Hạnh phúc của mẹ
Mẹ tôi đã sống thờ bố tôi, nuôi tôi và giờ bà cũng muốn có một khoảng trời hạnh phúc của riêng mình.

Khi cha tôi lên đường ra trận, mẹ mới hai mươi bốn tuổi, còn cha vừa tròn hai mươi sáu. Ông nhập ngũ từ năm Mậu Thân, từng viết cho mẹ những lá thư nhòe mực, nét chữ nghiêng nghiêng kể về những cánh rừng miền Đông lặng gió, nỗi nhớ nhà cháy bỏng trong từng đêm hành quân và niềm tin sắt đá rằng một ngày đất nước sẽ thống nhất.
Tôi chưa từng thấy cha.
Ông hy sinh vào mùa khô cuối cùng trước ngày đất nước hòa bình. Hôm đó, khi đồng đội của ông báo tin, mẹ đang giặt áo cho một đứa bé chưa tròn 3 tuổi là tôi. Người đưa tin đứng lặng rất lâu dưới mái hiên, trong tay cầm chiếc ba lô cũ sờn và tấm giấy báo tử. Mẹ không khóc. Bà chỉ cúi đầu rất lâu, rồi bế tôi vào nhà, đóng cửa lại. Từ hôm ấy, bà sống như người gác cổng cho một nỗi chờ đợi đã không còn tên gọi.
Người trong làng bảo mẹ đẹp nết, thảo hiền, đảm đang. Có người thương, người ngỏ lời, người chờ bà đến mười năm. Nhưng mẹ chỉ lắc đầu. “Tôi còn chồng, mất chồng đâu mà tái giá?”. Câu nói kiên định của mẹ như một vách đá dựng đứng giữa đời, không ai trèo qua được.
Từ ngày nghe tin chồng hy sinh, mẹ gầy đi, khắc khổ hơn, nhưng vẫn tảo tần nuôi tôi ăn học. Bà học làm ruộng, học buôn bán, học tất cả những gì có thể để nuôi con mà không cần ai hỗ trợ.
Tôi lớn lên bằng giọng ru của bà, làn khói bếp buổi chiều và tiếng mưa rơi rỉ rả trên mái rạ cũ kỹ. Có những ngày mẹ ốm, nhưng vẫn cố không để tôi biết. Có những mùa đông lạnh thấu xương, bà gấp đôi áo cho tôi, còn mình mặc chiếc áo bông cũ vá vai.
Trong trí nhớ của tôi, mẹ là một người đàn bà không biết mệt, không biết buồn và không bao giờ cho phép mình yếu đuối. Mẹ tôi không than vãn, không đòi hỏi, không bao giờ kể công. Suốt tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi, bà là cả một thế giới yên bình, ấm áp.
Ngày tôi đỗ đại học, mẹ ngồi lặng đi rất lâu. Bà lấy trong rương ra bức thư cũ của cha. Lá thư viết dở dang, dòng cuối cùng vẫn còn vết loang nước. “Gắng nuôi con khôn lớn, chờ ngày đất nước thống nhất chúng ta đoàn viên...”. Bà đọc lại, mắt ngân ngấn. Nhưng rồi bà gấp lại, xếp thư vào khăn tay, cất đi. Hôm sau, bà lại ra đồng cấy lúa như chưa từng khóc.
Tôi tốt nghiệp, đi làm, rồi lập gia đình, ra ở riêng. Mỗi tuần tôi vẫn về ăn cơm với mẹ một lần. Mẹ vẫn vậy, vẫn một mình đi chợ, nấu ăn, tưới cây, nghe đài buổi sáng và mỗi tối. Tôi cứ nghĩ mẹ quen rồi. Một người đã sống đơn độc suốt bốn mươi năm, thì có gì là cô đơn nữa đâu?
Cho đến một buổi chiều tháng tư năm ấy, mẹ nói với tôi một câu mà tôi khá bát ngờ: “Mẹ định đi bước nữa”.
Tôi ngỡ mình nghe nhầm. Nhìn mẹ ngồi đó, dáng người đã lom khom, tóc bạc như mây, bàn tay gầy gò gấp mép khăn, tôi không hiểu được điều bà vừa nói. Mẹ tôi - vợ liệt sĩ, người phụ nữ cả đời thờ chồng nuôi con giờ lại muốn... lấy chồng?
Mẹ nói nhẹ nhàng, giọng vẫn nhỏ như mỗi lần bà gọi tôi dậy đi học: “Ông ấy là cựu chiến binh ở xã bên. Mẹ quen ông ấy đã lâu, cùng sinh hoạt trong hội. Giờ ông ấy cũng một mình. Mẹ thấy, tuổi này... có người chuyện trò, đi bộ buổi chiều, có bát cháo nóng khi trái gió trở trời... cũng vui”.
Tôi sững người. Bao nhiêu thứ ào lên trong lòng. Cha tôi, tấm bằng Tổ quốc ghi công, những dòng chữ của ông, những năm tháng mẹ ở vậy nuôi tôi… Tất cả như bị xáo tung chỉ vì một ý nghĩ về sự vô lý của mẹ.
Tôi không nói gì, đứng bật dậy bỏ ra hiên. Chiều hôm ấy trời đầu hè oi nồng nhưng tôi thấy lòng mình lạnh buốt.
Chồng tôi là người đầu tiên hiểu ra điều mẹ đang nghĩ. Anh ngồi bên tôi tối hôm đó, dịu dàng nói: “Mẹ đã sống vì cha, vì em, vì gia đình này gần nửa thế kỷ. Giờ mẹ chỉ muốn có một người để cùng sống nốt những năm tháng cuối đời".
Tôi hỏi lại: “Thế còn cha em?".
Chồng tôi ngẩng lên, ánh mắt ấm mà kiên định: “Anh tin chắc chắn cha không muốn mẹ sống lặng lẽ mãi như thế. Cha hy sinh vì đất nước, để người ở lại được sống chứ không phải để sống trong bóng tối của sự cô đơn”.
Lời chồng khiến tôi lặng đi. Tôi nghĩ tới mẹ, nghĩ tới đôi mắt đã không còn trong như xưa. Có lẽ cả đời này bà chưa từng có một phút sống cho chính mình. Kể cả bây giờ, khi bà dám nói ra điều ấy, vẫn là ánh mắt dè dặt, giọng nói nhẹ như sợ làm tôi tổn thương.
Tôi đã đến gặp người đàn ông đó. Ông trạc tuổi mẹ, dáng người khỏe khoắn, từng là tiểu đội trưởng thời chiến. Ông kể chuyện cha tôi như thể đã biết từ lâu. Ông nói rằng từng cùng đơn vị chuyển qua vùng cha tôi đóng quân. Ông không nói nhiều, chỉ nói một câu: “Tôi không đến để thay ai. Tôi chỉ đến để bầu bạn, nếu bà ấy cần”.
Tôi về, không nói gì. Mẹ cũng không hỏi. Vài tuần sau, tôi chủ động rủ mẹ đi chợ. Mẹ vẫn chọn cá, chọn rau, vẫn hỏi tôi thích ăn món gì. Nhưng tôi nhìn thấy trong mắt mẹ có một chút khác - một ánh sáng nhỏ nhoi nhưng rất thật, như thể ai đó vừa mở hé một cánh cửa lâu ngày bị đóng kín.
Giờ thì mỗi chiều, mẹ đi bộ với ông. Rồi hai người ngồi bên hiên nhà, pha trà, trò chuyện. Họ không sống chung, không cưới hỏi, chỉ là bạn già cùng chia sẻ mảnh trời tuổi xế chiều.
Tôi và chồng vẫn ghé qua mỗi tuần, thấy mẹ cười, nụ cười nhẹ như sương sớm nhưng đủ ấm lòng con cháu.
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hanh-phuc-cua-me-409261.html