Nguy cơ mối xâm hại tại Khu Di tích Quốc gia Đền Bà Triệu
Hệ thống cây xanh ở Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Bà Triệu đang bị mối xâm hại nghiêm trọng, về lâu dài, mối có thể sẽ lan rộng vào nền các kiến trúc hay các cấu kiện gỗ trong khu di tích.
Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có cảnh quan thiên nhiên rộng lớn được bao bọc bởi đồi núi, hệ thống cây xanh mát.
Tuy nhiên, hệ thống cây xanh ở đây đang bị mối xâm hại nghiêm trọng. Nếu không xử lý kịp thời, về lâu dài, mối có thể sẽ lan rộng vào nền các kiến trúc hay các cấu kiện gỗ trong khu di tích.
Theo quan sát của phóng viên TTXVN, trong khuôn viên rộng gần 4ha của đền Bà Triệu xuất hiện rất nhiều tổ mối. Mối xuất hiện tại khu vực trồng cây lưu niệm, khu vực vườn hoa cây xanh, khu vực cây lâu năm và thảm thực vật... Nhiều tổ mối đang hoạt động và phát triển lan rộng lên các thân cây.
Bên cạnh đó, mối còn xâm hại đến hệ thống bờ tường đất và hệ thống sân nền tại di tích. Nhiều tổ mối đùn lên mặt đất thành các ụ nổi hình trụ có đường kính khoảng 0,4m, cao khoảng 0,8m.
Đáng lưu ý, khu di tích có 355 cây trồng lâu năm, trong đó có 85 cây của lãnh đạo Trung ương và địa phương trồng hưởng ứng phong trào trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 45 cây lâu năm đã và đang bị mối gây hại; 4 cây đã chết do mối xâm hại và nhiều cây khác đang bị chết vỏ do bị mối ăn.
Khu vực sảnh nhà đón tiếp và khu vực sân Thiên Tỉnh, nhà Giải Vũ có hiện tượng mối làm tổ phía dưới, đục rỗng nền đất đùn đất lên gây nguy cơ sụt lún nền các công trình.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa, việc mối xuất hiện nhiều tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Bà Triệu do khu vực này có thảm thực vật dày là nguồn thức ăn cho mối cư ngụ và làm tổ.
Để xử lý mối, nhiều tháng nay, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa và Ban Quản lý Di tích đền Bà Triệu đã thực hiện việc chống mối thủ công như dùng chổi quét, hay đào, tìm diệt thủ công các tổ mối. Tuy nhiên, do địa bàn di tích nằm trong không gian chân núi, các biện pháp đó chỉ là giải pháp tình thế, không có tác dụng triệt để.
Chị Đỗ Thị Hải Yến, cán bộ Ban Quản lý di tích đền Bà Triệu cho biết: "Hàng tuần, chúng tôi dành ra ngày thứ Bảy để vệ sinh chống mối như dùng chổi xương quét bề mặt vỏ cây, phá lớp tổ mối bọc xung quanh thân cây hay đào, tìm diệt thủ công các tổ mối. Tuy nhiên, thời điểm này đang là mùa mưa, mối sinh sôi, phát triển rất nhanh, chỉ vài ngày lại đùn lên như ban đầu. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp diệt trừ mối hại cây."
Với mục tiêu tiêu diệt các ụ mối và phòng, chống mối tránh làm hư hại cây trồng, gây hại các hạng mục kiến trúc thờ tự trong khuôn viên Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Bà Triệu, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa và Ban Quản lý Di tích đền Bà Triệu đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát, lập dự án trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt dự án diệt và chống mối cho khu di tích.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng Ban Quản lý Di tích đền Bà Triệu khẳng định việc mối gây nguy hại cho hệ thống cây xanh ở khu vực đền Bà Triệu đã diễn ra trong nhiều năm qua và trở nên nguy cấp hơn từ đầu năm 2023 đến nay.
Mối đang gây hại trực tiếp cho khu di tích, nguy cơ mối ăn lan rộng vào nền kiến trúc và các cấu kiện gỗ trong khu di tích đã được các ngành chức năng khảo sát, đánh giá đầy đủ. Vì thế, về lâu dài, rất cần giải pháp pháp thường xuyên liên tục được thực hiện để chống mối xâm hại hiệu quả tránh làm ảnh hưởng cảnh quan, môi trường và sự sinh trưởng của các loại cây xanh trong khu di tích.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt phương án diệt và chống mối tại Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Bà Triệu và được thực hiện từ năm 2023-2025.
Việc chống mối sẽ được thực hiện trên diện tích 3.879 m2 với 178 cây xanh và mục tiêu sẽ diệt hết tất cả tổ mối xung quanh nền các công trình thuộc di tích và phòng mối lâu dài cho công trình.
Trong đó, các tháng cuối năm 2023, sẽ phấn đấu tiến hành tẩy, diệt toàn bộ 43 ụ mối nổi trên mặt đất và chống mối cho 85 cây lưu niệm do các lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng lưu niệm tại đây. Dự kiến kinh phí dành cho việc diệt và chống mối không quá 1,5 tỷ đồng từ nguồn chi thường xuyên trong dự toán ngân sách của tỉnh Thanh Hóa.
Khu Di tích Quốc gia Đặc biệt Đền Bà Triệu là một trong những di tích lâu đời bậc nhất ở xứ Thanh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1979 và được xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt năm 2014./.