Nguy cơ chậm đà phục hồi, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam cần thêm cú hích mới

Những tác động tiêu cực của giá nhiên liệu bay và việc nhiều thị trường quốc tế truyền thống: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản chưa mở lại đang làm chậm đà phục hồi của các hãng bay Việt.

Các hãng hàng không Việt Nam về cơ bản hiện vẫn đang phải độc canh thị trường trong nước.

Đây là nhận định của hầu hết các chuyên gia hàng không trong và ngoài nước về triển vọng của thị trường hàng không Việt Nam tại cuộc Hội thảo quốc tế “Phục hồi và phát triển ngành Hàng không Việt Nam trong bối cảnh mới” do Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ GTVT tổ chức vào sáng nay (24-5).

Nhiều tác động tiêu cực

“Thị trường hàng không Việt Nam vẫn chưa bước ra khỏi khó khăn sau hơn 2 năm gồng mình chống đỡ các tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc giá nhiên liệu bay tăng đột biến, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam chưa đạt kỳ vọng đang khiến các hãng hàng không gặp thách thức rất lớn về việc duy trì dòng tiền”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, đây là những khó khăn khách quan rất lớn, đe dọa đến tiến trình phục hồi của doanh nghiệp hàng không. Trong phạm vi của mình, Bộ GTVT đang kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không trong đó có hỗ trợ tài chính.
“Theo thông tin của chúng tôi thì các quốc gia phát triển trong khu vực vẫn đang tiếp tục hỗ trợ mạnh tay cho các hãng hàng không của họ, đặc biệt là các hãng hàng không quốc gia. Nếu các hãng bay của Việt Nam không thể vượt qua khó khăn thì nguy cơ mất thị trường hàng không vào tay các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn”, ông Lê Anh Tuấn cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, cũng như thế giới, ngành Hàng không Việt Nam đã bị tác động tiêu cực từ khi Covid-19 xảy ra. Doanh thu bị sụt giảm đột ngột nhưng các chi phí cố định vẫn ở mức cao, dẫn tới tình trạng bị thâm hụt dòng tiền và suy giảm lợi nhuận trong hai năm 2020 và 2021.

Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thị trường đã có dấu hiệu hồi phục nhưng mới chỉ ở thị trường nội địa trong khi thị trường quốc tế, nơi mang lại hơn 60% doanh thu cho các hãng hàng không Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn để có thể đạt được như mức trước dịch (năm 2019).

Hiện tại, mặc dù các hãng hàng không Việt Nam cũng như quốc tế đã khôi phục phần lớn các đường bay đến các thị trường truyền thống, tuy nhiên lượng khách quốc tế vẫn chủ yếu là khách công vụ, thăm thân, kinh doanh mà lượng khách du lịch (bao gồm cả khách vaòin bound và khách raout bound), nguồn khách chính của ngành hàng không vẫn còn rất hạn chế. Các thị trường du lịch lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan vẫn chưa được kích hoạt do các thị trường này vẫn duy trì các biện pháp chống dịch ở những mức độ khác nhau, chưa tạo điều kiện cho du lịch quốc tế. Thị trường khách Nga thì bị đóng băng, chưa biết đến khi nào mở lại do xung đột NgaUkraine.

Bên cạnh đó, sau2 năm chống chọi với đại dịch, các đơn vị trong ngành hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không Việt Nam đều chật vật, xoay xở để có nguồn tài chính, dòng tiền trong việc duy trì hoạt động. Trong giai đoạn vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp về tìm kiếm các nguồn tài chính để bổ sung vào vốn như hỗ trợ của chính phủ, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, huy động vốn thông qua tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng, bán bớt phần vốn sở hữu của doanh nghiệp…Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cấp dịch vụ hàng không như cảng hàng không, phục vụ mặt đất, xăng dầu, quản lý bay cũng hỗ trợ nhiều cho các hãng hàng không Việt Nam thông qua việc cho thanh toán chậm, giãn nợ, hoãn nợ...và điều này cũng khiến tình hình tài chính của các đơn vị này bị ảnh hưởng.

“Việc bảo đảm nguồn vốn để phát triển giai đoạn hậu Covid-19 là một thách thức lớn đối với các hãng hàng không”, ông Thắng nhận định.

Cần coi là ngành ưu tiên hàng đầu

Với tư cách là sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau giai đoạn dịch bệnh, hầu hết các chuyên gia tham dự Hội thảo đều nhất trí là quan điểm về việc Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ mạnh tay hơn nữa cho các doanh nghiệp hàng không.

Theo GS. Trần Thọ Đạt (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), để phục hồi và phát triển ngành Hàng không trong bối cảnh mới, GS. Trần Thọ Đạt kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy nhanh gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp. Trên quan điểm công bằng và hiệu quả, Hàng không, Du lịch và một số ngành dịch vụ liên quan cần được coi là những ngành ưu tiên hàng đầu vay với mức lãi suất ưu đãi, thời hạn ít nhất trong 2-3 năm để vực dậy hai ngành vốn bị ảnh hưởng nặng nhất. Đồng thời cũng cần cân nhắc việc xem xét giảm một số chi phí để hạn chế phần nào tác động của việc tăng giá xăng dầu, nhiên liệu bay thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu hàng không; tháo gỡ một số ràng buộc về chính sách giá như điều chỉnh giá trần vé máy bay; cho phép hãng hàng không được phụ thu nhiên liệu cho các chặng bay nội địa; hỗ trợ giá dịch vụ hàng không… Về phía các hãng hàng không cũng cần chủ động có các giải pháp khắc phục và thích ứng linh hoạt.

Đồng quan điểm ngành Hàng không đang có nhiều cơ hội để phục hồi và phát triển, TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đề nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành Hàng không. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp, mở rộng hệ thống này theo yêu cầu của thị trường cũng như đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống.

Tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành Hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác. Trước mắt, Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rộng phạm vi thừa nhận “hộ chiếu vắc - xin” của Việt Nam, thỏa thuận các quy trình, thủ tục với hành khách bay đi và đến Việt Nam để tạo điều kiện cho hành khách…

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian vừa qua, ngay cả ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường, việc Chính phủ thông qua các công cụ tài chính để hỗ trợ các hãng hàng không quốc gia vượt qua khó khăn do đại dịch là rất phổ biến, đem lại hiệu quả không chỉ đối với riêng hãng hàng không mà còn giúp ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải của xã hội.

Nhìn cả từ góc độ định hướng quản lý của Đảng về kinh tế nhà nước và kinh nghiệm quốc tế trong thời gian vừa qua, việc Chính phủ triển khai các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines với tư cách là chủ sở hữu nhà nước là hoàn toàn hợp lý và thực sự cần thiết. Thực tiễn đã chứng minh những giải pháp mà Chính phủ hỗ trợ Vietnam Airlines cho tới hiện nay đã giúp hãng duy trì hoạt động liên tục, bảo đảm sự hoạt động hiệu quả của thị trường hàng không Việt Nam. Để vượt qua những khó khăn và thách thức phải đối mặt trong thời gian tới, Chính phủ phải xây dựng một đề án tổng thể cơ cấu lại ngành hàng không.

Trong đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chủ động cùng Vietnam Airlines và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam với tư cách là đại diện chủ sở hữu tại hãng hàng không quốc gia và cơ quan quản lý hạ tầng ngành hàng không quốc gia xây dựng chương trình cơ cấu lại kịp thời, không để lỡ thời cơ và có người chịu trách nhiệm cụ thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nguy-co-cham-da-phuc-hoi-cac-doanh-nghiep-hang-khong-viet-nam-can-them-cu-hich-moi-d166515.html