'Người vứt rác nơi công cộng có thể giàu nhưng không bao giờ sang'
Nhiều dân mạng lên án hành động xả rác khi đi du lịch, nhưng một số khác lại cho rằng đây là sự rủi ro mà người làm dịch vụ phải chịu lúc tiếp nhận khách hàng.
"Có lần tôi và chồng đi du lịch ở đảo Jeju (Hàn Quốc), chồng tôi có thuê một phòng kiểu nhà trọ có đầy đủ dụng cụ nấu ăn. Một buổi sáng, sau khi nấu mì ăn thì có rác túi bóng, tôi bảo chồng vứt cạnh bếp gas vì sẽ có người đến dọn chứ sao phải mang ra ngoài chỗ để rác cho phiền.
Chồng tôi lắc đầu bảo: 'Không được làm như vậy, người ta không quy định nhưng mình phải có ý thức'. Sau chuyến đi Hàn Quốc, vợ chồng tôi đều dọn sạch rác sau khi ăn uống, dù ở đâu. Từ đó, tôi cũng không còn mang ý nghĩ 'mình mất tiền cơ mà' khi sử dụng dịch vụ nơi công cộng".
Đó là câu chuyện được tài khoản Ngang để lại ở phần bình luận dưới bài viết của Zing.vn về chủ đề nhiều người xả rác bừa bãi nơi công cộng và cho đó là điều hiển nhiên nếu trả tiền sử dụng dịch vụ.
Theo đó, có ý thức tự dọn dẹp hoặc ít nhất là bỏ rác vào thùng sau khi ăn uống, sử dụng dịch vụ nơi công cộng cũng là ý kiến của phần lớn độc giả.
Ở chiều ngược lại, cũng có người cho rằng một khi đã trả tiền để dùng một dịch vụ nào đó đồng nghĩa với việc số tiền này đã bao gồm phí quét dọn và thu gom rác mình để lại.
"Đã làm dịch vụ thì phải chấp nhận rủi ro"
Độc giả Hoan cho rằng khách hàng không có nhiệm vụ phải dọn dẹp sau khi thuê phòng hay ăn uống tại khách sạn.
"Xả rác có sao đâu? Bởi vì trước sau gì khi không thuê nữa vẫn có người dọn phòng mà. Cái này đã tính trong tiền mình thuê phòng rồi", người này viết.
Red Baron nhận xét người làm dịch vụ phải coi khách hàng là "thượng đế", khi họ có cư xử tệ cũng phải chấp nhận và coi đó là rủi ro khi làm nghề.
"Các villa đều có quy định về phí dọn dẹp phòng cả. Các bạn cứ quăng, phá vô tư, nhưng bạn phải trả tiền để có người thu dọn, xử lý 'bãi chiến trường'", Long Nhi nêu ý kiến.
Theo người này, một khi khách hàng muốn được "chơi tới bến" mà không phải lo đến việc dọn dẹp đồng nghĩa với việc phải họ thương lượng trả một khoản phí cao cho phía cho thuê. Trường hợp người thuê không chịu trả khoản phí đó mới là vấn đề đáng nói.
Đồng quan điểm, Thanh Thế viết: "Làm dịch vụ thì phải chấp nhận chuyện đó, dọn dẹp đã có tính phí rồi. Khi nào người thuê đập phá đồ đạc thì hãy nói".
Ý thức kém thể hiện bản chất con người
Tuy nhiên, nhiều người đồng tình dù bỏ tiền nhiều hay ít, việc người sử dụng dịch vụ nên có ý thức sinh hoạt sạch sẽ và để gọn rác thải vào nơi quy định.
Độc giả Hoàng Thắng nhận định con người không ai hoàn hảo, mỗi người đều có ít nhất một tật xấu nào đó, ví dụ như lười biếng. Tuy nhiên, không thể dùng nó để bao biện cho hành vi xả rác hay gây tổn hại đến tài sản chung. Đó là ý thức kém.
"Thật buồn cười khi bao biện có tiền thì được quyền xả rác, bày bừa phòng như thế. Nếu có tiền sao không ra quán mà ăn nhậu cho sang chảnh, trốn ở phòng nhậu làm gì? Nếu có tiền sao ngay lúc ăn nhậu xong, bày bừa xong không gọi phục vụ phòng lên tip ngay 500.000 đồng cho người ta dọn? Nghe cái câu có tiền muốn làm gì thì làm mà phát bực", Nguyễn Viết Phương gay gắt.
Châu Bảo Duy đề xuất các cơ sở cung cấp dịch vụ nên đề thông báo phạt nặng đối với các khách hàng vi phạm quy định về giữ vệ sinh chung.
"Có tiền thì mua được quy định sao? Thử đem túi rác ra vứt chỗ cấm xem. Phạt vài triệu là sợ liền", người này viết.
Tài khoản Xuong Rong nhận xét những người hành xử kém ở nơi công cộng "có thể giàu, nhưng không bao giờ sang".
Cho rằng việc vứt rác bừa bãi nơi công cộng hay khi thuê phòng không phải việc hoàn toàn sai cũng không hoàn toàn đúng, Phạm Chí Thành nhận định vấn đề này thuộc về ý thức mỗi người và thể hiện bản chất của người đó.
"Đúng là bỏ tiền ra thì không ai bắt buộc làm, nhưng cái việc tự giác gọi là ý thức con người", Triệu Tuấn Lê viết.
Bình luận về vụ nhóm bạn trẻ thuê villa ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) để nghỉ dưỡng sau đó để lại căn phòng ngổn ngang rác thải gây chú ý vừa qua, Hiền Anh (Hà Nội) cho rằng đây là hành vi đáng bị "ném đá" và coi như một ví dụ xấu về ý thức của một bộ phận "thượng đế".
Mỗi khi đi du lịch cùng gia đình hay nhóm bạn, Hiền Anh có sở thích mua đặc sản địa phương về phòng thuê hoặc homestay để ăn. Đối với loại thức ăn nặng mùi, cô sẽ báo và hỏi ý kiến chủ nhà trước.
Nếu cảm thấy làm khó họ, Hiền Anh sẽ đến ăn tại quán hoặc tìm nơi thoáng đãng như sân vườn để thưởng thức.
"Biết là người ta kiếm tiền bằng nghề dịch vụ nhưng nếu mỗi người khách có ý thức một chút thì vừa đỡ gánh nặng cho họ, vừa thể hiện được văn hóa của mình", cô nói.