Nguy cơ gia tăng trẻ cận thị sau kỳ nghỉ hè

Cận thị đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế - xã hội toàn cầu và là loại tật khúc xạ mắc phải phổ biến nhất ở lứa tuổi học sinh. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè, trẻ càng dễ bị cận thị, tăng độ hoặc nhanh mỏi mắt khi đi học trở lại.

Khám cận thị cho trẻ em. Ảnh: BVCC.

Khám cận thị cho trẻ em. Ảnh: BVCC.

Theo nghiên cứu của Viện thị giác Brien Holden, hiện thế giới có khoảng gần 2 tỷ người bị cận thị và dự báo con số này sẽ tăng lên tới gần 4,8 tỷ - chiếm gần 1 nửa dân số thế giới và năm 2050. Căn bệnh này đã và đang trở thành một vấn nạn liên quan đến sức khỏe và kinh tế xã hội toàn cầu. Đặc biệt, tỷ lệ cận thị và cận thị cao ở khu vực Đông Á hiện ở mức rất cao và đang có xu hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây.

BS Nguyễn Bá Trung - khoa Mắt, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, hiện tượng này do thói quen và các hoạt động kém lành mạnh như đọc sách, truyện trong môi trường thiếu ánh sáng hay với cự ly gần trong thời gian dài, chơi game trên điện thoại, trên máy vi tính; xem tivi… quá nhiều khiến mắt trẻ phải điều tiết liên tục, gây mệt mỏi, đau và nhức mắt.

Còn BS Lê Thị Chính - Phó Trưởng khoa Mắt, BV đa khoa Hà Đông nhận định, vấn đề chung của các gia đình cho con đến khám mắt trong mùa hè là thị lực của trẻ rất kém, do thời gian rảnh rỗi ở nhà quá nhiều, cũng không biết làm gì khác ngoài giải trí với các trò chơi trên mạng, xem tivi hoặc đọc sách... Thực tế, ngay cả khi không dùng các thiết bị di động thì việc ở trong không gian hẹp quá lâu với tầm nhìn ngắn cũng khiến thị lực không còn như trước. Trong khi, ánh sáng tự nhiên và hoạt động thể chất bên ngoài đóng một vai trò đối với tình trạng sức khỏe của mắt. Đặc biệt là trẻ từ 7 - 9 tuổi và 12 - 14 tuổi. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì mải chơi sẽ dễ gây ra cận thị.

"Ngoài ra, trẻ xem ti vi quá gần, nếu như ngày nào trẻ cũng xem ti vi nhiều hơn 2 giờ, với khoảng cách từ mắt tới ti vi nhỏ hơn 3m thì sẽ làm cho thị lực suy giảm rất nhiều"- BS Chính nhấn mạnh.

Đáng chú ý, cho trẻ đeo kính là biện pháp tất yếu các phụ huynh áp dụng khi biết con mình bị cận thị. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng, cận thị không đơn giản chỉ là một tật khúc xạ mà cứ đeo kính vào là ổn. Bởi nếu bị mắc cận thị trong thời gian dài sẽ gây suy giảm chức năng thị giác.

Cùng với cận thị, các bác sĩ cũng cho hay nhiều trường hợp "mỏi mắt kỹ thuật số" ở trẻ em. Các triệu chứng gồm mờ mắt, nhức đầu và mỏi mắt, mắt thiếu linh hoạt. Nhiều trẻ cũng bị chảy nước mắt, nóng rát, dụi mắt thường xuyên hơn, khô và cảm giác có dị vật trong mắt. Các triệu chứng thường giảm dần sau vài giờ, nhưng hiện y khoa chưa nghiên cứu rõ liệu có hậu quả lâu dài hơn hay không.

Chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, để làm chậm sự phát triển của cận thị và tránh các vấn đề về mắt, các bậc phụ huynh định kỳ từ 3 - 6 tháng cho trẻ đi khám mắt 1 lần tại các cơ sở y tế và dành ít nhất một giờ mỗi ngày cho trẻ hoạt động thể chất ngoài trời. Trong trường hợp gia đình không có sân vườn, bố mẹ nên cố gắng hết sức để tạo một trò chơi hoặc hoạt động thể chất nào đó, nhằm giúp trẻ rời xa máy tính, tivi hoặc điện thoại.

Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ áp dụng quy tắc nghỉ ngơi 20 giây sau mỗi 20 phút sử dụng màn hình, và hướng ánh mắt nhìn đi nơi khác ở khoảng cách hơn 20m. Nhắc trẻ chớp mắt khi chúng đang nhìn vào màn hình.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết mọi người đều chớp mắt ít hơn so với bình thường khi nhìn chằm chằm vào màn hình, điều này có thể gây căng thẳng và khô mắt. Đối với các triệu chứng khô mắt cần nhỏ nước muối sinh lý để vệ sinh mắt.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần cho trẻ ăn các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, quan tâm và phát hiện sớm cận thị ở trẻ (khi trẻ xem ti vi mà nheo mắt, kêu nhức mắt…) cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám, điều trị và được hướng dẫn cụ thể trong việc đeo kính phù hợp cho trẻ.

Theo BS Lưu Thị Quỳnh Anh - Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhân cận thị cao trên 6 đi-ốp có nguy cơ bị đục thủy tinh thể gấp 5 lần người cận thị thấp (từ 1-3 đi-ốp). Ngoài ra, người bị cận thị cao cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh glocom (thiên đầu thống) gấp 14 lần người có độ cận thị thấp. Vì vậy, cần ngăn chặn sự tiến triển của cận thị, giúp bảo vệ trẻ khỏi những biến chứng gây mất thị lực trầm trọng.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nguy-co-gia-tang-tre-can-thi-sau-ky-nghi-he-10285587.html