Nguồn cung vật liệu sửa chữa nhà ở liên tục được bổ sung sau bão
Sau bão số 3, nhu cầu sửa chữa nhà ở, kho bãi tăng rất cao. Không chỉ nhà xưởng của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ngập nước dẫn tới hỏng hóc mà nhà ở của người dân cũng bị hư hại, tốc mái, đồ đạc bị ngập trong nước lũ bị thiệt hại nhiều.
Qua trao đổi thực tiễn tại nhiều cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng, đại diện các cửa hàng đều cho biết: Nhu cầu của người dân và doanh nghiệp tăng rất cao, tuy nhiên, phát huy tinh thần tương trợ khó khăn, nên nguồn cung liên tục được bổ sung với giá ổn định đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Xây dựng An Phát (tỉnh Hưng Yên) cho hay, công ty cung cấp chủ yếu các mặt hàng trang thiết bị nội thất, gạch ốp lát, vật liệu hoàn thiện, sơn chống thấm... phục vụ ngành xây dựng. Những ngày mưa bão vừa qua, Công ty An Phát nằm ở địa hình trũng, nhiều ao hồ nên bị ngập nước cả xưởng sản xuất, kho chứa hàng và mấy showroom. Song, hệ thống của công ty vẫn mở cửa phục vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân và doanh nghiệp cần nguyên, vật liệu sửa chữa nhà ở, kho xưởng khắc phục thiệt hại sau mưa bão.
Trong số những mặt hàng, sản phẩm được hỏi mua nhiều nhất là ngói bò để dặm mái; ống nước và thiết bị điện, thiết bị vệ sinh cùng gạch lát nền. Sản lượng tiêu thụ tăng cao gấp từ 2 - 3 lần so với những ngày bình thường trước đây. Một số gia đình do bị ngập nước lâu ngày nên tung nền phải thay gạch lát hoặc sàn gỗ bị bong tróc cần thay mới. Có thể nói, sửa chữa không lớn nhưng số lượng rất nhiều.
Nhu cầu lớn như vậy, nhưng không vì thế mà công ty tăng giá sản phẩm. Một số mặt hàng còn được điều chỉnh giá trên tinh thần hỗ trợ và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề lớn là thiếu nhân công, thợ sửa chữa hỗ trợ. Công ty phải phân lịch thành các khu vực dân cư để cùng lúc điều động người giúp đỡ, sửa chữa nhằm gia tăng khả năng đáp ứng dịch vụ cho nhiều gia đình nhất. Công việc nhiều hơn nên giá nhân công lao động cũng tăng cao hơn nhưng không nhiều.
Giám đốc Công ty TNHH LEXFAS Lê Xuân Chanh tại Đông Anh (Hà Nội), chuyên doanh sắt thép, nhà kết cấu, bồn bể và thiết bị công nghiệp cho hay, sau mưa bão, khách hàng phản ánh bị sập rất nhiều nhà xưởng, kho bãi. Nhiều công trình mới xây dựng chưa được gia cố lại gặp gió quá mạnh nên thiệt hại rất nhiều. Công ty đã kịp thời cắt cử nhân lực, xuống thực địa tại các công trình, nhà xưởng bị ảnh hưởng nhằm hỗ trợ khách hàng, đánh giá mức độ thiệt hại và tìm hướng khắc phục với chi phí thấp nhất.
Nhu cầu sửa chữa bằng tôn, nhôm mái thép là chủ yếu. Một số đơn vị khách hàng đặt mua và thay mới bồn bể nước sạch nhưng số lượng không nhiều. Công ty cũng đang thiếu nhân lực để đi kiểm tra, hỗ trợ khách hàng và khó khăn này sẽ không thể khắc phục ngay.
Về mặt hàng cát, sỏi, xi măng, chị Nguyễn Thu Hoa, Chủ cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng tại 336 Thổ Quan, Đống Đa (Hà Nội) phản ánh: Sau bão chị nhận được khá nhiều đơn đặt hàng, khi khách gọi đến đặt hàng chị đều gửi báo giá trước.
Giá các mặt hàng như xi măng, gạch vẫn được bán khá ổn định, như xi măng HT30 giá 98.000 đồng/bao, xi măng Bút Sơn 80.000 đồng/bao; gạch lỗ 1.600 đồng/viên. Duy chỉ có mặt hàng cát, sỏi, giá có tăng nhẹ. Cụ thể: cát đen giá 20.000 đồng/bao, tăng 3.000 - 4.000 đồng/bao (vận chuyển trong các quận quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng); cát vàng thô giá 25.000 đồng/bao, tăng 3.000 - 5.000 đồng/bao, so với trước bão.
Chị Hoa cho biết, do ảnh hưởng của bảo, lũ nên gặp khó khăn trong việc khai thác vận chuyển cát, đá sỏi khiến giá mặt hàng nay tăng nhẹ. Có thể hết tháng 9 giá sẽ trở về bình thường.
Còn tại Xưởng cơ khí Đức Cảnh, đường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, ông Nguyễn Văn Dũng bày tỏ, trung bình, một ngày anh nhận 5 - 10 khách, có ngày phải lên đến hơn chục khách. Đặc biệt, ngày sau bão (8/9), bên anh nhận được 30 - 40 cuộc gọi từ khách hàng, yêu cầu khắc phục các sự cố về mái tôn.
Theo anh Dũng, cơ sở của anh đã kín lịch lắp đặt và sửa chữa mái tôn đến hết tháng này. Tuy nhiên, công việc nhiều, nên nhiều khách hàng phải chờ đợi mới được sửa mái tôn, có khách phải “xếp hàng” từ 3 - 5 ngày mới đến lượt sửa chữa mái tôn.
Qua quá trình sửa chữa và thi công lắp đặt mái tôn, anh Dũng cho biết phần lớn các mái tôn bị hư hại sau bão Yagi là các mái tôn cũ, xuống cấp, đinh vít lỏng lẻo, dễ bị gió thổi bay. Hoặc các gia đình, sử dụng vật liệu rẻ tiền không đảm bảo chất lượng.
Anh Nguyễn Văn Dũng cũng chia sẻ thêm, hiện tại anh em đi làm ngày mưa bão tuy hơi vất vả nhưng không tăng giá dịch vụ, thậm chí có những dịch vụ anh em còn khuyến mại. Như trong quá trình đến đo đạc nếu khắc phục được anh em thợ có thể hỗ trợ vít lại mái tôn, sửa mái, bơm keo… việc nhỏ thì anh em thợ khuyến mại cho khách.