Nguồn cung sụt giảm, rau xanh tăng giá mạnh

Đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 7 vừa qua đã khiến nhiều diện tích trồng rau màu trong tỉnh bị ngập úng, dập nát dẫn đến nguồn cung giảm mạnh, giá bán rau xanh tại các chợ đồng loạt tăng cao.

Giá rau xanh tại chợ Tiên Lữ (Tiên Lữ) tăng cao

Giá rau xanh tại chợ Tiên Lữ (Tiên Lữ) tăng cao

Bà Đỗ Thị Minh ở phường Minh Khai (thành phố Hưng Yên) than phiền sau buổi đi chợ về: Hơn 1 tuần nay, rau xanh ngoài chợ mỗi ngày một giá, tăng gấp đôi, gấp ba so với đầu tháng 7. Rau muống từ 5 nghìn đồng lên 8 - 10 nghìn đồng/bó; rau cải 4 – 5 nghìn đồng lên 9 - 10 nghìn đồng/bó; bí xanh 17 – 20 nghìn đồng/kg; rau đay, mùng tơi tăng 3 – 4 nghìn đồng/bó. Để bảo đảm khẩu phần rau xanh của gia đình, tôi phải tính toán chuyển sang dùng một số loại rau mầm, giá đỗ, hoa chuối… thay thế.

Những ngày này, lượng rau xanh cung ứng đổ về chợ đầu mối nông sản sông Hồng, xã Yên Phú (Yên Mỹ) không phong phú, đa dạng như hồi giữa tháng 7. Ông Lương Đức Cảnh, Trưởng ban Quản lý chợ đầu mối nông sản sông Hồng cho biết: Thời điểm này, lượng rau, củ, quả bán ra tại chợ giảm 50 – 60% so với trước thời điểm diễn ra đợt mưa lớn cuối tháng 7. Nguồn cung giảm đột ngột khiến giá bán các loại rau, củ, quả tăng từ 50% trở lên. Cá biệt, nhóm rau gia vị như: Hành, thì là, rau mùi giá tăng gấp 3 lần nhưng vẫn không có để bán. Để bảo đảm nhu cầu thị trường, các thương lái chủ động nhập về một số loại củ, quả thay thế rau xanh và có thời gian bảo quản lâu như: Củ cải, su su, bí xanh, bí đỏ, khoai tây, cà rốt… về tiêu thụ.

Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh như chợ thị trấn Văn Giang (Văn Giang), chợ Tiên Lữ (Tiên Lữ), chợ Gạo, chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên)… các loại rau, củ tăng trung bình 40 – 50% so với trước, đặc biệt là những loại rau ăn lá, rau gia vị có giá tăng gấp 3 – 4 lần so với 10 ngày trước đó.

Theo chị Trương Thị Mai, tiểu thương tại chợ Tiên Lữ (Tiên Lữ), ngay sau khi mưa lớn, các loại rau xanh được cung cấp ra thị trường ồ ạt do người dân thu hoạch nhanh để tránh dập nát. Nhưng sau đó khoảng một tuần, các loại rau xanh cung cấp cho các mối bán lẻ đã giảm mạnh. Sau mỗi đợt mưa lớn kéo dài, nhóm rau bị ảnh hưởng và tăng giá nhiều nhất là rau ăn lá và nhóm rau gia vị.

Tại các vùng chuyên canh rau màu ở các xã: Yên Phú (Yên Mỹ), Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), Thiện Phiến (Tiên Lữ)… đợt mưa lớn kéo dài trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua đã khiến nhiều diện tích rau bị ngập nước, dập nát. Sau đó, thời tiết nắng nóng đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vùng trồng rau màu, đặc biệt là những loại rau xanh như: Rau cải các loại, mồng tơi, rau đay, rau muống…

Những ngày này, nông dân ở xã Yên Phú (Yên Mỹ) tranh thủ thời tiết thuận lợi để làm đất, xuống giống gieo trồng rau màu bổ sung trên diện tích bị thiệt hại. Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp xã Yên Phú cho biết: Sau đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 7 là những ngày thời tiết nắng nóng với nền nhiệt tăng cao khiến diện tích rau cải, rau gia vị của hợp tác xã bị thiệt hại khoảng 80%; rau muống và một số nhóm cây leo giàn như: Bầu, mướp, dưa chuột bị thiệt hại khoảng 40% diện tích. Từ đầu tháng 8 đến nay, hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn rau, củ, quả, giảm khoảng 70% sản lượng so với cùng kỳ tháng trước. Hiện nay, hợp tác xã đang hướng dẫn các thành viên chủ động chăm sóc diện tích rau màu còn khả năng khắc phục và tranh thủ làm đất, gieo trồng lại các loại rau màu ngắn ngày để cung cấp ra thị trường.

Theo dự báo, thời gian tới, giá rau xanh vẫn giữ ở mức cao, bởi người trồng rau hiện nay đang tập trung thu dọn những diện tích đã bị hỏng để vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị trồng lại lứa rau mới. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, các vùng trồng rau màu được khôi phục, các loại rau ngắn ngày như cải các loại, rau muống sẽ cho thu hoạch và giá rau sẽ ổn định trở lại…

Để bảo đảm lượng rau xanh cung cấp ra thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân ở các địa phương chuyên canh rau màu, ngành nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân theo dõi diễn biến của thời tiết để có phương án sản xuất phù hợp. Thời điểm này, người dân cần tranh thủ làm đất, gieo trồng các loại rau màu ngắn ngày thay thế diện tích bị thiệt hại. Cùng với đó, người tiêu dùng nên lựa chọn các nhóm củ, quả thay thế như: Bí xanh, củ cải, khoai tây, su su… để giảm áp lực nguồn cung và bảo đảm chất lượng bữa ăn hằng ngày.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nguon-cung-sut-giam-rau-xanh-tang-gia-manh-3174633.html