đàm, các khó khăn vướng mắc của những người viết trẻ đã được các nhà văn đi trước ghi nhận và nêu ra một số giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu vốn sống như: thêm các buổi trao đổi, nói chuyện về phong tục, tập quán, thói quen của người dân tộc thiểu số thông qua các nghiên cứu của các hội viên chuyên ngành nghiên cứu văn học dân gian, mở các lớp bồi dưỡng văn học trẻ và để những người viết trẻ biết thêm về văn học dân tộc thiểu số cũng là một cách làm hay để xây dựng nên một đội ngũ người viết trẻ có tình yêu với mảnh đất mà mình sinh sống.

Kim Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/nguoi-viet-tre-voi-van-hoc-tay-nguyen-i702479/