Người Xơ Đăng ở Kon Tum gìn giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng

Hàng trăm người dân tộc Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) say sưa biểu diễn những bài chiêng, điệu xoang, làn điệu dân ca mang đậm bản sắc dân tộc. Các bài thi tập trung vào tình yêu quê hương đất nước, yêu bản làng; lòng tự hào dân tộc; ca ngợi sự phát triển của đất nước.

Ngày 28/11, UBND huyện Tu Mơ Rông tổ chức khai mạc Hội thi cồng chiêng, xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông lần thứ II năm 2024 tại Quảng trường Trung tâm huyện.

Hội thi nằm trong chuỗi sự kiện do huyện Tu Mơ Rông tổ chức, nhằm hưởng ứng Tuần Văn hóa – Du lịch lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024, đồng thời kỷ niệm 20 năm thành lập huyện.

 Dưới mái nhà rông truyền thống, người Xơ Đăng hào hứng tham dự Hội thi cồng chiêng, xoang

Dưới mái nhà rông truyền thống, người Xơ Đăng hào hứng tham dự Hội thi cồng chiêng, xoang

Theo đó, hội thi cồng chiêng, xoang thu hút 11 đội của 11 xã trên địa bàn huyện tham gia. Mỗi đội có khoảng 25 người, gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Tại hội thi, 11 đội sẽ có 35 phút để trình diễn bài thi. Các đội sẽ tự thuyết minh về nét đẹp truyền thống đồng bào Xơ Đăng; các chính sách tự đào tạo, truyền dạy cồng chiêng và thành quả trong việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng mà địa phương đã làm được trong năm qua.

Ngoài ra, các đội thi sẽ tái hiện trích đoạn nghi lễ, lễ hội truyền thống tiêu biểu mang đậm bản sắc, hơi thở cuộc sống của đồng bào Xơ Đăng; trình diễn các bài cồng chiêng gắn liền với múa xoang; trình diễn các tiết mục dân ca truyền thống; chỉnh âm cồng chiêng.

 Hội thi cồng chiêng, xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông lần thứ II năm 2024 được diễn ra trong 2 ngày (28-29/11)

Hội thi cồng chiêng, xoang của đồng bào dân tộc Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông lần thứ II năm 2024 được diễn ra trong 2 ngày (28-29/11)

Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Trên địa bàn, tỷ lệ người đồng bào Xơ Đăng chiếm 95%. Đây là một kho tàng văn hóa vô cùng độc đáo, quý giá. Trong định hướng phát triển, huyện Tu Mơ Rông xác định, du lịch là một trong các hướng phát triển để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Để phát triển du lịch, bắt buộc phải bảo tồn nền văn hóa đồng bào dân tộc Xơ Đăng.

Theo đó, những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách để bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Xơ Đăng như tặng chiêng cho các làng; dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng miễn phí; đưa cồng chiêng vào trường học; tổ chức các hội thi để giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Từ việc cồng chiêng đối diện nguy cơ thất truyền nay đã có lớp trẻ tài năng kế thừa; các điểm du lịch hút khách đến tham quan, đồng bào Xơ Đăng đã có thêm thu nhập”.

 Các đội biểu diễn tại hội thi

Các đội biểu diễn tại hội thi

Cũng theo ông Mạnh, điểm đặc biệt trong hội thi cồng chiêng, xoang lần 2 là trong một đội thi, có nhiều lứa tuổi tham gia, từ trẻ em đến người lớn. Họ đoàn kết, cùng say sưa biểu diễn những bài chiêng, điệu xoang, làn điệu dân ca mang đậm bản sắc dân tộc. Các bài thi tập trung vào tình yêu quê hương đất nước, yêu bản làng; lòng tự hào dân tộc; ca ngợi sự phát triển của đất nước.

“Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi văn hóa Xơ Đăng đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, chứng tỏ các chính sách bảo tồn văn hóa mà địa phương triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong thời gian tới, huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai các giải pháp nhằm phát huy văn hóa đồng bào Xơ Đăng, giúp nền văn hóa độc đáo ở vùng đất cách mạng luôn được bảo tồn và phát triển rộng khắp”, ông Mạnh thông tin thêm.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-xo-dang-o-kon-tum-gin-giu-bao-ton-van-hoa-cong-chieng-post323333.html