Nguy cơ cháy nổ trong gia đình do 3 sai lầm khi dùng giấy bạc

Giấy bạc hiện nay được sử dụng rất phổ biến ở các nhà hàng và ngay trong các hộ gia đình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hầu hết mọi người đều dùng nó theo cảm tính mà không biết dùng thế nào mới đúng, thực phẩm nào phù hợp và thực phẩm nào nào không.

Giấy bạc được sản xuất từ nhôm có độ tinh khiết cao, thường được dùng để bảo quản, bọc gói thực phẩm khi nướng trên bếp lửa. Vì màng nhôm có khả năng chống xuyên thấm, chống ánh sáng, ngăn được không khí và không thấm nước nên sẽ ngăn được mùi, giữ được độ ẩm, độ ấm cho thức ăn, tránh dầu mỡ và nước tràn ra trong quá trình nấu.

Tuy nhiên, không phải thực phẩm nào cũng thích hợp để bảo quản trong giấy bạc. Ngoài ra, việc sử dụng giấy bạc trong một số thiết bị nhà bếp cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, gây hại sức khỏe.

Bỏ giấy bạc vào lò vi sóng

Nhiều người cho rằng sử dụng giấy bạc trong lò vi sóng giúp việc vệ sinh lò dễ dàng hơn, hạn chế thất thoát chất dinh dưỡng vì thực phẩm đã được bọc kín. Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm.

Bản chất giấy bạc là kim loại nên bạn không nên sử dụng trực tiếp giấy bạc để nướng trong lò vi sóng. Trong quá trình nấu, chất nhôm trong giấy bạc sẽ làm chệch hướng sóng điện từ khiến món ăn không thể chín và còn gây nguy hại tới lò

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đặc biệt, dùng giấy bạc với lò vi sóng dễ làm tắc các lỗ thông hơi, khiến nhiệt độ tăng cao, đồng thời sóng vi ba không xuyên qua được, tạo nên các tia lửa điện dễ làm lò bị cháy.

Nếu vẫn muốn dùng giấy bạc trong lò vi sóng, cần lưu ý chỉ nên sử dụng giấy bạc mới, bề mặt mịn, không nhăn rách, không bị đổi màu. Giấy bạc bị nhăn có thể gây ra các hiện tượng hồ quang, tia lửa khi quay trong lò vi sóng.

Khi sử dụng giấy bạc trong lò vi sóng, chỉ nên dùng một lượng nhỏ để che phủ không quá 1/4 bề mặt thực phẩm. Đồng thời, tránh đặt giấy bạc gần sát thành lò để tránh tình trạng cháy, phần giấy bạc cho vào lò vi sóng không được che hoặc chạm sát vào giá, bàn xoay của thiết bị.

Nếu lò vi sóng có kệ kim loại hoặc bàn xoay bằng kim loại, hãy tuyệt đối không sử dụng các hộp đựng bằng giấy bạc để đựng thực phẩm.

Trường hợp không tuân thủ các hướng dẫn an toàn trên có thể gây ra các rủi ro như thức ăn không thể làm nóng do giấy bạc phản xạ sóng micro, nhiệt độ không thể chạm đến thực phẩm, hoặc tình trạng cháy nổ, mất an toàn khi sử dụng, thậm chí làm hỏng các thiết bị nhà bếp.

Ngoài ra, người dùng cũng không bao giờ được cho túi giấy, túi nilon, hay tờ báo vào trong lò vi sóng vì chúng có thể tỏa ra các chất khí độc hại, hoặc bốc cháy dưới nhiệt độ cao trong lò.

Dùng giấy bạc với thực phẩm có tính axit

Thạc sĩ Cai Zhengliang của Hiệp hội Dinh dưỡng Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ trên chuyên trang HK01 , không phải thực phẩm nào cũng phù hợp để dùng cùng giấy bạc. Đặc biệt là các thực phẩm có tính axit như: chanh, cà chua, thực phẩm hay gia vị chứa cồn,...

Nếu dùng giấy bạc cùng các thực phẩm trên, tính axit của chúng sẽ ăn mòn lá nhôm và hòa tan các ion nhôm trong quá trình làm nóng. Không chỉ ảnh hưởng tới hương vị món ăn mà còn gây độc hại cho cơ thể. Khi nhôm bị nhiễm qua thức ăn vào trong cơ thể, chúng sẽ không thể tiêu hóa và được tích lũy trong các bộ phận của cơ thể như gan, thận, xương và các mô trong não.

Người bị nhiễm nhôm có thể bị đau bụng hoặc cảm thấy mệt mỏi. Nó ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh của chúng ta. Các bệnh nhân bị Alzheimer và trầm cảm bị nhiễm có thể gây mất trí nhớ, lo lắng, hen suyễn…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dùng giấy bạc để bọc thức ăn thừa

Với những thực phẩm có nước sốt hay được chế biến sẵn trong giấy bạc, hầu hết mọi người đều để nguyên trong giấy bạc và cất vào tủ lạnh để bảo quản. Thói quen này vừa tiện lợi, nước không thấm ra ngoài lại dễ mang đi ham nóng.

Thế nhưng, hành động bọc kín thực phẩm thừa trong giấy bạc tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc.

Khi một bữa ăn nóng được để ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 tiếng, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh chóng. Sử dụng giấy bạc để bọc thực phẩm cũng có nguy cơ tương tự, vì nó không hoàn toàn bọc kín thực phẩm ngăn với không khí.

Do đó, với thức ăn thừa, các gia đình nên đợi thực phẩm nguội hẳn, sau đó bảo quản chúng trong hộp kín và cho vào tủ lạnh.

Phương Anh (Theo Metro)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/nguy-co-chay-no-trong-gia-dinh-do-3-sai-lam-khi-dung-giay-bac-d199598.html