Theo truyền thông Nga, tin tức trên cần được quan tâm một cách đặc biệt, bởi nguy cơ từ tên lửa chống hạm Neptune được hoán cải thành biến thể tấn công mặt đất là rất lớn.
R-360 Neptune được tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine phát triển dựa trên tên lửa chống hạm tầm thấp cận âm chiến thuật cỡ nhỏ Kh-35 Uran của Liên Xô/Nga, hay “Sản phẩm 78”.
Kh-35 được thiết kế để tiêu diệt tàu mặt nổi có lượng giãn nước tới 5.000 tấn. Tên lửa này được đưa vào sử dụng từ năm 2003 và vẫn đang giữ vị trí quan trọng trong Hải quân Nga.
Tên lửa Kh-35 được trang bị đầu dẫn radar chủ động, tùy theo sửa đổi, có tầm bay từ 130 - 260 km và đầu đạn nặng tới 145 kg, có thể phóng từ tàu chiến, xe vận tải, từ máy bay và thậm chí cả trực thăng.
Tên lửa của Nga bay tới mục tiêu ở độ cao 10 - 15 mét dưới sự điều khiển của hệ thống điều khiển quán tính, và ở phần cuối của quỹ đạo, mục tiêu bị đầu dẫn radar chủ động ARGS-35 bắt giữ.
Sau đó quỹ đạo của tên lửa thay đổi, giảm độ cao xuống còn 3 - 5 mét. Điều này làm phức tạp thêm việc đánh chặn bằng các hệ thống phòng không/phòng thủ mà tàu chiến được trang bị.
Trong khi đó Neptune là thành quả từ quá trình hiện đại hóa sâu rộng Kh-35, điều này trở nên khả thi nhờ vào khả năng tiếp cận tài liệu thiết kế của Kyiv, sự hiện diện của một trường kỹ thuật đủ năng lực và di sản của tổ hợp công nghiệp quân sự Liên Xô.
Việc phát triển tên lửa Neptune bắt đầu từ sau năm 2014, vậy điều gì đã thay đổi ở phiên bản do Ukraine nghiên cứu chế tạo so với Kh-35 nguyên bản của Nga?
Đầu tiên, tên lửa đã tăng kích thước, giúp tăng lượng nhiên liệu và do đó tầm bay được tuyên bố chính thức là 280 km. Đầu đạn phân mảnh có sức nổ cao cũng tăng lên 150 kg.
Tên lửa chống hạm của Ukraine vẫn có thể được phóng từ mặt đất, trên biển và trên không. Tổ hợp ven biển RK-360MS cho phép phóng đồng thời 24 tên lửa hành trình vào các mục tiêu khác nhau trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 giây.
Những thay đổi chính rõ ràng đã ảnh hưởng đến hệ thống dẫn đường của tên lửa Neptune. Các nhà phát triển Ukraine rõ ràng muốn có một tên lửa chống hạm có thể sửa đổi để tấn công mục tiêu cả trên mặt nước và mặt đất.
Gần đây, Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắt đầu sử dụng tên lửa chống hạm tích cực hơn nhằm vào các mục tiêu ở Crimea, họ đã phóng tên lửa từ đất liền ở đâu đó gần Odessa.
Hiện tại vẫn chưa xảy ra một cuộc tấn công trên quy mô lớn nào, nhưng hệ thống phòng không Nga triển khai trên bán đảo Crimea đang sẵn sàng đối phó với nhiều tên lửa Neptune bay tới cùng một lúc.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tên lửa Ukraine có tầm bắn xa hơn và bay sâu vào các khu vực nội địa của Nga, khi hệ thống phòng không có mật độ thưa hơn nhiều so với tiền tuyến?
Ấn phẩm chuyên ngành The Drive của Mỹ tuyên bố rằng Ukraine đang nỗ lực cải tiến tên lửa Neptune thành vũ khí hủy diệt các mục tiêu mặt đất kể từ tháng 4 năm 2023.
Tờ báo Mỹ tiết lộ: "Ukraine đã phát triển hệ thống dẫn đường GPS, đưa tên lửa tới một địa điểm được xác định trước. Sau đó, thiết bị tìm kiếm hồng ngoại của đạn sẽ tìm kiếm và khóa mục tiêu dựa trên hình ảnh được cài sẵn, sau đó lao vào vật thể".
"Nếu không thể bắn trúng mục tiêu, tên lửa sẽ ngừng tấn công. Đây sẽ là một bước nhảy vọt đáng kể về năng lực vì những tên lửa này sẽ không thể bị gây nhiễu bởi tác chiến điện tử và sẽ rất khó bị phát hiện trong giai đoạn tấn công do bản chất đầu dò của chúng là thụ động".
Hơn nữa, các chuyên gia Mỹ bày tỏ một cách hoàn toàn hợp lý về việc có thể đạt được những cải tiến về đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của tên lửa Neptune:
"Hiện tại, tên lửa hành trình Storm Shadow và Scalp-EG NATO viện trợ Ukraine đang sử dụng hệ thống dẫn đường như vậy".
"Việc ứng dụng công nghệ này trên Neptune cải tiến sẽ phản ánh trực tiếp đường đi của RGM-84 Harpoon được hoán cải thành SLAM (tên lửa tấn công mặt đất) thông qua sửa đổi với đầu tìm kiếm hồng ngoại thụ động".
Theo trang The Drive, tên lửa Neptune nâng cấp có thể không chỉ nhận được hệ thống dẫn đường sửa đổi để tấn công mục tiêu mặt đất, mà còn có tầm bay tăng lên tới 400 km, cũng như trọng lượng đầu đạn 350 kg, đây rõ ràng là nguy cơ cực lớn mà Nga không thể xem nhẹ.