Người xứ Quảng nguồn gốc xứ Thanh
Năm 981, vua nước Đại Tống (Trung Quốc) sai quân sang xâm lược Đại Việt bị Vua Lê Hoàn đánh đuổi thua chạy tan tác. Năm sau (982) Vương quốc Chiêm Thành vô cớ bắt giam sứ giả Đại Việt để gây chiến tranh xâm lược. Lê Hoàn lại tự làm tướng đem thủy bộ tinh binh vào phương Nam chinh phạt. Vua Chiêm bỏ thành Phật Thệ (Thừa Thiên) chạy vào đô thành Chà Bàn (Bình Định). Lê Hoàn đuổi theo chém chết Vua Chiêm Bề My Thuế ngay tại trận.
Phố cổ Hội An. Ảnh: Minh Hiếu
Bấy giờ quốc giới Chiêm Thành chiếm cứ phía Bắc từ đèo Ngang, Nam đến Phan Rang. Vua Chiêm qua các đời đều tự xưng là “vua của các vua” , luôn luôn chuẩn bị lực lượng để “Bắc tiến” đánh phá Đại Việt, cướp của giết người. Lê Hoàn phá hủy thành trì Chiêm, ở lại miền đất này một năm để kinh lý những việc cần thiết rồi mới trở về gửi thư cho vua Tống biết mình đã bình định xong xứ sở mà các thiên triều Trung Hoa chưa bao giờ khuất phục nổi. Lê Hoàn là ông vua lập nên chiến công “Phá Tống bình Chiêm” chói sáng trong lịch sử dân tộc Việt, khiến Vua Tống phải nể trọng.
Lê Hoàn là ông vua cũng là người xứ Thanh đầu tiên đặt chân lên xứ Quảng nhiều sản vật lạ quý hiếm. Đời hậu Lê, Lê Thánh tông lập bản đồ toàn quốc, ghi danh trung tâm đất này là thừa tuyên (tỉnh) Quảng Nam.
Vương quốc Chiêm Thành tàn bạo ngạo ngược đến đây chấm dấu hết sau thời gian chọc trời khuấy nước.
Theo Lịch sử Việt Nam: Không có dân tộc Chiêm Thành hay Chăm hoặc Chăm pa mà chỉ là một bộ phận của nhóm tộc Mã Lai - Đa Đảo cư trú rải rác ven biển miền Trung Việt Nam.
Khi Hùng Vương dựng nước, Chiêm Thành chỉ mới là mấy bộ lạc nhỏ ở Đông Dương, Trà Kiệu bên sông Thu Bồn. Sử ký Trung Quốc gọi họ là Việt Thường thị. Khoảng đầu đời Hán đặt tên huyện Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, sau đổi huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Viên công tào huyện Tượng Lâm giết huyện lệnh, lập nước Lâm Ấp, tự xưng vương. Đời nhà Đường quan đô hộ dời nước Lâm Ấp đến đất Chiêm, xây dựng vương quốc Chiêm Thành. Tên Chiêm Thành bắt đầu xuất hiện khoảng 627 - 649 đời Đường. Sử Cương mục ta khảo sách Liệt Thánh nói. Chiêm Thành địa giới khoảng từ đèo Ngang (Quảng Bình) qua cửa ải Hải Vân, cửa biển Thuận An, núi Thường Sơn, đến Bình Định Phan Rang... Họ xây dựng tới hai kinh thành: Phật Thệ ở Thừa Thiên, Chà Bàn ở Bình Định.
Bi ký Chăm cho biết nhân dân Chăm rất khổ sở vì giới quý tộc cai trị, xưng hùng xưng bá, xây đắp thành trì, gây chiến tranh xâm lược. Về vương triều Đồng Dương, ông vua thứ 9 lên ngôi, Tống sử gọi là “Ba Mỹ Thuế”, Việt sử là “Phê Mỹ Thuế”, tồn tại từ năm 972 đến năm 983 thì chấm dứt. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông vua này dù tên phiên âm khác nhau, cũng chính là “Bề My Thuế” bị Vua Lê Hoàn chém chết tại trận đánh phá thành Chà Bàn năm 982 theo sử Việt.
Chiêm Thành phục hồi nhanh chóng, phần quan trọng nhờ tài nguyên giàu có quý giá đến mức các vương triều đế quốc Trung Hoa xa xôi vạn dặm cũng tìm cách chiếm đoạt. Lịch sử Việt Nam chép: Vương quốc Chăm pa (Chiêm Thành) ở miền Nam và Nam Trung bộ Việt Nam ngày nay là nơi “bốn mùa ấm áp, không sương tuyết”, lại có “đồi mồi, vỏ bối, gỗ bối (Nam sử)”. Ruột nó hàng trăm năm không mục, có mùi thơm, bỏ xuống nước thì chìm nên gọi là trầm hương, không chìm không nổi là sấn hương (Lương thư). Gỗ trầm dùng làm thuốc chữa các chứng bệnh đường ruột, làm hương thơm. Ngoài trầm còn có quế. Sách Thủy kinh chú nói uống quế đắc đạo. Năm 446 tướng Trung Quốc là Đàn Hòa Chi đánh Lâm Ấp thu được nhiều sản vật quý chưa biết tên. Các triều đại Lâm Ấp, Chiêm Thành đều phải cống nạp cho thiên triều vàng nhiều vô kể, hàng vạn cân (Nam sử) hàng chục vạn cân (Lương thư)...
Có lẽ quốc vương Chiêm tự cho mình là “vua của các vua”, nên nhà ở từ cung điện vua ở đến thường dân đều hướng Bắc. Vua này bị tiêu diệt, vua khác lại nảy sinh. Đời sống nhân dân thấp kém, tập trung tất cả cho xây dựng quân sự. Quân đội Chiêm chia Tiền quân, Hậu đội, có 400 kỵ binh, một vạn bộ binh, một nghìn lâu thuyền thủy chiến, một nghìn con voi.
Đời Trần, Vua Chiêm chín lần đem đội quân hùng hậu, Chế Bồng Nga ngang ngược đánh phá nước ta, vào thành Thăng Long vơ vét của cải khiến vua tôi nhà Trần phải bỏ chạy. Các tướng đều rút chạy. Cuối cùng Chế Bồng Nga bị tướng Trần Khát Chân (người Thanh Hóa) bắn một phát đạn trúng suốt ván thuyền chết ngay tại chỗ trên sông Mã, khúc dưới Hàm Rồng, Thanh Hóa. Vua Trần rất mừng cho rằng từ nay quân Chiêm không dám xâm lược nữa. Nhưng chúng như tướng giặc Nguyên Phạm Nhan chém đầu này lại mọc đầu khác, vẫn kéo ra cướp phá.
Năm 1446, triều đình sai Lê Thụ, Trịnh Khả đem đại binh đánh đuổi giặc Chiêm đến tận thành Chà Bàn bắt được vua Chiêm Bí Cai làm tù binh giải về nước. Vua Lê giữ Bí Cai ở lại, cho viên quan Quý Lai làm chúa để người Chiêm tự cai trị. Người Chiêm cầu cứu vua Minh (Trung Quốc). Vua minh gửi chiếu chỉ bảo Vua Lê phải thả Bí Cai về nước làm vua như cũ nhưng Thánh tông không nghe. Cái hạn Chiêm Thành ngày càng nặng nề. Chúng vẫn cướp phá vùng biên giới tận Thuận Hóa từ phía Nam trở ra là đất Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính, Ô Châu và Lý Châu, đầu triều Lê trên cơ sở pháp lý, các đời Vua Chiêm đã dâng cắt cho Đại Việt. Bấy giờ đất Hóa Châu đến Quảng Nam. Các quan tướng Đại Việt cai trị ở đây địch không nổi chúa Chiêm là Trà Toàn với hàng chục vạn quân bộ, thủy, voi, ngựa, phải cấp báo về triều đình. Trà Toàn đầu hàng nhà Minh. Vua Minh coi Hóa Châu là thuộc quốc của nhà Minh.
Năm 1470-1471, Vua Lê Thánh tông đem đại binh đi bình định Chiêm Thành. Trà Toàn sợ quá xin hàng. Vua sai đánh thành, bắt chúa Trà Toàn giải về Bắc, đem nước Chiêm của Trà Toàn chia làm 3 tiểu quốc: Đại Chiêm, Hoa Anh, Nam Bàn cho các tướng của Trà Toàn làm chúa nhưng vẫn để lại các tướng hoàng thân quốc thích cùng quân bản bộ cai quản miền đất mới. Tiểu quốc Đại Chiêm nay là tỉnh Quảng Nam. Tương truyền tên núi Thạch Bi do Lê Thánh tông bình định đến đây dựng bia đá để cắm mốc biên giới. Nhà vua đặt đạo Quảng Nam gồm 3 phủ Quảng Nam, Quảng Nghĩa và Bình Định, trung tâm là phủ Quảng Nam, các kinh đô Chiêm Thành xưa hiện còn di tích ở Mỹ Sơn, Đông Dương...
Theo tài liệu của Phạm Ngô Minh, Lê Duy Anh, người Thanh Hóa trong quân đội Hồng Đức, Lê Thánh tông năm 1471, lưu trú xứ (đạo) Quảng Nam đông kể tới hàng vạn, họ là hạt nhân của xứ Quảng Nam, xây dựng một vùng đất giàu có, xã hội phát triển ngày càng phồn thịnh, sản sinh nhiều nhân tài, anh hùng hào kiệt.
Tại phủ Thăng Hoa (nay là Thăng Bình), Tả tướng Khắc Vũ hầu, Lê Công Quận trấn thủ, các con Lê Khắc Nhượng, Lê Khắc Tiến, Lê Khắc Viễn đều có công tiếp tục sự nghiệp khai hoang, vỡ rậm, lập làng, lập lên vùng Mông Lãnh, Quế Trạch, Mông Nghĩa (huyện Quế Sơn)...
Tri phủ Tư Nghĩa (sau thuộc Quảng Trị) Quảng Khê hầu Lê Quang Đại chức cai tri phủ, làm phó tướng đội quân giữ gìn trật tự an ninh, sau thăng chức tri phủ, tổ chức khai hoang vỡ hóa, lập đồn điền Toàn An 300 mẫu, Chân Lư 38 mẫu, 8 sào, An Bàng 20 mẫu. Vợ con ông cũng ở Tư Nghĩa giúp ông quản lý việc quan. Sau khi ông mất, dân lập đền thờ, vua phong sắc phúc thần, dựng mộ chí khắc ghi huân công.
Tại Châu Ngũ Hành, Hoàng thân Lê Tấn Triều có công trong cuộc Nam Chinh (1471) được phong Triệu Quốc công trấn đất này. Ông tổ chức khai hoang, vỡ hóa, lập làng, tổng số ruộng đất hơn 6.000 mẫu.
Hoàng thân Lê Tấn trung (em Tấn Triều) có công trong cuộc Nam Chinh (1471) được phong Triệu Quốc công, trấn thủ châu Lễ Dương, tổ chức khai hoang, vỡ rậm, lập làng nhiều nơi, được lập đền thờ ở làng Phú Xuân Trung, Tam Kỳ, Quảng Nam.
Quan chức thời Lê sơ quê quán xứ Thanh cùng gia đình, quân bản bộ ở lại cai quản vùng đất mới từ 1471 còn nhiều như Hùng Long hầu Lê Văn Chung, Đô tri phó tướng Lê Quốc Chánh, đề đốc Lê Văn Thiệu, Đề đốc Lê Văn Toán (con cháu Lê Văn Thiệu quận công) trấn thủ vùng Gò Sơn - Trung Sơn khai khẩn lập lên làng Vân Dương...
Các đợt di cư đáng kể của họ Lê Thanh Hóa và quân tướng người xứ Thanh bất bình với Vua Tương Dực giết hại 15 thân vương, nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê... Họ vào Quảng Nam truyền bá văn hóa, giúp dân an cư lạc nghiệp.
Những thời điểm lịch sử, người xứ Thanh do các nguyên nhân phải vào xứ Quảng: Các vua Tây Sơn Quang Toản, Nguyễn Gia Long, lưu đày hàng trăm gia đình họ Lê vì bị kết tội chống đối tân Triều. Hai cuộc Nam tiến lớn theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa - Quảng Nam lớp trước, lớp sau đông vô kể.
Nói riêng dòng họ nhà Lê, đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thế cuộc đổi thay, xã hội phân hóa, con cháu tuy đã xa đời vẫn tìm được nhau, nối kết tông tộc, soạn lập lại gia phả, xây “Tổ đình”, tưởng nhớ tổ tiên, dòng dõi, chi phái. Có xã dựng đến ba, bốn nhà thờ tộc họ, tiểu phân chi, phân biệt bằng tên lót. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phạm Ngô Minh - Lê Duy Minh, riêng ở Quảng Nam có các tiểu phân chi: Lê Viết, Lê Chí, Lê Duy, Lê Công, Lê Văn, Lê Khắc, Lê Tấn, Lê Ngọc, Lê Hữu, Lê Quang, Lê Đình, Lê Trung, Lê Thế, Lê Tự, Lê Quốc,... Tất cả có đến 214 Lê tộc hệ thuộc dòng Lê Tông (bác Lê Lợi) và các hệ của Chiêu Hiếu đại vương Lê Học, Hoằng Dụ đại vương Lê Trừ, hệ Tư Tề, hệ Nguyên Long, hệ Duy Đàm...
Dấu ấn họ Lê ở Quảng Nam rất sâu đậm. Họ tạo nên một Gò Nổi nổi tiếng trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa, mang thương hiệu tơ lụa xứ Quảng. Họ khai thác đá Ngũ Hành Sơn, khởi đầu từ Hoàng thân Lê Tấn Triều trấn thủ châu Ngũ Hành sau năm 1471 đem thợ đá An Hoạch (Thanh Hóa) vào đây truyền nghề. Làm ruộng giỏi, đánh giặc giỏi, học hành cũng giỏi. Trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, họ trở thành các nhà yêu nước xuất sắc, các nhà trí thức tài năng. Xin đơn cử một số nhân vật tiêu biểu nói riêng họ Lê từ Thanh Hóa vào:
- Lê Văn Thứ ở xã Tân An, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn (nay thuộc TP Đà Nẵng). Có công đánh giặc Tàu Ô, Tàu Vàng, ông được thăng chức chỉ huy Cấm binh trấn thành Hà Nội. Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội ông chiến đấu dũng cảm trúng đạn địch bị tử thương, vua Tự Đức truy tặng Thượng thượng tướng quân, ban một chiếc ngai gỗ chạm rồng để thờ ở miếu. TP Đà Nẵng hiện có con đường mang tên ông.
- Lê Đình Đỉnh (1840 – 1933): Đỗ cử nhân Hán học, ở làng Thạch Mỹ (Gò Nổi) nay thuộc xã Điện Quang, Điện Bàn. Ông làm quan đến Binh bộ thượng thư, sung Đông các đại học sĩ. Năm 1881 đi sứ Hương Cảng, năm sau đi sứ Tân Gia-ba (Singapo). Được nhìn xa trông rộng, về nước dâng sớ xin triều đình cải cách chế độ canh tân đất nước, hiện đại hóa quân đội. Vua Tự Đức không chấp nhận. Lấy cớ phải phụng dưỡng cha mẹ già, ông xin về nhà mở trường dạy học.
- Lê Đình Dương con trai Lê Đình Đỉnh, thành viên Ban lãnh đạo Việt Nam Quang phục hội, tham gia khởi nghĩa Duy Tân (1916). Con trai Lê Đình Đỉnh đều là bác sĩ y khoa, nổi tiếng nhất là bác sĩ Lê Đình Thám, nhà yêu nước và có công lớn chấn hưng Phật giáo Việt Nam...
- Lê Hữu Khánh (1850-1941) làng Mỹ Thị, nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Con ông là Lê Hữu Hàn, Lê Cảnh Vận tham gia khởi nghĩa Duy Tân (1916). Ông về làng cách tân ruộng đất, đắp đê ngăn nước mặn, tạo nên đồng lúa tốt tươi.
- Lê Đình Lý (1788-1858) chính quán huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, chuyển cư đến Bình Định, làm quan võ đến chức Tổng thống quân vụ đại thần. Ông chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược Đà Nẵng, bị trúng đạn tử thương. Hiện nay tên ông đặt cho một đường phố Đà Nẵng.
- Lê Vĩnh Huy người làng Thạnh Bình, huyện Tiên Phước, tú tài Hán học, năm 1885 tham gia chống Pháp, giữ chức Tán lý quân vụ. Khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Bá Phiến hy sinh, một số đồng chí bị bắt tù đày. Vĩnh Huy trốn thoát về làng mai danh ẩn tích. Năm 1902-1908, Vĩnh Huy cũng Tiểu La Nguyễn Thành tổ chức phong trào Đông du. Ông hiến nửa gia tài đưa một số thanh niên du học...
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/nguoi-xu-quang-nguon-goc-xu-thanh/117582.htm