Nguy cơ cháy rừng cao, các địa phương không chủ quan với 'giặc lửa'

Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150 ha rừng, tăng trên 2 lần về số vụ, diện tích rừng bị thiệt hại gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024.

Cháy rừng ở khu vực phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng. Ảnh: TTXVN phát

Cháy rừng ở khu vực phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng. Ảnh: TTXVN phát

Chiều 17/4, ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 129 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 150 ha rừng, tăng trên 2 lần về số vụ, diện tích rừng bị thiệt hại gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024; ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và đời sống của nhân dân.

Đặc biệt, vụ cháy rừng cuối tháng 3 năm 2025 tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã làm 1 người tử vong, thiêu rụi trên 20 ha rừng. Những ngày gần đây, vẫn xảy ra cháy rừng tại một số địa phương, nhất là ở Bắc Bộ như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Cao Bằng, Lạng Sơn... Gần đây nhất, chiều ngày 16/4 đã tiếp tục xảy ra cháy rừng tại huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình và thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam (khu vực giáp gianh giữa 2 tỉnh).

Theo ông Đoàn Hoài Nam, tổng hợp từ Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, trong 13 năm qua, đây là thời điểm ghi nhận tình trạng khô hanh cao hiếm thấy. Cùng với ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (Yagi -2024) tác động đến 20 tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam tạo nguồn vật liệu cháy lớn, tình hình cháy rừng trong những tháng đầu mùa khô, đặc biệt là tháng 4, diễn biến rất phức tạp.

Quảng Ninh đã ghi nhận 6 vụ cháy rừng với tổng diện tích bị cháy hơn 100 ha. Tuy nhiên, thiệt hại cụ thể vẫn đang được tiếp tục thống kê. Các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Bắc Kạn, Bắc Giang… cũng nằm trong nhóm có nguy cơ cháy rất cao do diện tích rừng bị thiệt hại bởi bão số 3 lên tới 190.000 ha.

Không chỉ Quảng Ninh và Hải Phòng, các tỉnh như Hà Nam, Bắc Giang, Cao Bằng… cũng đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng nghiêm trọng nếu không có biện pháp phòng, chống hiệu quả. Nhìn chung, các địa phương có rừng thiệt hại do bão số 3 - Yagi cần đặc biệt quan tâm đến phòng cháy, chữa cháy rừng.

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ông Đoàn Hoài Nam, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Dự báo, thời gian tới thời tiết khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ chuyển sang giai đoạn nắng nóng, nguy cơ cháy rừng đang ở mức rất cao, cơ quan chức năng đã phát cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm) ở nhiều nơi của khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ; kết hợp với điều kiện thực địa đặc thù, đòi hỏi công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cần được triển khai đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu mùa khô.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, như kiện toàn ban chỉ đạo; rà soát xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy “4 tại chỗ”; thành lập các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy quần chúng. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, nguy cơ cháy rừng cao, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.

Ông Đoàn Hoài Nam cho rằng, địa phương cần chủ động trong phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt là phương châm “4 tại chỗ” để xử lý cháy rừng kịp thời, hiệu quả, hạn chế tối đa thiệt hại. Bên cạnh đó là tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân, đặc biệt trong việc sử dụng lửa. Địa phương bố trí các trạm chốt, nghiêm cấm các du khách, ngăn chặn kịp thời người sử dụng lửa trong rừng. Đây là nguồn lửa nguy hiểm nhất.

Cùng với đó, hiện đang vào mùa trồng rừng ở phía Bắc, mùa làm nương rãy của đồng bào nên nguồn vật liệu cháy từ phát thực bì cũng cần được lưu ý, thực hiện đúng quy trình. Tức là việc phát dọn cần đúng thời điểm, khi đốt dọn phải có sự giám sát chặt chẽ từ lực lượng chức năng, đảm bảo đúng kỹ thuật, thời điểm và có lực lượng canh gác.

Các chủ rừng, đơn vị chức năng cần chủ động phát dọn thực bì tại các khu vực dân cư, tuyến giao thông tiếp giáp rừng để giảm thiểu nguy cơ cháy lan. Các du khách khi tham quan du lịch sinh thái cần thực hiện nghiêm việc cấm sử dụng lửa, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cháy cấp độ cao (cấp III, IV, V).

Ngoài ra, việc phát hiện sớm điểm cháy và tổ chức chữa cháy kịp thời sẽ giúp giảm thiểu đáng kể thiệt hại. Chính quyền địa phương, chủ rừng và người dân thường xuyên theo dõi bản tin cảnh báo cháy rừng từ hệ thống website của Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm để chủ động phòng ngừa, ứng phó, ông Đoàn Hoài Nam khuyến cáo.

Liên quan đến các vụ cháy rừng gần đây, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm đánh giá cao chính quyền địa phương đã có sự ứng trực, sự chuẩn bị phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nguồn vật liệu cháy quá lớn, trong khi việc tiếp cận điểm cháy bằng công cụ thủ công nên gặp nhiều khó khăn do sức lan tỏa nhanh, gây nguy hiểm cho lực lượng chữa cháy.

Vì vậy, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, cần tiếp tục đầu tư cho trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng chuyên dụng, đào tạo lực lượng chuyên trách và tăng cường ứng dụng công nghệ trong giám sát, phát hiện sớm và chỉ đạo chữa cháy rừng hiệu quả.

Theo Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, hiện có 35 vùng có mức cảnh báo cháy rừng cấp V – cấp rất nguy hiểm thuộc các tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cà Mau. Có 92 vùng ở mức cảnh báo cấp IV – cấp nguy hiểm thuộc các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn; Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Gia Lai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang và Cà Mau.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nguy-co-chay-rung-cao-cac-dia-phuong-khong-chu-quan-voi-giac-lua/370484.html