Nguy cơ mất thị phần cho các đối thủ

Theo các chuyên gia, việc mất thị phần ở Mỹ do tác động của việc đánh thuế đối ứng 46% hoàn toàn có thể xảy ra nếu doanh nghiệp không giải được bài toán tối ưu chi phí khi xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu, định hướng lại thị trường xuất khẩu.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Phan Thế Công - Trường Đại học Thương mại - cho rằng, việc Mỹ áp thuế đối ứng tới 46% với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sẽ gây ra những hệ lụy đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng vốn là thế mạnh trong xuất khẩu như dệt may, giày dép, nội thất, điện tử, thủy sản. Thực tế thuế quan cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh về giá của hàng Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với việc mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh khác như Mexico, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia - vốn xuất khẩu các sản phẩm tương tự với Việt Nam. Trong trường hợp xấu nhất, với những đơn vị chỉ xuất khẩu sang Mỹ, doanh nghiệp sẽ đối mặt nguy cơ thu hẹp quy mô sản xuất, giảm đơn hàng xuất khẩu, kéo theo cắt giảm lao động. Đặc biệt, các ngành như dệt may, giày dép, thủy sản và nội thất sử dụng lượng lớn lao động phổ thông, việc giảm quy mô sản xuất có thể dẫn đến mất việc làm trên diện rộng, tạo áp lực về an sinh xã hội.

Doanh nghiệp lo tác động của việc tăng thuế của Mỹ. Ảnh: Nguyễn Bằng.

Doanh nghiệp lo tác động của việc tăng thuế của Mỹ. Ảnh: Nguyễn Bằng.

“Xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong tăng trưởng GDP của Việt Nam. Việc áp thuế cao sẽ làm giảm động lực tăng trưởng xuất khẩu, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hướng mạnh vào xuất khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế”, ông Công nhận định.

Vị chuyên gia này cho rằng, xuất khẩu giảm sút sẽ khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ thu hẹp lại, có thể dẫn đến cán cân thương mại chuyển sang trạng thái kém thuận lợi hơn. Cùng với đó, việc giảm dòng ngoại tệ từ xuất khẩu có thể tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD, có nguy cơ mất ổn định tỷ giá và gây áp lực lên lạm phát.

“Thuế cao sẽ làm giảm sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là các doanh nghiệp chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất hàng hóa để xuất khẩu sang Mỹ. Một số doanh nghiệp nước ngoài có thể cân nhắc chuyển hướng đầu tư sang các nước khác có lợi thế thuế quan tốt hơn”, ông Công nhận định.

Giải pháp được đưa ra lúc này là doanh nghiệp buộc phải nhanh chóng thích ứng bằng cách chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường thay thế khác như EU, Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc hoặc tìm cách tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, đây là việc không dễ dàng, đòi hỏi thời gian và chi phí lớn.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, một chuyên gia thương mại cho rằng, để giảm thiểu tác động của áp thuế 46%, Việt Nam cần lập tức tăng cường đàm phán song phương với Mỹ, tận dụng mối quan hệ bền vững lâu dài để đàm phán cho từng lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm. Về trung hạn, Việt Nam và doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để giảm thiểu rủi ro. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do, để tránh áp thuế cũng là giải pháp tốt đi kèm với đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp Mỹ với các cơ chế ưu đãi tốt. “Bản thân doanh nghiệp cũng phải nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm. Khi đó, dù thuế cao ảnh hưởng đến giá thành, người tiêu dùng Mỹ sẽ vẫn sẵn sàng chi tiền mua. Việc kết hợp các biện pháp trên sẽ giúp Việt Nam và các doanh nghiệp trong nước giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới và duy trì sự phát triển bền vững trong tương lai”, vị chuyên gia nhận định.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguy-co-mat-thi-phan-cho-cac-doi-thu-post1731120.tpo