Trao lại hồ sơ 'đi B' của 3 nghệ sĩ nổi tiếng cho gia đình

Ba nghệ sĩ có hồ sơ 'đi B' được trao lại cho gia đình gồm nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền.

Tối 1-9, Đài Truyền hình TP HCM phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa và Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp tổ chức chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954–2024) với chủ đề "Niềm tin và khát vọng".

Chương trình diễn ra tại 3 điểm cầu: Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân (TP HCM); Khu lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 (Thanh Hóa); Khu Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 (Đồng Tháp).

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ dự chương trình

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ dự chương trình

Dự tại điểm cầu Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.

Tại chương trình, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã trao 3 bộ hồ sơ "đi B" cho gia đình của 3 văn nghệ sĩ. Đó là Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có gần 100 chuyến tàu không số với 168 chuyến hành trình vượt biển, vận chuyển hơn 150.000 tấn vũ khí, trang thiết bị, hàng chục ngàn lượt cán bộ từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam trực tiếp chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Họ được gọi với biệt danh là "đi B".

Ngày lên đường vào Nam, những cán bộ "đi B" đã để lại cả hồ sơ, giấy tờ, thư từ, huân chương, huy chương, hình ảnh, nhật ký... cho Ủy ban Thống nhất Chính phủ lưu giữ.

Họ chỉ mang trên mình bí danh cùng hành trang là lý tưởng cao cả - góp sức mình để giải phóng miền Nam.

Gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, những cán bộ "đi B" ngày ấy có người đã nhận lại được các hồ sơ, kỷ vật của mình. Nhưng cũng có những bộ hồ sơ vẫn nằm lại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III và được trân quý giữ gìn.

Nhạc sĩ Phan Hồng Hà, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và thầy thuốc ưu tú Diệp Thanh Bình nhận lại bộ hồ sơ "đi B" của người thân

Nhạc sĩ Phan Hồng Hà, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và thầy thuốc ưu tú Diệp Thanh Bình nhận lại bộ hồ sơ "đi B" của người thân

Tại chương trình, nhạc sĩ Phan Hồng Hà (con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng) và thầy thuốc ưu tú Diệp Thanh Bình (em gái của nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền) đã nhận lại bộ hồ sơ "đi B" của người thân.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu công tác ở Liên khu 5, sau đó tập kết ra Bắc. Ông là tác giả của những ca khúc như: "Hành khúc ngày và đêm", "Nhớ ơn Hồ Chủ tịch", "Quê tôi ở miền Nam"...

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là tác giả và biên kịch 2 tác phẩm nổi tiếng là truyện ngắn "Chiếc lược ngà" và phim điện ảnh "Cánh đồng hoang". Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là cán bộ miền Nam tập kết, rồi "đi B", ông dùng chính ngòi bút của mình để tham gia chiến đấu.

Nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền - tác giả của nhiều tác phẩm bất hủ, trong đó có ca khúc "Hát mãi khúc quân hành".

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, cho biết trung tâm đang lưu giữ gần 72.000 hồ sơ, kỷ vật của cán bộ "đi B", trong đó có những hồ sơ của cán bộ miền Nam vẫn đang tìm "đường về" lại với chính chủ nhân và gia đình.

Theo bà Trần Việt Hoa, hồ sơ của cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc đang được lưu giữ, ngoài hồ sơ lý lịch còn có cả có những tấm hình của những người thân trong gia đình, bạn bè, người thương, đồng đội.... Có những người còn sống, nhưng cũng có những người đã mãi mãi ra đi nay vẫn được lưu giữ.

Bà Trần Việt Hoa cũng thông tin còn một số hồ sơ của các cán bộ "đi B" đang sinh sống và làm việc tại TP HCM, sau chương trình này, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ tiến hành trao lại.

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/trao-lai-ho-so-di-b-cua-3-nghe-si-noi-tieng-cho-gia-dinh-196240901192459141.htm