Nguy cơ Mỹ vỡ nợ phủ bóng hội nghị tài chính G7
Thế đối đầu ở Washington vì chuyện trần nợ của Mỹ phủ bóng hội nghị của các bộ trưởng tài chính Nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản, khai mạc ngày 11/5, làm tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái khi các ngân hàng trung ương đang tìm kiếm một cú hạ cánh mềm cho kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gây sức ép lên các nghị sĩ Cộng hòa phải nhanh chóng hành động để nâng ngưỡng vay của chính phủ lên cao hơn mức 31,4 nghìn tỷ đô la hiện nay, nếu không sẽ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào suy thoái.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự kiến sẽ phải trả lời nhiều câu hỏi từ những người đồng cấp trong G7 khi đến dự hội nghị ở thành phố Niigata của Nhật Bản, về cách Washington sẽ làm để ngăn sóng gió trên thị trường tài chính, sau ba vụ sụp đổ ngân hàng gần đây.
“Vỡ nợ đe dọa lấy đi những thành quả mà chúng ta đã làm việc vất vả mới đạt được trong mấy năm qua để phục hồi sau đại dịch, và nó sẽ châm ngòi cho một đợt suy thoái toàn cầu mà chúng ta sẽ bị kéo lùi hơn nữa”, bà Yellen phát biểu tại Niigata ngày 11/5.
Cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ cũng khiến Tokyo đau đầu, khi Nhật Bản đang là chủ tịch G7 năm nay và cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
“Chúng tôi sẽ không đi vào chủ đề cụ thể như vậy”, Bộ trưởng Tài chính Nhật Shunichi Suzuki nói với báo chí ngày 11/5, khi được hỏi về giải pháp mà Nhật Bản muốn từ Mỹ.
Thay vào đó, ông Suzuki cho biết các bộ trưởng tài chính G7 sẽ thảo luận về cách xử lý tốt hơn những rủi ro đối với hệ thống tài chính, thông qua chia sẻ bài học rút ra từ các vụ sụp đổ ngân hàng ở Mỹ.
“G7 sẽ không thể đưa ra một giải pháp cho một vấn đề chính trị nội bộ đơn thuần của Mỹ, dù nhóm có thể tái khẳng định quyết tâm hợp tác để ổn định các thị trường nếu xảy ra kịch bản tồi tệ nhất”, Takahide Kiuchi, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Nomura, nhận định.
“Washington sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc xử lý chuyện này. Nhưng khi tình hình không được xử lý, tất cả các nước khác sẽ phải giải quyết hậu quả”, ông Kiuchi nói.
Những rủi ro kinh tế toàn cầu, bao gồm lạm phát cao kéo dài và hệ lụy từ việc Mỹ và châu Âu liên tục tăng lãi suất, có thể sẽ là những chủ đề chính được các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương của G7 bàn thảo.
Bà Yellen cho rằng, kinh tế toàn cầu hiện nay “tốt hơn nhiều so với dự đoán đưa ra cách đây 6 tháng”, khi lạm phát đã giảm bớt ở nhiều quốc gia G7, trong đó có Mỹ.