Ngưỡng vọng và tri ân các nhà văn liệt sĩ

Trong hàng hàng lớp lớp những người yêu nước đã từng 'Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh' có một lớp người khá đặc biệt nhưng đôi khi ít được chú ý đến một cách đầy đủ - đó chính là những 'nhà văn - liệt sĩ'.

Họ đã sống, chiến đấu và cống hiến trọn đời mình cho quê hương, đất nước hoặc chính xác hơn là họ đã tự nguyện hóa thân thành những chiến sĩ thực thụ giữa chiến trường, trước khi làm công việc “nặng nhọc đặc thù” của mình là: Lao động nhà văn.

Ta có thể gọi họ một cách đầy đủ là nhà văn - chiến sĩ - liệt sĩ. Bởi vì, đây là một kiểu nhà văn độc đáo, được khai sinh từ gian khổ, ác liệt trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc - như cách nói ít nhiều có tính phát hiện của nhà văn nổi tiếng Nguyên Ngọc.

Tập sách chân dung các nhà văn - liệt sĩ do hai tác giả Ngô Vĩnh Bình và Phùng Văn Khai sưu tầm, biên soạn - nhà xuất bản QĐND phát hành vào dịp 27/7/2007. Có thể xem như đây là sự bù đắp phần nào khoảng trống vắng về sự tôn vinh những cống hiến của các nhà văn - liệt sĩ. Cũng không chỉ đơn thuần là sự trân trọng biết ơn đối với người đã khuất mà trên hết là vấn đề thể hiện đạo lý, truyền thống tốt đẹp đã có từ nghìn đời nay của dân tộc ta, với phương châm “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Hy vọng rằng những tập sách tương tự như thế này sẽ được tiếp tục xuất bản và phát hành rộng rãi với số lượng lớn để bạn đọc cả nước, nhất là thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận.

Tập sách dày 350 trang, giới thiệu tóm tắt tiểu sử tác giả và lược trích nội dung tác phẩm tiêu biểu của 15 nhà văn - nhà thơ hầu hết đều nổi tiếng và đa dạng trong phong cách sáng tạo. Có người được giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật như các nhà văn: Nam Cao (1917-1951), Nguyễn Thi (1928 -1968). Có người được giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật như các nhà thơ: Lê Anh Xuân (1940 - 1968), Thâm Tâm (1917-1950), Nguyễn Mỹ (1935-1971), Trần Mai Ninh (1917-1947); các nhà văn Trần Đăng (1921-1949), Chu Cẩm Phong (1941-1971), Dương Thị Xuân Quý (1941-1969). Riêng trường hợp Trần Đăng, còn là nhà văn đầu tiên được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhà văn Nguyễn Thi đã có tên đường tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi anh ngã xuống trong tư thế một nhà văn - chiến sĩ vào đợt tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Lần theo từng năm sinh và năm mất, ta nhận thấy có nhà văn hy sinh ở lứa tuổi đôi mươi trẻ trung, trong trắng, giàu nhiệt huyết như: Vũ Đình Văn (1951-1972), quê Nam Định. Có trường hợp như nhà văn nữ Dương Thị Xuân Quý - cả hai vợ chồng lần lượt xung phong vào chiến trường khu V, gởi lại đứa con duy nhất cho mẹ già ở hậu phương chăm sóc. Và chị đã vĩnh viễn nằm lại ở vùng đông Duy Xuyên (Quảng - Đà) trong một đợt đi về vùng sâu, rất sâu, ẩn chứa đầy nguy hiểm. Nhà văn Nguyên Ngọc khi viết về chị đã hơn một lần day dứt: “Thật bất công nếu không gọi chị là một người anh hùng…”. Chồng chị là nhà thơ Bùi Minh Quốc (còn có bút danh là Dương Hương Ly) may mắn còn sống sót qua chiến tranh vẫn tiếp tục cống hiến cho văn học cách mạng. Nơi các nhà văn - liệt sĩ hy sinh thường là những địa danh gợi lên những chiến trường ác liệt, và họ đã ngã xuống với niềm tin cháy bỏng - ngày chiến thắng gần kề. Không có gì quá đáng khi nói rằng: tài năng, tâm huyết và máu xương của các nhà văn liệt sĩ đã góp phần tô thắm thêm màu cờ thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh, chị là mất mát lớn lao, không dễ gì bù đắp được. Các anh, chị mãi mãi xứng đáng là những người con ưu tú để muôn đời mai sau còn ngưỡng vọng, ghi ơn.

Trong không khí cả nước hướng về kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), đọc lại tập sách chân dung các nhà văn - liệt sĩ của Ngô Vĩnh Bình và Phùng Văn Khai càng thấy ấm lòng như được truyền thêm nghị lực mạnh mẽ từ quá khứ hào hùng của dân tộc. Tập sách như một lời nhắc nhở những người đang sống phải tiếp tục cống hiến cho quê hương, đất nước một cách xứng đáng và cao đẹp nhất, để sự hy sinh của các nhà văn - liệt sĩ không rơi vào quên lãng và thậm chí trở thành vô nghĩa. Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã từng trăn trở: “… Đất nước trải qua bao chiến thắng, có được hòa bình như ngày hôm nay, nhưng làm sao để các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh có thể sống lại, làm sao trả được lại con cho những bà mẹ Việt Nam anh hùng…”.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/nguong-vong-va-tri-an-cac-nha-van-liet-si-121479.html