Nguồn gốc của ham muốn, lòng tham và cách chế ngự nó

'Chế ngự tâm lý 'no bụng đói con mắt'' chỉ ra con đường dẫn đến cuộc sống thỏa mãn và trọn vẹn bằng cách hiểu được nguyên nhân sâu sa của những ham muốn trong chúng ta.

“No bụng đói con mắt” (Khẩu ngữ) chỉ bụng đã no rồi, mà thấy thức ăn ngon vẫn thèm, vẫn muốn ăn nữa. Câu nói này cũng dùng để mô tả lòng tham, luôn khao khát có thêm và không bao giờ cảm thấy đủ. Cuốn sách Chế ngự tâm lý “no bụng đói con mắt” của tác giả - GS Michael Easter - chuyên gia về thay đổi hành vi - sẽ đưa người đọc vào một hành trình tìm hiểu sự phức tạp của tâm trí con người và lý do / nguyên nhân sâu xa đằng sau những ham muốn vô độ (lòng tham) của chúng ta.

 Sách Chế ngự tâm lý ‘no bụng đói con mắt. Ảnh: APB.

Sách Chế ngự tâm lý ‘no bụng đói con mắt. Ảnh: APB.

Chúng ta có một bộ não luôn cảm thấy thiếu thốn

Trong cuốn sách, GS Michael Easter cho biết nguồn gốc của ham muốn bắt nguồn từ những hành vi lặp đi lặp lại nhàm chán, nhưng rất khó có thể dừng lại, đem lại cho chúng ta những cảm giác khoái chí và thỏa mãn nhất thời. Những hành vi này thường là các phản ứng trước cảm giác “khan hiếm”. Và chỉ cần một “chỉ dấu khan hiếm” thứ yếu là đủ để tạo cú hích.

Chỉ dấu khan hiếm là một mẩu thông tin tác động lên thứ mà các nhà nghiên cứu gọi là “tư duy khan hiếm”. Nó ở khắp mọi nơi và trong chúng ta. Nó khiến chúng ta tin rằng mình luôn thiếu thốn điều gì đó. Từ đó, chúng ta theo bản năng sẽ trở nên ám ảnh với việc đạt được hoặc thực hiện điều mà chúng ta cho rằng sẽ giải quyết vấn đề và giúp bản thân cảm thấy trọn vẹn.

Tác giả sách cũng cho biết sự khan hiếm không phải điều gì lạ lẫm với chúng ta. Đó là cơ chế hành vi cổ xưa đã biến chuyển một cách tự nhiên trong tâm trí con người để giúp tổ tiên chúng ta sinh tồn.

Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta đang chứng kiến tình trạng thừa thãi của những thứ chúng ta tiến hóa để rồi thèm khát. Trong đó bao gồm thực phẩm (đặc biệt là thức ăn có vị mặn, chất béo hay chất tẩm đường), gia sản (chúng ta mua hàng trực tuyến rồi chất đống trong nhà), thông tin (mạng Internet), các công cụ điều chỉnh tâm trạng (thuốc men và phương tiện giải trí) cùng sự ảnh hưởng (mạng xã hội)…

Dẫu vậy chúng ta vẫn được lập trình để tư duy và hành động như thể chúng ta chưa có đủ, hay chúng ta vẫn sống trong tình trạng khan hiếm từ thuở hồng hoang. Nguyên nhân là chúng ta có một bộ não luôn cảm thấy thiếu thốn. Nó khiến chúng ta luôn khao khát có được nhiều hơn. Không những vậy nó còn đẩy chúng ta vào một mô thức hành vi chịu ảnh hưởng của vòng lặp thiếu thốn. Đó là thói quen tiêu dùng ồ ạt và lặp lại ngay cả khi gặp nghịch cảnh.

Nói về “vòng lặp thiếu thốn”, Michael Easter cho rằng đó là một chu kỳ khiến chúng ta vĩnh viễn không hài lòng và luôn khao khát nhiều hơn nữa. Vận dụng những nghiên cứu về khoa học thần kinh, tâm lý học và thậm chí cả nhân chủng học, Easter làm sáng tỏ cách vòng lặp này đã ăn sâu vào bản chất của chúng ta.

Theo đó, “vòng lặp thiếu thốn” gồm ba phần: Cơ hội - Phần thưởng không lường trước - Hành động lặp lại mau chóng. Vòng lặp này là tác nhân khởi phát lớn nhất của tư duy “no bụng đói con mắt”.

Phần đầu tiên cơ hội, đây là thứ để chúng ta có được thứ gì đó có giá trị giúp cải thiện cuộc sống. Nhưng cơ hội này đi kèm rủi ro. Chúng ta có thể nhận được thứ gì đó có giá trị, chẳng hạn như tiền bạc, của cải, thực phẩm hay thậm chí là địa vị. Nhưng chúng ta cũng có thể không nhận được gì cả - hoặc thậm chí chúng ta có thể đánh mất cơ hội.

Giai đoạn thứ hai là những phần thưởng không thể đoán trước. Sự tưởng thưởng của những hành động hàng ngày là thứ có thể dự đoán được. Tuy nhiên, những phần thưởng có thể đoán trước này dường như mang đến sự đơn điệu. Trái lại, những phần thưởng không lường trước khiến chúng ta bị cuốn hút khi biết bản thân sẽ được tưởng thưởng. Chúng ta sẽ bồn chồn, sốt sắng chờ xem liệu mình có nhận được thứ gì đó tốt đẹp không.

Giai đoạn thứ ba là hành động lặp lại mau chóng. Hầu hết hành vi hàng ngày đều có một khởi đầu và kết thúc rõ ràng, và chúng ta không ngay lập tức lặp lại chúng. Mặt khác, các vòng lặp thiếu thốn mang tính lặp lại tức thời. Chúng ta nhìn thấy cơ hội, đôi khi được tưởng thưởng, và sau đó sẽ làm đi làm lại theo mọi mức độ chúng ta mong muốn.

Chế ngự tâm lý "No bụng đói con mắt" chỉ ra cách vượt qua bộ não khan hiếm và sống đủ. Nguồn: linkedin.

Chế ngự tâm lý "No bụng đói con mắt" chỉ ra cách vượt qua bộ não khan hiếm và sống đủ. Nguồn: linkedin.

Cách chế ngự vòng lặp thiếu thốn

Không những đi sâu nguồn gốc của ham muốn bắt nguồn từ những hành vi lặp đi lặp lại nhàm chán của chúng ta, cuốn sách còn chỉ ra các cách giúp chúng chế ngự những “ham muốn vô độ” tâm lý hay “no bụng đói con mắt”, và giúp chúng ta có được những lựa chọn sáng suốt hơn trong cuộc sống.

Theo tác giả sách, không dễ để chúng ta thoát khỏi vòng lặp thiếu thốn, bởi chúng ta đến với nó theo bản năng. Tuy nhiên chúng ta có thể hạn chế được điều này bằng cách tiêu giảm những hành động lặp đi lặp lại, hoặc tiêu giảm những trải nghiệm phức tạp của con người. Chúng ta cũng có thể thay thế vòng lặp của một chứng nghiện nào đó bằng một chứng nghiện khác, hoặc áp dụng tư duy vị lợi cho những tài sản mà chúng ta sắp sắm...

Chẳng hạn, chúng ta có thể làm chậm chuỗi hành động lặp lại mau chóng trong hệ thống sản xuất thực phẩm hiện đại bằng cách ăn uống như người Tsimane (một tộc người da đỏ bản địa sinh sống ở vùng đất thấp thuộc Bolivia).

Chúng ta có thể giảm tần suất mua sắm bằng cách xem liệu các món đồ mua là đồ nghề (gear) hay đồ đạc bình thường (stuff). Chúng ta có thể biến vòng lặp thiếu thốn thành vòng lặp dư thừa. Chúng ta có thể khám phá một địa điểm mới để có được những phần thưởng không lường trước. Chúng ta có thể bước ra thế giới và nỗ lực trong công việc để học hỏi những điều chưa biết…

Trong cuốn sách, tác giả Michael Easter có đề cập đến chứng nghiện rượu của mình và cách ông thoát khỏi vòng lặp đó bằng cách thay thế nó bởi một chứng nghiện khác. Tại sao ông lại làm như vậy? Về cơ bản, để bắt đầu những thói quen tốt mới là rất khó, vì vậy, bạn nên tập trung vào những thói quen xấu.

Tất cả chúng ta đều có một số thói quen xấu mà chúng ta làm quá thường xuyên. Nhưng chúng ta thường bỏ qua những thói quen xấu và thích xây dựng những thói quen tốt mới như ăn loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng nào đó …

Tuy nhiên, việc chúng ta xây dựng bao nhiêu thói quen tốt không quan trọng. Nếu chúng ta không xử lý những thói quen xấu của mình, chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/nguon-goc-cua-ham-muon-long-tham-va-cach-che-ngu-no-post1478340.html