Người xứ Thanh và khát vọng mở cõi

Tự thuở Mai An Tiêm chinh phục đảo hoang, tìm ra giống quả lạ, mở ra cương vực đất nước Văn Lang thời đại Hùng Vương tiến ra biển lớn đến Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tìm con đường thoái lui cho riêng mình mà được chọn gánh vác sứ mệnh 'mở cõi'... trên dọc dài mảnh đất hình chữ S, nơi nào cũng có dấu ấn của người xứ Thanh.

Gia Miêu ngoại trang (xã Hà Long, Hà Trung), nơi phát tích vương triều Nguyễn.

Gia Miêu ngoại trang (xã Hà Long, Hà Trung), nơi phát tích vương triều Nguyễn.

Mai An Tiêm - nhân vật huyền sử có công khai phá, xây dựng vùng đất ven biển

Theo truyền thuyết, Mai An Tiêm - nhân vật huyền sử của nước Văn Lang ở vào cuối thời Hùng Vương, là người có công khai phá, xây dựng vùng đất ven biển Nga Sơn (Thanh Hóa), cũng là người “khai sinh” ra quả dưa hấu đỏ.

Tương truyền sau câu nói “Của biếu là của lo, của cho là của nợ. Của cải do chính tay mình làm ra, đánh đổi bằng mồ hôi, trí óc mới là đáng quý, không phải lộc trời ban cho mà có”, Vua Hùng vô cùng tức giận, cho rằng Mai An Tiêm vô ơn, bèn lệnh đày ra hoang đảo, nay là vùng đất Nga Sơn. Nhà vua tin rằng, đối mặt với sóng dữ biển khơi, với đói khát,... Mai An Tiêm sẽ phải hối hận mà cầu xin tha thứ.

Tuy nhiên, nhờ loài chim bay tới đảo (nay thuộc vùng biển huyện Nga Sơn) ăn trái nhả hạt mà Mai An Tiêm đã tìm ra giống dưa quý. Sau những ngày tra hạt, ươm cây, chăm bón, giống cây lạ vươn dài, tươi tốt. Một buổi sáng đẹp trời, Mai An Tiêm và gia đình đã có được một mảnh vườn đầy những quả lạ to tròn, khi quả chín bổ ra, ruột đỏ tươi với vị thơm mát, ngọt ngào. Nhớ ơn vua cha và nhìn về đất liền thân yêu giữa đại dương sâu thẳm, Mai An Tiêm đã hái những quả to và ngon nhất thả xuống biển, hy vọng một ngày nào đó phía đất liền xa xôi nhận được quả ngọt, thành quả lao động do họ tìm ra và gắng sức gieo trồng. Từ đó, những chiếc thuyền buôn, thuyền đánh cá nhộn nhịp ra vào trên đảo...

Câu chuyện Mai An Tiêm với sự tích quả dưa đỏ không chỉ ngợi ca ý chí, nghị lực, lao động sáng tạo của con người. Hơn hết còn chứng minh rằng, Mai An Tiêm - người anh hùng đầu tiên mở cõi, chinh phục biển cả và mở ra giao thương bằng con đường hàng hải, trở thành biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt thuở Vua Hùng dựng nước.

Nghĩ về hành trình “mở cõi” của ông cha, chúng ta không chỉ có nỗi khắc khoải hoài cổ về câu chuyện huyền sử một thời của dân tộc mà còn lắng lòng nghe những câu chuyện lịch sử với chiều kích không gian, thời gian cụ thể. Điều này đã được GS Ngô Đức Thịnh khái quát: “Thanh Hóa là vùng đất vừa mang tính huyền thoại, vừa mang tính lịch sử”.

Chúa Nguyễn Hoàng - người khai phá cõi trời Nam

Quyết định xin vua Lê và anh rể Trịnh Kiểm được đi trấn thủ xứ Thuận Hóa (từ Quảng Bình vào đến Bắc Quảng Nam) là một con đường thoái lui của cá nhân Nguyễn Hoàng (con trai thứ 2 của Nguyễn Kim) và là cú hích trong lịch sử dân tộc.

Năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng cùng những người họ hàng ở huyện Tống Sơn (nay thuộc huyện Hà Trung) cùng những quân lính xứ Thanh, Nghệ đến vùng đất “Ô châu ác địa” Thuận Hóa. Trong thời gian 68 năm từ năm 1558 đến năm 1626, sử chép rằng chúa Nguyễn Hoàng đã có ba lần dựng đặt dinh phủ của mình tại 3 địa điểm trên đất Ái Tử - Trà Bát mà về sau, các nhà nghiên cứu gọi là: Dinh Ái Tử (1558 - 1570), Dinh Trà Bát (1570 - 1600) và Dinh Cát (1600 - 1626). Với chính sách khoan hòa rộng mở, biết hội nhập và kế thừa, biết sử dụng nhân tài giúp sức, Nguyễn Hoàng đã biến Thuận Hóa, Quảng Nam thành một xứ sở trù phú, giao thương tấp nập, một trung tâm, chính trị, văn hóa mới ở phương Nam. Ngay từ những ngày đầu, ông cho lập doanh trại tại một địa điểm trên cồn cát làng Ái Tử thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị ngày nay. Cồn cát này về sau gọi là Cồn Cờ, mà theo L. Cadìere - một nhà truyền giáo người Pháp, khẳng định: “Nguyễn Hoàng đã cho kéo lên lá cờ, dấu hiệu quyền lực của ông. Cái cồn chắc hẳn chỉ là một đống cát, cột cờ là một cây sào, nhưng lá cờ của Nguyễn Hoàng trong đó có mầm mống của tương lai triều đại”.

Nguyễn Hoàng được chọn gánh vác sứ mệnh “mở cõi”, là lý lẽ riêng của lịch sử. Bởi, nếu không có tầm nhìn xa thì Nguyễn Hoàng không xây dựng đất Thuận - Quảng để làm cơ sở “vạn đại dung thân” cho con cháu họ Nguyễn. Và sẽ không biết ai và thời điểm nào công cuộc Nam tiến mở rộng lãnh thổ mới thực hiện được.

Nhưng “Từ khi Chúa Nguyễn dời chân. Trời Nam một cõi dần dần mở mang”, lãnh thổ nước ta được mở rộng đến tận Đèo Cả (năm 1611). Và cũng trong khoảng thời gian này, nhờ sức của 2 gia thần gốc Chăm, Nguyễn Hoàng trên thực tế đã là người đầu tiên đứng ra đặt quyền làm chủ vùng “Bãi Cát Vàng”, tức quần đảo Hoàng Sa ngày nay. Không những khai thác Thuận - Quảng, Nguyễn Hoàng và con cháu ông đã dần thâu tóm quyền lực, vươn sự thống trị mở rộng đất đai tận đồng bằng sông Cửu Long ngày nay.

Điểm qua lịch sử về Nguyễn Hoàng, có thể thấy rằng: Từ một người thất thế tìm nơi nương thân để tránh họa diệt vong, Nguyễn Hoàng đã khéo vận dụng địa lợi, nhân hòa củng cố thế lực của mình. Ông là người đóng vai trò quan trọng và tích cực nhất trong việc mở mang khai phá cõi trời Nam, để nước Việt ta ngày nay có dải giang sơn gấm vóc đẹp giàu.

Với công tích rực rỡ của một người đi tiên phong trong công cuộc mở nước ở Phương Nam, cộng với cả tuổi thọ cao nhất của một người đứng trong hàng ngũ quân vương đất nước, mà Nguyễn Hoàng, tuy tước vị chính thức chỉ là Quốc Công, nhưng vẫn được xem là vị Chúa Nguyễn đầu tiên, với danh hiệu tuyệt vời: Chúa Tiên!

***

Trong lịch sử xứ Thanh, không ít cá nhân kiệt xuất đã được ghi tạc trong lịch sử... Đó là Bà Triệu khiến toàn Giao Châu chấn động; là Bình Định vương Lê Lợi phất cao ngọn cờ đại nghĩa “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”... Để có những “cơn địa chấn” ấy là nhờ tài năng của những cá nhân và tinh thần anh dũng, đoàn kết cùng sức mạnh quật khởi “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.

Lịch sử đã ghi tên đất và người xứ Thanh ở một vị trí danh dự trên hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong thế kỷ XX, xuyên qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mảnh đất Thanh Hóa không chỉ là hậu phương lớn của tiền tuyến mà còn trực tiếp chiến đấu, đối phó với âm mưu phá hoại hậu phương của kẻ thù. Cũng trong những năm tháng ấy, bao lớp thanh niên Thanh Hóa đã lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Có một điều luôn luôn khắc sâu trong tâm khảm người Thanh Hóa, đó là sức vươn lên, bật mầm khỏi những khổ đau, để dựng xây một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sau gần 40 năm đổi mới, mảnh đất mưa bom bão đạn, cằn khô đã nở hoa, kết trái, mở ra vận hội mới cho mỗi người dân.

Càng tự hào về truyền thống đắp đổi qua mấy nghìn năm “lửa thử vàng” của cha ông, thế hệ hôm nay càng thấy trách nhiệm lớn lao của mình, trong đó có trách nhiệm khơi dậy và phát huy truyền thống lịch sử, biến nó trở thành nguồn sức mạnh nội sinh thực sự vững chắc và mạnh mẽ, để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, vững bước cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới.

HUYỀN CHI

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/nguoi-xu-thanh-va-khat-vong-mo-coi-35207.htm