Nguồn cung công nghệ quân sự của Trung Quốc từ Ukraine nguy cơ gián đoạn
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có nguy cơ đe dọa một trong những mối quan hệ chiến lược kín đáo nhưng rất quan trọng nhất với Trung Quốc trong những năm gần đây: Nguồn công nghệ giúp Trung Quốc tăng cường năng lực cho quân đội.
Các nhà phân tích quân sự và ngoại giao nói rằng quan hệ Ukraine – Trung Quốc vốn đã gặp áp lực ngày càng lớn từ phía Mỹ, xung đột hiện nay có thể càng ảnh hưởng phần lớn đến nguồn cung đã giúp Trung Quốc hiện đại hóa quân đội trong 2 thập kỷ qua.
Họ cho rằng việc Ukraine giận dữ với quan hệ giữa Bắc Kinh với Mátxcơva và những bất định của tình hình hậu chiến tranh ở Ukraine đe dọa quan hệ này.
“Đó luôn là nơi săn tìm tốt cho các kỹ thuật viên quân sự của Trung Quốc. Có rất nhiều thứ ở đó, và nhiều khi mua ở đó còn dễ hơn từ Nga”, nhà phân tích về quân sự Trung Quốc Vasily Kasshin, công tác tại ĐH HSE ở Mátxcơva, nói với Reuters.
“Quan hệ ngày xưa của họ sẽ hoàn toàn bị phá hủy”, ông Kasshin nói.
Ngoài mua chiếc tàu cũ thời Liên Xô về để làm thành tàu sân bay Liêu Ninh và chiếc máy bay chiến đấu Su-33, Trung Quốc còn mua các động cơ dùng cho máy bay huấn luyện, các tàu khu trục, xe tăng và máy bay vận tải quân sự từ Ukraine, theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Các tùy viên quân sự làm việc ở khu vực châu Á cho rằng Ukraine có thể cũng là nguồn cung cấp các hệ thống chỉ huy và kiểm soát, cùng với các công nghệ khác dùng cho tên lửa. Các kỹ thuật viên người Ukraine làm việc ở Trung Quốc với tư cách tư nhân.
Các tùy viên cũng tin rằng những công việc đó có thể sẽ tiếp tục dù quan hệ Trung Quốc – Ukraine trở nên khó khăn hơn trong thời gian tới.
“Một lợi thế truyền thống của Trung Quốc ở Ukraine là tình hình an ninh thuận lợi hơn so với ở Nga, nên có thể làm nhiều việc một cách không chính thức”, một phái viên nói với Reuters.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa bình luận về vấn đề này.
Số liệu của SIPRI không nêu cụ thể giá trị của từng thỏa thuận, nhưng dựa trên những con số thu thập trong thập kỷ qua mà tổ chức này tổng hợp, có thể thấy Trung Quốc mỗi năm chi ít nhất 70 triệu – 80 triệu USD để mua thiết bị quân sự từ Ukraine.
Các chương trình dài hạn bao gồm thỏa thuận trị giá 317-319 triệu USD để cung cấp các phương tiện tấn công đổ bộ, và 380 triệu USD cho các động cơ phản lực dành cho máy bay huấn luyện chiến đấu JL-10 của Trung Quốc, theo thống kê của SIPRI.
Một thương vụ quan trọng nữa là 30 tua-bin gas dành cho 15 tàu khu trục Type-052D, loại động cơ mà Trung Quốc đang sản xuất theo giấy phép và có thể cải tiến để trang bị cho các tàu hiện đại hơn, các tùy viên quân sự cho biết.
Để chắc chắn, các kỹ sư quân sự của Trung Quốc đã tự học hỏi thiết kế và sản xuất động cơ nội địa, để tránh phải phụ thuộc quá nhiều vào Ukraine.
“Trung Quốc rất phụ thuộc vào công nghệ Ukraine trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, nhưng ngày càng giảm dần, nhất là khi Trung Quốc đang phát triển năng lực thiết kế và sản xuất của mình”, Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cấp cao về chuyển nhượng vũ khí của SIPRI, cho biết.
“Vẫn có một số công nghệ nữa mà Trung Quốc đang theo đuổi, nhất là trong lĩnh vực hàng không và tên lửa…và Ukraine có truyền thống sản xuất những loại đó”, ông Wezeman nói.
Nga vẫn là nguồn cung cấp công nghệ quân sự quan trọng nhất của Trung Quốc, nhưng Ukraine đã cung cấp một số mặt hàng mà Mátxcơva không muốn hoặc chậm bán.
Nếu vai trò của Mỹ ở Ukraine gia tăng trong thời kỳ hậu chiến tranh, quan hệ thương mại quân sự giữa Ukraine và Trung Quốc sẽ trở nên phức tạp hơn.
Áp lực của Washington đã có tác động. Năm ngoái, chính phủ Ukraine xác nhận đã dừng chuyển giao hãng chế tạo động cơ máy bay Motor Sich cho công ty công nghệ hàng không Trung Quốc Skyrizon vì Mỹ quan ngại về chuyển giao công nghệ ép buộc.