Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu

Trung Quốc vừa tuyên bố áp hạn chế xuất khẩu thêm lên 7 loại nguyên tố đất hiếm và nam châm quan trọng… Các chuyên gia nhận định, các biện pháp hạn chế mới có nguy cơ dẫn tới cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng diện rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực then chốt như ô tô, hàng không vũ trụ, bán dẫn và quốc phòng.

 Trung Quốc siết chặt xuất khẩu đất hiếm và nam châm

Trung Quốc siết chặt xuất khẩu đất hiếm và nam châm

“Đất hiếm” là nhóm gồm 17 nguyên tố có tính chất hóa học tương tự nhau, đóng vai trò then chốt trong việc sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao. Các nguyên tố này khá dồi dào trong tự nhiên, nhưng được gọi là “hiếm” vì rất khó tìm thấy ở dạng tinh khiết và việc khai thác tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đất hiếm được ứng dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất công nghiệp và cả quân sự, đặc biệt là phục vụ sản xuất nam châm công nghệ cao cho động cơ hiện đại như xe điện.

Gia tăng áp lực trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố, nước này đã ra lệnh hạn chế xuất khẩu 6 kim loại đất hiếm nặng - vốn được tinh chế hoàn toàn tại Trung Quốc, cùng với nam châm đất hiếm, trong đó 90% được sản xuất tại nước này. Các nguyên tố mới bị ảnh hưởng, bao gồm lutetium, scandium, gadolinium, yttrium, đặc biệt dysprosium, terbium và samarium - được xếp vào nhóm đất hiếm “nặng” và “trung bình”, có khả năng chịu nhiệt vượt trội, rất cần thiết cho các thiết bị yêu cầu hiệu năng cao.

Mặc dù các biện pháp hạn chế mới không cấm xuất khẩu hoàn toàn, nhưng các kim loại này, cũng như các loại nam châm đặc biệt được chế tạo từ chúng, từ nay chỉ có thể xuất khẩu khỏi Trung Quốc nếu có giấy phép đặc biệt. Tuy nhiên hệ thống cấp phép mới này vẫn chưa đi vào hoạt động; theo các nguồn tin, Chính phủ Trung Quốc hiện đang soạn thảo một khuôn khổ pháp lý để cấp giấy phép xuất khẩu và dự kiến sẽ mất ít nhất hơn một tháng nữa trước khi các hoạt động xuất khẩu này có thể được tiếp tục theo hệ thống quản lý mới.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc phản ứng với căng thẳng thương mại leo thang, dù chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ miễn thuế cho một số mặt hàng điện tử tiêu dùng. Tuy nhiên, nam châm đất hiếm vẫn nằm trong danh mục bị đánh thuế. Một số chuyên gia nhận định, với khả năng kiểm soát gần như tuyệt đối thị trường đất hiếm toàn cầu, Trung Quốc đang sử dụng lợi thế này để gia tăng áp lực trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Sự gián đoạn hiện tại có thể chỉ là bước đầu trong một cuộc đọ sức này, nơi đất hiếm không chỉ là nguyên liệu mà còn là vũ khí chiến lược.

Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã triển khai các biện pháp hạn chế tương tự đối với những khoáng sản thiết yếu khác như gallium, gernamnium, graphite và antinomy.

Tác động lan rộng và khó kiểm soát

Trung Quốc hiện chiếm 99% sản lượng đất hiếm nặng và 90% sản lượng nam châm đất hiếm toàn cầu; phần còn lại chủ yếu đến từ Nhật Bản và một phần nhỏ từ Đức, song họ vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc.

Với trữ lượng và sản lượng đứng đầu thế giới, động thái hạn chế xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể đến việc phát triển năng lực chuỗi cung ứng đất hiếm bên ngoài Trung Quốc. Sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc có thể khiến các nhà máy ở Mỹ và nhiều nước khác không thể tiếp tục sản xuất, ảnh hưởng đến ngành xe điện, cũng như tác động lớn đến lĩnh vực quốc phòng toàn cầu.

Tờ The Guardian đã dẫn báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) chỉ ra những hạn chế cấp phép xuất khẩu mới do Trung Quốc áp đặt đối với 7 loại đất hiếm có thể gây gián đoạn nguồn cung đối với hơn 10 công ty quốc phòng và hàng không vũ trụ của Mỹ đang sản xuất từ máy bay chiến đấu đến tàu ngầm và máy bay không người lái. Các nhà sản xuất vũ khí tiên tiến của Mỹ có thể đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng khoáng chất đất hiếm cần thiết vốn thường nhập từ Trung Quốc. Tại Viện Nghiên cứu quốc tế Hoàng gia Anh, các chuyên gia cũng nhận định nếu Trung Quốc thắt chặt hơn nữa xuất khẩu đất hiếm sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ và làm suy yếu tham vọng tái công nghiệp hóa của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bên cạnh đó, nếu nguồn cung bị gián đoạn, ngành công nghiệp bán dẫn có thể đối mặt với nguy cơ “đứt gãy” nghiêm trọng, gây ảnh hưởng dây chuyền đến các công ty công nghệ toàn cầu. Các kim loại đất hiếm nặng là thành phần không thể thiếu trong sản xuất nam châm đất hiếm, bởi nó có từ lực mạnh gấp nhiều lần nam châm sắt truyền thống. Những nam châm này đóng vai trò sống còn trong động cơ điện dùng cho ô tô điện, máy bay không người lái, robot, tên lửa và tàu vũ trụ. Đặc biệt, các kim loại này còn là nguyên liệu để chế tạo tụ điện - thành phần quan trọng trong chip máy tính phục vụ trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh.

Mặc dù nam châm đất hiếm chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng nó lại đóng vai trò cực kỳ thiết yếu đối với nhiều ngành công nghệ cao. Việc ngừng xuất khẩu sẽ không khiến Trung quốc thiệt hại nhiều về kinh tế nhưng sẽ tạo áp lực rất lớn lên các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Đức; thêm vào đó, dù Trung Quốc cho biết các mặt hàng này vẫn được xuất khẩu nếu có giấy phép đặc biệt, song hệ thống cấp phép hiện vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, do đó các lô hàng sẽ bị đình trệ tại nhiều cảng Trung Quốc; điều này làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung đất hiếm và nam châm bên ngoài Trung Quốc có thể cạn kiệt nếu quá trình cấp phép kéo dài. Một khi hệ thống cấp phép hoàn thiện, các doanh nghiệp, đặc biệt là những tập đoàn quốc phòng Mỹ, có thể bị loại khỏi danh sách được phép nhập khẩu vĩnh viễn.

Lệnh cấm không chỉ áp dụng với Mỹ mà còn ảnh hưởng đến các nước khác như Nhật Bản và Đức; tuy nhiên, việc thực thi lệnh hạn chế còn không đồng đều giữa các cảng Trung Quốc. Một số cảng cho phép xuất khẩu nếu lô hàng chỉ chứa lượng nhỏ đất hiếm nặng và không đến Mỹ, trong khi nơi khác yêu cầu kiểm định nghiêm ngặt trước khi cho xuất khẩu.

Các nước ứng phó thế nào?

Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ và địa chính trị gia tăng, các nước đang phải đối mặt với một bài toán lớn, đó là thoát khỏi sự phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất là Trung Quốc.

Theo CSIS, Mỹ đã nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước với việc đầu tư vào công nghệ khai thác và tinh chế loại khoáng sản này; các cơ sở sản xuất đất hiếm của công ty MP Materials đã nhận được hàng chục triệu USD tài trợ để đẩy mạnh khai thác cũng như phát triển công nghệ. Tuy nhiên, ngay cả khi các cơ sở này hoạt động hết công suất, MP Materials sẽ chỉ sản xuất được 1.000 tấn nam châm neodymium-boron-iron vào cuối năm 2025 - con số quá ít so với Trung Quốc. Trong năm 2024, MP Materials đã công bố sản lượng kỷ lục là 1.300 tấn oxit neodymium-praseodymium, trong khi tổng sản lượng của Trung Quốc lên tới khoảng 300.000 tấn.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành đạo luật nguyên liệu thô quan trọng (CRMA) với mục tiêu đạt được ít nhất 10% nhu cầu hàng năm của EU về nguyên liệu chiến lược được khai thác trong nội khối; ít nhất 40% được chế biến trong EU và ít nhất 25% đến từ nguồn tái chế. Đặc biệt, các quốc gia EU đặt mục tiêu không phụ thuộc vào quốc gia thứ ba đối với trên 65% nhu cầu hàng năm về nguyên liệu thô. Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Ireland, Đạo luật CRMA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp trong khối cũng như giảm sự phụ thuộc của EU vào các nguồn cung bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang tích cực đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường tích trữ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc. Kể từ sau sự kiện bất đồng về lãnh thổ với Trung Quốc vào năm 2010, Nhật Bản đã triển khai một chiến lược toàn diện, bao gồm đầu tư vào các mỏ đất hiếm tại Australia và tăng cường tích trữ khoáng sản. Từ đó, quốc gia này đã giảm tỷ lệ phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc, từ khoảng 90% xuống còn khoảng 60%.

Hiện vẫn chưa rõ Chính phủ Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp siết xuất khẩu mới này như thế nào, nhưng chắc chắn tác động từ các biện pháp này sẽ không nhỏ.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nguy-co-gian-doan-chuoi-cung-ung-toan-cau-post411113.html