Người vợ 50 năm thờ chồng và bức thư gửi về từ chiến trận: 'Nếu anh không về, em đừng buồn…'

Ngày 30/4/1975, khi tiếng loa phát thanh vang vọng báo tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả đất nước vỡ òa trong niềm vui thống nhất. Bà Đặng Thị Xuân cũng bật khóc trong hạnh phúc, tưởng rằng chồng mình sẽ sớm trở về. Nhưng bà không biết, người chồng ấy đã mãi nằm lại nơi chiến trường, ở tuổi 22.

Nơi hậu phương không tiếng súng

Giữa ánh nắng vàng nhẹ cuối tháng tư, con đường nhỏ ngoằn ngoèo dẫn về ngôi nhà cấp 4 của bà Đặng Thị Xuân (72 tuổi, thôn Bắc Sơn, xã Phù Lưu, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) – vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Đỉu (SN 1953). Ngày 18/4 năm nay, tròn 50 năm chồng bà hy sinh, cũng là 50 năm ngày đất nước thống nhất. Trước sân, bà cắm lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Trong nhà, mâm cơm cùng nén hương được dâng lên bàn thờ chồng như một lời nhắn gửi muộn màng.

“Tôi và chồng cùng tuổi, học chung từ thời cấp hai. Mến anh vì hiền lành, thương anh vì gia cảnh khó khăn. Anh hy sinh ở tuổi 22, còn tôi giờ đã bước sang tuổi 72”, bà Xuân lặng lẽ kể. Tháng 6 năm 1973, khi tiếng súng vẫn còn vọng từ những cánh rừng phía Nam, khi đất nước vẫn còn chia cắt bởi chiến tranh, một đám cưới nhỏ ấm cúng đã diễn ra tại làng quê Phù Lưu (huyện Thạch Hà).

Bà Đặng Thị Xuân vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Đỉu.

Bà Đặng Thị Xuân vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Đỉu.

Dưới mái nhà đơn sơ, trước sự chứng kiến của họ hàng và bà con làng xóm, đôi bạn trẻ anh Nguyễn Văn Đỉu và chị Nguyễn Thị Xuân chính thức nên duyên vợ chồng. Cả hai khi ấy vừa tròn tuổi 20. Họ đến với nhau không chỉ bởi tình yêu tuổi trẻ, mà còn là sự đồng cảm sâu sắc giữa hai con người từng lớn lên giữa thời cuộc biến động.

Ngày đó anh Đỉu là chàng thanh niên khỏe mạnh, vừa trở về quê hương sau những tháng ngày phục vụ nơi tiền tuyến ở miền Tây Quảng Trị. Còn chị Xuân, cô gái thôn bên hiền lành nết na, chịu thương chịu khó. Tháng 12/1974, đôi vợ chồng trẻ vỡ òa trong hạnh phúc khi cô con gái chào đời khỏe mạnh. Họ đặt tên con là Nguyễn Thị Thoan. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn vẹn thì anh Đỉu nhận lệnh vào miền Nam chiến đấu.

Ngày anh rời quê, bầu trời Hà Tĩnh chuyển mưa lạnh, gia đình nhỏ bịn rịn mãi không rời. Chàng lính trẻ cũng ôm người vợ và cô con gái vừa tròn 20 ngày tuổi vào lòng rồi động viên “Em cố gắng nuôi con, anh sẽ chiến đấu và sớm trở về đoàn tụ”. Chồng bước lên xe vào miền Nam, bà Xuân không dám khóc, chỉ lặng lẽ gật đầu nhìn bóng người lính khuất dần.

Nơi chiến trường, người lính Đỉu cùng đồng đội chiến đấu giữa mưa bom bão đạn. Còn nơi hậu phương, bà Xuân một mình gồng gánh nuôi con nhỏ, chăm sóc cha mẹ chồng già yếu. Bà Xuân chia sẻ, những ngày chồng ở chiến trường, bà đã biên nhiều bức thư gửi vào đơn vị. Mỗi lá thư gửi đi, bên trong chứa đựng nhiều tình cảm, tình yêu đặc biệt. Đó là những nỗi nhớ, những lo lắng, những câu hỏi ân cần về tình hình chiến đấu ở chiến trường.

“Nếu anh không về, em đừng buồn…”

Những bức thư tay vượt bom đạn lần lượt được chuyển đi từ hậu phương vào tiền tuyến và ngược lại. Người vợ lính chia sẻ, anh tham gia chiến trường nhưng không được về thăm, suốt thời gian đó, anh Đỉu gửi về 5 bức thư. Và bức thư cuối cùng được anh viết vào tháng 3/1975 trở thành lời trăn trối. Ánh mắt rưng rưng, bà Xuân chậm rãi thuộc lòng bức thư người chồng liệt sĩ gửi về từ chiến trận. Trong bức thư gửi về cho vợ, anh Đỉu viết:

“Anh vừa tham gia đánh trận Phước Long, đã giải phóng rồi em ạ.

Anh cũng báo cho em biết là anh vào đây thuộc đơn vị bộ binh, cho nên việc sống chết thế nào không biết được. Nếu như anh mà hy sinh, em nuôi con, không được để con lại cho ai cả. Bố mẹ ta già rồi, không thể nuôi được, nếu đi đâu thì phải đưa con đi nuôi. Bởi con chúng ta không có tội tình gì mà mất cha, rồi lại mất mẹ. Nếu khi đất nước giải phóng, anh không về, xin em đừng buồn. Em phải động viên lương tâm để nuôi con và chăm sóc bố mẹ thay anh…”.

Mỗi dịp tháng 4, bà Đặng Thị Xuân lại cầm chép lại bức thư tay của chồng gửi về từ chiến trường.

Mỗi dịp tháng 4, bà Đặng Thị Xuân lại cầm chép lại bức thư tay của chồng gửi về từ chiến trường.

50 năm qua, người vợ lính ấy vẫn giữ lời hẹn ước, thờ chồng, chăm con. Mỗi dịp tháng 4 đến, bà Xuân lại cẩn thận chép lại những lời dặn của chồng vào trang giấy trắng như một cách giữ chồng bên cạnh. Nhớ lại ngày 30/4/1975, bà Xuân kể, hôm đó loa đài phát liên tục những thông tin về chiến thắng của bộ đội ta, miền Nam được giải phóng. Người người vui mừng, bà cũng vỡ òa trong hạnh phúc, tưởng rằng chồng mình sẽ sớm trở về. Song vài tháng trôi qua, không có tin tức gì từ người chồng, nhiều lá thư bà Xuân gửi vào chiến trận không được hồi âm.

Lo lắng, bà Xuân cùng mẹ chồng lên xã hỏi tin, song cũng không có thông tin gì. Lòng bà Xuân như lửa đốt, vội viết bức thư gửi người đồng đội cùng quê, cùng vào chiến trường với chồng. Song giữa năm 1976, lá thư mới được hồi âm. Vội vã chạy ra ngõ khi có thư tay, bà Xuân hy vọng đây là hồi âm của chồng. Nhưng không, đó là những dòng chữ đỏ như máu được đồng đội viết “Từ ngày giải phóng anh không còn gặp Đỉu nữa…”.

Xem những dòng chữ trong thư, nước mắt người vợ lính giải phóng tuôn trào. Bà ôm lấy người mẹ già, đứa con thơ nấc nghẹn.

Huân chương kháng chiến của liệt sĩ Đỉu.

Huân chương kháng chiến của liệt sĩ Đỉu.

Năm 1978, gia đình nhận lá thư báo tử. Bên trong ghi rõ liệt sĩ Nguyễn Văn Đỉu hy sinh tại Long Khánh vào ngày 18/4/1975. Kể từ ngày nhận giấy báo tử, bà Xuân mới thôi hy vọng vào sự trở về như lời hứa của chồng. Những năm sau này, người vợ ấy tiếp tục lặng lẽ thực hiện lời dặn của chồng ở tấm thư cuối “Nuôi con, chăm bố mẹ thay anh”.

Đưa đôi bàn tay nhăn nheo, bà Xuân nhẹ nhàng vuốt ve tấm bằng Tổ quốc ghi công rồi nói: “Vợ người lính thời chiến nào đâu có sự chọn lựa. Nơi hậu phương chỉ biết sống trong cảnh mòn mỏi chờ, đợi. Đến giờ vẫn khắc khoải nỗi nhớ thương”. Theo gia đình, hiện anh Đỉu đang được yên nghỉ tại Nghĩa trang Long Khánh cùng những đồng đội hy sinh tại chiến trường.

Mỗi dịp tháng 4 đến, bà Xuân lại được con cháu đưa nhau vào thắp hương, dâng hoa cho chồng. Vẫn giữ lời dặn dò của chồng, bà đã nuôi cô con gái Nguyễn Thị Thoan năm nào trở thành nữ giáo viên mầm non, hiện đã có gia đình riêng, còn bố mẹ chồng đã mất.

Hậu phương, nơi không có tiếng súng, nhưng ở đó cũng khắc nghiệt không kém. Bà Xuân cũng như hàng vạn người vợ lính trên khắp đất nước đã âm thầm gánh vác cả một gia đình chỉ bằng niềm tin và tình yêu thương. Không tượng đài, không huy chương, nhưng chính những người vợ lính là điểm tựa vững vàng cho tiền tuyến, tiếp thêm động lực sức mạnh để người lính an tâm ra trận.

Theo lãnh đạo xã Phù Lưu, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), địa phương có 112 người con ưu tú đã ngã xuống trong cuộc chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong đó, có liệt sĩ Nguyễn Văn Đỉu chồng bà Đặng Thị Xuân đã hy sinh trong chiến trường miền Nam. Đến nay sau trong hàng chục năm, vợ liệt sĩ đã giữ mãi lòng chung thủy, thờ chồng, nuôi con đến nay.

Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể địa phương luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đến thăm, tặng quà nhằm ghi nhớ những công lao của gia đình chính sách.

Hoài Nam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-vo-50-nam-tho-chong-va-buc-thu-gui-ve-tu-chien-tran-neu-anh-khong-ve-em-dung-buon-post1738344.tpo