Nguồn động viên, cổ vũ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tác

Ngày 16.7.2021, UBND tỉnh ra Quyết định số 1567 về công nhận kết quả xét tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật Xuân Hồng lần thứ III năm 2021. Đây là giải thưởng có quy mô và ý nghĩa do UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức 5 năm một lần nhằm tôn vinh các hoạt động sáng tạo trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật (VHNT).

Giải thưởng chính thức được phát động từ ngày 7.10.2020, Ban tổ chức đã nhận được 94 tác phẩm, 26 tập tác phẩm, 31 nhóm tác phẩm, 6 bộ tác phẩm của 89 tác giả (trong đó có 9 tác giả của 6 tỉnh, thành, gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu) thuộc các thể loại tiểu thuyết, truyện ký, bút ký văn học, ca khúc tân nhạc, bài ca vọng cổ, tranh, ảnh nghệ thuật… UBND tỉnh ra quyết định công nhận kết quả xét tặng 11 tác phẩm, 11 nhóm tác phẩm và 10 tập tác phẩm thuộc 5 loại hình của 32 tác giả.

Hầu hết các tác phẩm đạt giải lần này có chất lượng tốt, phản ánh rõ nét diện mạo quê hương, con người Tây Ninh qua các thời kỳ - nhất là thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Những tác phẩm tham dự và đạt giải đã được xuất bản, tham dự triển lãm hoặc được công bố, trình diễn rộng rãi, bước đầu nhận được sự đón nhận, đánh giá cao từ phía độc giả và trong giới chuyên môn. Các tác giả có sự tìm tòi sáng tạo, bám sát chủ đề về thiên nhiên, con người, quê hương Tây Ninh và các chủ đề trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới; xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị, du lịch, biên giới biên phòng, biển đảo; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Các tác phẩm đạt giải thưởng VHNT Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần III/2021 được Hội đồng thẩm định đánh giá cao, trong đó có thể kể đến một số tác phẩm như: Tranh sơn dầu “Trung ương Cục Miền Nam”- tác giả Đặng Văn Thức: từ nội dung tư tưởng đến kỹ thuật chất liệu, bố cục có nghề và xuất sắc về đồ họa.

Bộ ảnh nghệ thuật “Bộ đội trinh sát đặc nhiệm”- tác giả Ngô Thị Thúy: bố cục chặt chẽ, mỗi ảnh đều đóng góp cho chủ đề chung, không có ảnh thừa, rất đều tay.

Tập thơ “Huyễn hoặc ngày em” - tác giả Trần Nhã My: cách thể hiện dung dị, giàu cảm xúc. Giọng thơ trẻ, hình ảnh, ngôn ngữ mang dáng dấp hiện đại, chắt lọc.

Tập truyện ngắn “Phố Ninh cố sự” của tác giả Vũ Thiện Khái có nhiều truyện viết về thị trấn Tân Châu thời kỳ đầu là một xã kinh tế mới. Cách viết khá sắc sảo, có kỹ thuật, lời văn khúc chiết, uyển chuyển. Nghệ thuật tốt, xen lẫn các yếu tố tâm linh huyền ảo, lôi cuốn người đọc.

Truyện ký “Lở bồi”- tác giả Hàm Chương: chân thực, giản dị, phản ánh khá sinh động con người và đất Tây Ninh; hồi ức về cuộc sống tuổi thơ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ ở dọc hai bờ sông Vàm Cỏ Đông của miền đất Cẩm Giang- Bến Cầu nối liền nhau bởi một dòng sông Vàm Cỏ Đông. Giàu tư liệu, phong phú về sự kiện, có những trang văn đẹp phản ánh được cuộc sống, vẻ đẹp đặc trưng của vùng nông thôn sông nước.

Nhóm bài ca vọng cổ “Xuân về quê mẹ Tây Ninh”, “Tình anh lính biên phòng”, “Nông thôn vùng biên giới Tây Ninh”, “Quê mẹ ân tình”, “Áo mới quê hương” của tác giả Giang Điền đã khắc họa một bức tranh thiên nhiên trù phú, sống động, cụ thể và thực tế trong đời sống xã hội. Nhóm ca khúc “Tây Ninh - Thành phố xanh”, “Bình Minh rạng ngời Tây Ninh em”, “Vươn lên tầm cao mới”, “Tình em”- tác giả Nguyễn Hoài Nhân và nhóm “Lòng Hồ sóng hát”, “Hoàng Lê Kha, ơi dòng máu thắm”, “Vàm Cỏ Đông”, “Dòng sông quê em”, “Bà Đen thắng cảnh lừng danh, di tích hùng anh”- tác giả Huỳnh Oanh, hay về giai điệu, tiết tấu, lời ca, khúc thức.

Điều đáng ghi nhận ở giải thưởng lần này, bên cạnh những gương mặt quen thuộc như các tác giả Nguyễn Văn Bình, Đặng Văn Thức, Trần Văn Chỉnh, Nguyễn Quốc Đông, Nguyễn Hoài Nhân, Trần Quang Cường, Trần Nhã My, Huỳnh Gia, Mai Tuyết, Nguyên Hạ, Đào Phạm Thùy Trang, Đỗ Thành Nhân, Nguyễn Duy Hậu, Đỗ Thành Phương, Xuân Hòa... nay xuất hiện tác giả mới, trẻ như Dương Vĩnh Tuyên, Nguyễn Nhật Tường, Ngô Thị Thúy, Nguyễn Huỳnh Đông (nhiếp ảnh); Bùi Tấn Lợi, Hoàng Oanh (âm nhạc), Nguyễn Thanh Vũ, Phan Hùng Dễ (mỹ thuật); Nguyễn Văn Vạn, Phùng Thị Tuyết Anh, Nguyễn Quang Thảo, Lê Thị Nguyên (văn học), Hoàng Chính (sân khấu)... Đây là những nhân tố mới góp phần làm phong phú cho giải thưởng lần này đồng thời hy vọng sẽ là động lực mới cho giải thưởng lần sau và văn học nghệ thuật tỉnh nhà trong tương lai.

Bên cạnh kết quả đạt được, Giải thưởng VHNT Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần thứ III năm 2021 còn một số hạn chế như không có tác phẩm dự thi ở thể loại văn nghệ dân gian; các đề tài về Tây Ninh với đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, về cuộc sống đương đại, về thiếu nhi còn ít; chưa phát huy được tính bản địa, bản sắc vùng miền, chưa có nhiều tác phẩm mang phong cách thời đại. Về văn học, hầu hết các tác phẩm chưa có nhiều sáng tạo về cách tiếp cận đời sống hôm nay và truyền thống hôm qua, cách thể hiện cấu trúc và ngôn từ có cảm xúc nhưng chưa thật sự kết tinh sâu lắng, chưa có sức khái quát. Riêng thể loại văn xuôi, quy mô các tác phẩm còn dừng lại ở mức độ trung bình, chưa có tiểu thuyết, truyện dài viết về cuộc sống và con người Tây Ninh tương xứng với thực tế, cách thể hiện chưa thật sự hấp dẫn, giá trị văn chương chưa cao.

Giải thưởng VHNT Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần thứ III năm 2021 được đánh giá là thành công, tuy không tổ chức được lễ tổng kết và trao giải do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là sự động viên, cổ vũ lớn lao để anh chị em văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, sáng tác nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, góp phần đưa nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI vào cuộc sống.

ĐP

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/nguon-dong-vien-co-vu-van-nghe-si-tiep-tuc-sang-tac-a134757.html