Nguồn cát khan hiếm, dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau tiếp tục gặp khó
Việc khai thác các mỏ cát đặc thù tại An Giang chưa đáp ứng nhu cầu. Nguồn cát phân bổ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau còn thiếu khoảng 304.000m3. Vì vậy, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ GTVT xem xét cho sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp thay thế cho việc sử dụng cát nước ngọt.
Sáng 30.1, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT dẫn đầu đoàn công tác đến làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh An Giang về tình hình thực hiện cung cấp cát tại tỉnh An Giang cho dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) cho biết dự án khởi công từ ngày 1.1.2023. Hiện các nhà thầu đã tổ chức 167 mũi thi công, huy động 686 máy móc thiết bị các loại, cùng 1.096 nhân sự (kỹ sư và công nhân).
Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, đến nay, việc thi công chỉ đạt 3.816/18.812 tỉ đồng, tương đương 20,3% giá trị hợp đồng, chậm tiến độ khoảng 6 tháng so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu cát đắp nền đường. Ngoài ra, một số vị trí trên tuyến còn vướng mặt bằng, công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời.
Dự án cần khoảng 18,46 triệu mét khối cát, trong khi nguồn cát khu vực ĐBSCL khan hiếm do cùng lúc nhiều dự án triển khai đồng loạt.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần ưu tiên bố trí ngay nguồn cát cho dự án. Trong đó, tỉnh An Giang là 7 triệu mét khối (năm 2023 là 3,3 triệu mét khối); Đồng Tháp 7 triệu mét khối (năm 2023 là 3,3 triệu mét khối) và Vĩnh Long 5 triệu mét khối (năm 2023 là 2,5 triệu mét khối). Đến nay, các địa phương mới xác định được nguồn bố trí cho dự án khoảng 16 triệu mét khối.
“Tính đến thời điểm này, tỉnh An Giang mới chỉ xác định được nguồn cung cấp cho dự án khoảng 6 triệu mét khối và còn thiếu 1 triệu mét khối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, thủ tục cấp quyền khai thác các mỏ còn mất nhiều thời gian do phải thực hiện nhiều thủ tục tương tự như quy trình thông thường.
Hiện nay các nhà thầu thi công dự án đã và đang thực hiện thủ tục khai thác 16 mỏ cát trên địa bàn 3 tỉnh là An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long. Trường hợp toàn bộ 16 mỏ này cùng với dự án chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao đang thực hiện thì khối lượng tối đa khai thác được cho dự án chỉ đạt 34.000m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án cần khoảng 55.000 - 60.000m3/ngày.
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu cát đắp nền và hoàn thành mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị UBND tỉnh An Giang xem xét cấp “Bản xác nhận” đối với 5 mỏ đã trình hồ sơ làm cơ sở để các nhà thầu thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí ngay trong tháng 1.2024 và tổ chức khai thác từ tháng 2.2024.
Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang sớm bố trí bổ sung phần khối lượng còn thiếu (khoảng 1 triệu mét khối) để đảm bảo đủ 7 triệu mét khối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời hỗ trợ hoàn thành thủ tục và đưa vào khai thác từ tháng 3.2024, ông Thi nói.
Cũng theo ông Thi, UBND tỉnh An Giang nên xem xét bố trí thêm một số mỏ cát cho dự án như: Khu vực quy hoạch trên sông Hậu thuộc các phường Mỹ Phước, Mỹ Quý (TP.Long Xuyên) và xã Hòa Bình (huyện Chợ Mới); khu mỏ trên sông Hậu thuộc xã Bình Thủy (huyện Châu Phú) và xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) hoặc các mỏ cát khác trên địa bàn tỉnh An Giang.
“Về mỏ đá và mỏ đất đắp bao, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng kiến nghị tăng 50% công suất đối với với các mỏ đang khai thác trên địa bàn tỉnh và toàn bộ phần tăng công suất cung cấp cho dự án”, ông Thi đề nghị.
Về đề xuất trên, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, theo kết quả quan trắc, cảnh báo sạt lở định kỳ của Sở TN-MT, có 8 khu mỏ cát nằm trong đoạn sông được cảnh báo sạt lở với cấp độ cảnh báo ở mức nguy hiểm, 1 mỏ (ở xã Phú An, huyện Phú Tân của Tổng công ty 36) cấp cảnh báo ở mức rất nguy hiểm, 2 khu mỏ không nằm trong đoạn sông cảnh báo sạt lở (mỏ thị trấn Cái Dầu của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và mỏ Bình Long của Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam).
“Hiện tại, nguồn cát ngày càng khan hiếm do lượng phù sa bồi đắp từ thượng nguồn sông Mê Kông ngày càng ít. Tỉnh An Giang có đặc thù là nhiều sông, kênh, rạch, với cấu tạo địa chất nền đất yếu nên các đoạn sông thường xuyên xảy ra hiện tượng sạt lở bờ (trên địa bàn tỉnh có 56 đoạn sông được cảnh báo sạt lở), do đó việc khai thác khoáng sản cát sông gặp nhiều bất lợi.
Do đó, đối với nguồn cát phân bổ cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau còn thiếu khoảng 304.000m3, xin kiến nghị Bộ trưởng GTVT xem xét cho sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp thay thế cho việc sử dụng cát nước ngọt”, bà Thúy nói.
Phát biểu, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.
“Theo đánh giá, tiến độ thi công dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hiện rất chậm. Nguyên nhân là thiếu nguồn vật liệu cát. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2025.
Tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hoàn tất thủ tục khai thác các mỏ cát, đồng thời xem xét cấp mới hoặc gia hạn các mỏ cát đã hết hạn khai thác trên địa bàn”, ông Thắng nói.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thắng đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với lãnh đạo UBND 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp về nguồn vật liệu thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.