Nguy cơ cháy rừng ở đồng bằng sông Cửu Long
Không nằm ngoài dự báo của cơ quan chức năng, đến cuối tháng 3 vừa qua, nhiều diện tích rừng ngập ngọt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển sang báo cháy cấp V, cấp cuối cùng và cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng. Ở mức này, chỉ sơ suất nhỏ cũng có thể thành thảm họa...
Cuối tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), một trong những khu rừng ngập ngọt lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong khu vực lâm phần ấy, trước đó đã có vài cơn mưa trái mùa nhưng hiện tại không khí vẫn khá oi bức.
Khá nhiều máy móc được huy động để bơm nước bổ sung vào các kênh, rạch góp phần hạ nhiệt cho những thửa rừng già khô kiệt đang dự báo cháy ở cấp độ IV (cấp nguy hiểm). Các chốt, đài quan sát trong rừng, đâu đâu cũng có người túc trực.
Hỏi thăm tình hình ngay khi vừa thay ca trực, ông Lê Thanh Sơn, thành viên Đội bảo vệ rừng chuyên trách Vườn quốc gia Tràm Chim cho hay, vào cao điểm mùa khô như hiện nay, lực lượng trong đội chia nhau canh trực 24/24 giờ để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi, nguy cơ dẫn đến cháy rừng, đặc biệt là nguy cơ đến từ con người.
Đầu tháng 3, khu vực lân cận đã xảy ra cháy rừng, nguyên nhân được nhận định do người dân vào rừng sử dụng lửa bất cẩn. Vụ cháy vào chiều 6/3, tại rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười thuộc địa bàn ấp 6A, 6B (xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười). Dù lửa dập tắt kịp thời nhưng vụ cháy làm hư hại hơn 4.500 m2 rừng, trong đó có 850 cây cừ tràm mới khai thác nhưng chưa kịp chuyển ra khỏi rừng.
“Ngay sau vụ cháy, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu những ngày cuối tuần và ngày lễ phải bảo đảm 100% lực lượng có mặt tại đơn vị, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ; cũng như yêu cầu tạm dừng các hoạt động trong rừng, như: chặt cây, tỉa thưa rừng, lấy thuốc nam...”, ông Bùi Văn Son, Đội trưởng kiểm lâm cơ động phòng cháy, chữa cháy rừng, thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 6.161 ha diện tích đất có rừng, chủ yếu là rừng tràm và bạch đàn, phân bổ trên địa giới bốn huyện là Tam Nông, Tân Hồng, Tháp Mười và Cao Lãnh. Trong đó, có ba khu vực nguy cơ cháy cao là rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười; Trại Động Cát ở huyện Tháp Mười; Gò Cát, Gò Trâu, Gò Tre thuộc Vườn quốc gia Tràm Chim.
Tại tỉnh An Giang, đến cuối tháng 3 vừa qua, tuy chưa xảy ra vụ cháy nào nhưng phần lớn diện tích lâm phần đã khô hạn nặng. Các khu vực nguy cơ cháy cao gồm: rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, khu vực núi Cấm; khu vực thuộc các núi Dài lớn, Tượng, Cô Tô, Nam Quy...
Trong khi tại Cà Mau, dù mùa khô này chưa xảy ra vụ cháy nào nhưng cập nhật đến hết ngày 25/3, trong tổng số hơn 40.000 ha lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.400 ha báo cháy cấp IV và hơn 1.370 ha báo cháy cấp V.
Theo nhận định của Tổng cục Lâm nghiệp, tình trạng nắng nóng, khô hạn đang diễn ra phức tạp, dự báo đến cuối tháng 3/2022, địa bàn khu vực Tây Nguyên, Đông và Tây Nam Bộ, nhiều diện tích rừng có nguy cơ cảnh báo cháy cấp IV, cấp V. Chính vì thế, ngay từ đầu tháng, Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản nhắc nhở cơ quan chức năng các khu vực nêu trên chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra theo đúng tinh thần Công điện số 905/CĐ-TTg (ngày 1/7/2021) của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 3249/CĐ-BNN-TCLN (ngày 1/6/2021) của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại Cà Mau, chủ động ứng phó với tình hình khô hạn khốc liệt, ngay từ trước khi mùa mưa kết thúc, ngành chức năng tỉnh đã tiến hành đắp 92 cống, đập lớn nhỏ để giữ nước ngọt phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Các đơn vị chủ rừng còn chủ động phát quang hơn 278 km các tuyến giao thông đường bộ trong lâm phần nhằm tạo đường băng cản lửa, đồng thời khơi thông, nạo vét lòng kênh ở khu vực được giao khoán với tổng chiều dài hơn 240 km nhằm thuận tiện hơn trong tuần tra, vận chuyển trang thiết bị chuyên dụng.
Quán triệt và thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, ngành chức năng Cà Mau đã chủ động sửa chữa và trang bị mới 120 máy bơm nước (71 máy công suất lớn) các loại và hơn 68 nghìn mét vòi chữa cháy cho các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng; 154 vỏ lãi các loại và xe chuyên dụng làm phương tiện di chuyển phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng cùng các trang bị cần thiết khác phục vụ công tác thông tin liên lạc trong phòng cháy, chữa cháy rừng...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau Trần Văn Thức cho biết: Cơ quan chức năng tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho các tổ, đội phòng cháy, chữa cháy rừng và hơn 20 đơn vị chủ rừng tại địa phương, đồng thời ký phối hợp phòng cháy, chữa cháy rừng với các xã, thị trấn và hơn 4.950 hộ dân các địa phương có rừng. “Trước tình hình khô hạn như hiện nay, chúng tôi tiếp tục duy trì 74 tổ máy bơm, hơn 590 người luân phiên ứng trực trên 86 chòi canh lửa trên địa bàn lâm phần. Trong trường hợp khẩn cấp có thể huy động lực lượng lên đến hơn 2.600 người”, ông Thức chia sẻ.
Cũng nhằm thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, tại An Giang, ngành chức năng nhắc nhở các đơn vị chủ rừng không được lơ là, chủ quan. Hiện tại, tỉnh đang duy trì sẵn sàng hoạt động của 17 Tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng thuộc địa bàn trọng điểm huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Chi cục Kiểm lâm An Giang cũng được tỉnh trang bị sáu xe tải, 59 xuồng và vỏ lãi, 126 máy chữa cháy đồi, 146 máy chữa cháy đeo vai và hơn 7.535 dụng cụ như thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa... Trong trường hợp cần thiết, địa phương này có thể huy động đến 2.500 người gồm lực lượng quân sự, công an, kiểm lâm, ban quản lý rừng... để tham gia nhiệm vụ chữa cháy rừng vùng đồi núi.
Tại Đồng Tháp, lãnh đạo tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh; phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương tiến hành rà soát các đối tượng thường xuyên xâm nhập trái phép vào rừng để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp; thực hiện nghiêm chế độ trực 24/24 giờ trong mùa khô hanh để tiếp nhận thông tin diễn biến tình hình công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo hiệp đồng các lực lượng như công an, quân sự và chính quyền địa phương hỗ trợ các chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, truy quét, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm đất rừng, phá rừng, chăn thả gia súc, bẫy bắt động vật rừng trái phép, gây cháy rừng… và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tăng cường công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Các chủ rừng cũng được nhắc nhở phải thường xuyên khuyến cáo người dân sống ven rừng không được sử dụng lửa ở khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra thực tế và tặng quà lực lượng canh lửa mùa khô trên địa bàn lâm phần rừng tràm U Minh Hạ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt tiếp tục yêu cầu lực lượng chức năng thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô trên lâm phần theo phương án được duyệt, đặc biệt là thực hiện “bốn tại chỗ”; duy trì các tổ, đội tuần tra lưu động; thường xuyên kiểm tra, vận hành máy móc, trang thiết bị, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt... để ứng phó kịp thời, nhanh chóng khi có tình huống xảy ra n
Theo số liệu từ một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2021, cháy rừng xảy ra rải rác tại một số tỉnh trong khu vực: An Giang với 10 vụ, tổng diện tích thiệt hại khoảng 5,6 ha; Kiên Giang với 8 vụ (chủ yếu cháy đồng cỏ, tràm tái sinh), tổng diện tích thiệt hại khoảng 12 ha.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/moi-truong/nguy-co-chay-rung-o-dong-bang-song-cuu-long-691699/