Nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng tại Châu Âu

Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo; Ông chủ Tesla đề xuất thỏa thuận hòa bình cho Nga - Ukraine; Israel tăng lãi suất kỷ lục trong vòng 11 năm; Nguy cơ dịch cúm gia cầm lan rộng tại Châu Âu; Kế hoạch cắt giảm thuế tại Anh ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 4/10/2022.

TRIỀU TIÊN LẠI PHÓNG TÊN LỬA ĐẠN ĐẠO

Sáng nay, Triều Tiên tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung về phía vùng biển phía Đông. Tờ Japan Times đưa tin.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay tên lửa của Triều Tiên bay qua khu vực Đông Bắc nước này. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản, buộc Tokyo phải kích hoạt hệ thống cảnh báo người dân tìm nơi trú ẩn. Nhật Bản sau đó đã lên án vụ phóng của Triều Tiên.

ÔNG CHỦ TESLA ĐỀ XUẤT THỎA THUẬN HÒA BÌNH CHO NGA - UKRAINE

Tỷ phú nổi tiếng thế giới Elon Musk đã đưa ra quan điểm của ông về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. Người đứng đầu công ty Tesla và SpaceX đã đề xuất một thỏa thuận 4 điểm trên mạng xã hội Twitter. Báo The Washington Post đưa tin.

Theo tỷ phú Elon Musk, 4 điểm đó bao gồm bỏ phiếu trưng cầu dân ý lại về việc sáp nhập các vùng lãnh thổ Ukraine dưới sự giám sát của LHQ; duy trì bán đảo Crimea “là một phần chính thức của Nga, như nó đã tồn tại từ năm 1783”; đảm bảo cung cấp nước cho bán đảo Crimea; và cuối cùng là duy trì tình trạng trung lập của Ukraine. Ông Musk cho rằng khả năng cao, đây sẽ là kết quả đàm phán cuối cùng.

ISRAEL TĂNG LÃI SUẤT KỶ LỤC TRONG VÒNG 11 NĂM

Ngân hàng Trung ương Israel đã quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm %. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Israel đang phải nỗ lực ứng phó với tình trạng lạm phát gia tăng, hiện ở mức 4,5%.

Hãng tin Reuters cho hay, đây là lần thứ 5 liên tiếp ngân hàng Trung ương Israel nâng lãi suất kể từ tháng 4/2022, hiện đang là 2,75% từ mức thấp kỷ lục 0,1% duy trì trong nhiều năm. Nguyên nhân gây ra tình trạng lạm phát tại nước này xuất phát từ nhu cầu mạnh mẽ trong nước, cũng như các yếu tố bên ngoài như xung đột Nga – Ukraine, chi phí năng lượng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

NGUY CƠ DỊCH CÚM GIA CẦM LAN RỘNG TẠI CHÂU ÂU

Năm 2022, châu Âu đã trải qua cuộc khủng hoảng cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước tới nay với gần 50 triệu gia cầm bị tiêu hủy.

Theo thông được tờ Guardian đăng tải, Trung tâm phòng chống dịch bệnh Liên minh châu Âu và Phòng Thí nghiệm châu Âu, có nhiều báo cáo về tình trạng dịch cúm gia cầm lây lan ở các loài chim hoang dã và chim nuôi trong mùa Hè năm nay, dẫn tới tình trạng chết hàng loạt của các loài chim biển trên bờ biển Đại Tây Dương. Cơ quan này cảnh báo khi mùa di cư vào mùa Thu bắt đầu, nguy cơ lây nhiễm virus cúm độc lực cao tại châu Âu cao hơn những năm trước do virus này vẫn đang tồn tại ở châu Âu.

KẾ HOẠCH CẮT GIẢM THUẾ TẠI ANH

Chính phủ của Thủ tướng Anh Liz Truss đã từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập cao nhất 45% trong ngày thứ hai của hội nghị đảng Bảo thủ ở Birmingham. Trước đó, việc công bố kế hoạch này đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ thị trường quốc tế cùng sự phản đối ngày càng tăng trong nội bộ đảng Bảo thủ. Động thái mới nhất từ chính phủ Anh cũng như tác động của kế hoạch này đã được nhiều báo lớn đề cập.

“Vì sao kế hoạch cắt giảm thuế của Anh khiến các nhà đầu tư khiếp sợ?”, là câu hỏi của một bài viết trên trang cbsnews. Bài viết cho hay, các nhà đầu tư đều hoài nghi việc giảm thuế có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một báo cáo của FocusEconomics cho rằng việc kích thích nền kinh tế có thể tạo ra một cú hích trong thời gian ngắn, nhưng nó sẽ “làm tăng nợ công, tăng thâm hụt ngân sách, gây ra lạm phát cơ bản và đè nặng lên đồng bảng Anh”. Bên cạnh đó, các tập đoàn cũng nhiều khả năng coi việc cắt giảm thuế như một cách để tăng tỷ suất lợi nhuận của họ hơn là đầu tư thêm để mở rộng hoặc tăng trưởng.

“Canh bạc của Anh về việc cắt giảm thuế đã được các nhà kinh tế cảnh báo về những sai lầm trong quá khứ” là một bài viết trên tờ New York Times. Theo bài báo, nhiều nhà kinh tế cho rằng các quan chức Anh đang bỏ qua một bài học từ đợt cắt giảm thuế gần đây nhất ở Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Những đợt cắt giảm đó chủ yếu giúp ích cho nền kinh tế bằng cách tạm thời tăng nhu cầu tiêu dùng, nhưng lại gây tổn hại đặc biệt trong môi trường lạm phát cao như ở Anh.

Một bài viết trên tờ The Guardian của Anh có tiêu đề “Việc đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế sẽ giúp Thủ tướng Truss có thêm thời gian, nhưng uy tín của bà vẫn bị ảnh hưởng”. Tác giả bài viết nhận định, quyết định đảo ngược kết hoạch bãi bỏ thuế suất 45% là điều không thể tránh khỏi sau những phản ứng từ các thành viên đảng Bảo thủ. Bên cạnh đó, việc bà Truss thay đổi ý kiến được đánh giá là đã quá muộn bởi những thiệt hại đã xảy ra. Người dân sẽ luôn nhớ đến việc đồng bảng Anh giảm giá so với đồng đô la, Ngân hàng Trung ương Anh buộc phải giải cứu các quỹ hưu trí, lãi suất thế chấp tăng lên và một kỷ nguyên thắt lưng buộc bụng đang tới gần.

Thực hiện : Đỗ Lê Ngọc Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nguy-co-dich-cum-gia-cam-lan-rong-tai-chau-au